10 sự kiện tiêu biểu thị trường chứng khoán Việt Nam

Theo Đầu tư Chứng khoán

Đọng lại sau một năm 2012 nhiều thách thức là gì? Xin giới thiệu 10 sự kiện tiêu biểu trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

HNX phản ánh sát thực hơn bức tranh của TTCK

10 sự kiện tiêu biểu thị trường chứng khoán Việt Nam - Ảnh 1

Diễn biến của TTCK năm 2012 có một điểm nhấn đáng chú ý: HNX-Index phản ánh diễn biến TTCK chân thực hơn VN-Index. Khởi đầu với mốc 100  điểm vào năm 2005, từng lên gần 460 điểm tháng 3/2007,  nhưng cả năm 2012, HNX-Index nằm “dưới vạch xuất phát” và lập đáy thấp nhất trong lịch sử ở 50,32 điểm vào ngày 3/11. Sự trượt dốc của HNX-Index phản ánh đúng diễn biến ảm đạm của TTCK trong suốt năm 2012: hơn 50% cổ phiếu niêm yết có giá thấp hơn mệnh giá; quý III/2012, có tới 438 DN/702 DN niêm yết suy giảm lợi nhuận so với cùng kỳ, 143 DN báo lỗ, 21 cổ phiếu hủy niêm yết… Các công ty niêm yết gần như không huy động thêm được vốn mới qua TTCK do giá cổ phiếu giảm quá thấp. Tổng giá trị huy động vốn cổ phần qua TTCK và IPO cả năm 2012 chỉ đạt trên 10.000 tỷ đồng.

Hoàn thiện khung pháp lý và nhiều cải tiến thiết thực được triển khai

10 sự kiện tiêu biểu thị trường chứng khoán Việt Nam - Ảnh 2

Năm 2012 là năm ghi nhận nhiều nỗ lực của cơ quan quản lý đối với TTCK trong việc tăng cường các biện pháp nhằm hoàn thiện pháp lý và tăng thanh khoản cho thị trường: giao dịch thêm buổi chiều, đưa lệnh thị trường (MP) vào sử dụng, rút ngắn thời gian giao dịch từ T+4 xuống còn T+3, ra mắt bộ chỉ số VN30 và HNX30 và các chỉ số theo ngành… Đặc biệt, hành lang pháp lý liên quan đến TTCK cũng được hoàn thiện, bên cạnh Quyết định số 1826/QĐ-TTg phê duyệt đề án tái cấu trúc TTCK, Nghị định 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật Chứng khoán đã được ban hành. Nhiều thông tư (như Thông tư 52/2012/TT-BTC; Thông tư 210/TT-BTC; Thông tư 121/TT-BTC…) đã được ban hành, tạo thêm sức ép minh bạch và tái cấu trúc TTCK theo hướng chuyên nghiệp hơn, đào thải nhanh hơn các thực thể yếu để tạo cơ hội cho các thành viên khỏe mạnh phát triển.

Thị trường trái phiếu huy động vốn đạt kỷ lục

10 sự kiện tiêu biểu thị trường chứng khoán Việt Nam - Ảnh 3

Tính đến giữa tháng 12/2012, huy động vốn trái phiếu chính phủ qua hình thức đấu thầu trên HNX đã đạt gần gấp đôi so với cả năm 2011, tương đương 156.544 tỷ đồng. Từ ngày 24/8/2012 lần đầu tiên tín phiếu kho bạc phát hành theo phương thức đấu thầu qua Ngân hàng Nhà nước được đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và niêm yết tại HNX. Việc đưa tín phiếu kho bạc vào giao dịch trên thị trường thứ cấp cùng những nỗ lực cải tổ thị trường trái phiếu đang được VSD, HNX, UBCK, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước thực hiện đã và sẽ khiến thị trường trái phiếu trở nên chuyên nghiệp hơn.

Vượt qua áp lực thoái vốn của nhiều quỹ đầu tư

Các tổ chức đầu tư đang chịu áp lực thoái vốn

Vào đầu năm 2012, một lo ngại lớn của giới đầu tư nội địa là nhiều quỹ đầu tư tới hạn giải thể và lực bán ra sẽ kéo thị trường đi xuống. Tuy nhiên, kết thúc năm 2012, TTCK Việt Nam đã vượt qua đợt “stress-test” thành công: hai quỹ lớn do Dragon Capital quản lý là Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) và Vietnam Growth Fund Limited (VGF) đã được đồng thuận ở lại TTCK ít nhất đến năm 2015 và 2017. Tương tự, Quỹ Vietnam Equity Holding (VEH) và Vietnam Property Holding (VPH) do Saigon Asset Management (SAM) quản lý cũng đã đạt được sự đồng thuận gia hạn hoạt động thêm 3 năm. Một loại quỹ nội địa nội địa như Quỹ Tầm nhìn SSI, Quỹ Việt Long, Tiger Fund, Quỹ Đầu tư chứng khoán Bản Việt… giải thể hoặc phải thu hẹp hoạt động, nhưng không tạo ra các đợt “thủy triều đỏ” nhấn chìm thị trường.

NĐT nước ngoài vẫn mua ròng tại TTCK Việt Nam

10 sự kiện tiêu biểu thị trường chứng khoán Việt Nam - Ảnh 4

Bất chấp TTCK Việt Nam đi xuống và một số quỹ ngoại gặp áp lực thoái vốn một phần, vốn ngoại vẫn chảy vào  Việt Nam, với vốn gián tiếp vào ròng lên tới gần 2 tỷ USD. Nét nổi bật là nhiều mối quan hệ hợp tác ngành lên ngôi như trường hợp Nawaplastic Industry (Saraburi) - công ty nhựa lớn của Thái Lan trở thành cổ đông lớn tại Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong; Ezaki Glico hợp tác với Kinh Đô… Bên cạnh đó, các quỹ ETF tiếp tục trở thành nhân tố năng động nhất trên TTCK, đặc biệt ở các kỳ “review” (đánh giá lại danh mục đầu tư). Phát hiện ra quy luật, giới đầu nội địa cố gắng “bắt bài” ETF, khiến thị trường thường sôi động hơn ở các kỳ “review” này. Cả năm 2012, hiệu quả dòng tiền (tiền mới và hiện thực hóa các khoản đầu tư) của hai ETF đang hoạt động tại Việt Nam vẫn đạt trên 80 triệu USD là một điểm tích cực.

2012 - “năm hạn” của khối CTCK

10 sự kiện tiêu biểu thị trường chứng khoán Việt Nam - Ảnh 5

Năm 2012 chứng kiến hoạt động tái cơ cấu và thu hẹp hoạt động trên diện rộng của khối CTCK. Tiêu biểu nhất là trường hợp của CTCK Sacombank (SBS). Từ một CTCK hàng “ngôi sao” về môi giới cách đây chưa lâu, sau khi kiểm toán lại và làm rõ bức tranh tài chính, SBS đã lỗ trên 1.700 tỷ đồng, mất gần hết vốn chủ sở hữu. Một loạt CTCK khác buộc phải rút nghiệp vụ môi giới như CTCK Hà Nội, Trường Sơn, SME, Đông Dương, Âu Việt… Trong năm 2012, có khoảng 50% CTCK thua lỗ cho thấy sự đào thải khắc nghiệt của ngành. Sau sự cố mất thanh khoản tại CTCK SME, cơ quan quản lý đã đưa trên 10 CTCK vào diện kiểm soát. Ngoài việc tăng cường thanh tra giám sát hoạt động của khối CTCK, Thông tư 210/2012/TT-BTC ra đời là hành lang pháp lý quan trọng điều chỉnh tổ chức và hoạt động của CTCK theo hướng an toàn và bảo vệ nhà đầu tư ở mức cao hơn.

TTCK Việt Nam bốc hơi 4 tỷ USD từ sự cố “bầu Kiên”

10 sự kiện tiêu biểu thị trường chứng khoán Việt Nam - Ảnh 6

Sau sự kiện “ngày 20/8” khi doanh nhân Nguyễn Đức Kiên bị bắt giữ, TTCK Việt Nam đã giảm mạnh liên tiếp nhiều phiên liền. VN-Index giảm gần 12%, trong khi đó HNX-Index giảm tới 15,5% vì tâm lý lo ngại của nhà đầu tư. Chỉ trong vài ngày, giá trị vốn hóa TTCK Việt Nam bay hơn gần 4 tỷ USD. Sau đó, TTCK tiếp tục có diễn biến xấu khi một loạt thành viên HĐQT Ngân hàng ACB bị khởi tố. Một số doanh nhân ngành ngân hàng như Đặng Văn Thành, Đặng Thành Tâm… cũng gặp nhiều sóng gió liên quan đến các nghi vấn pháp lý và cuộc chiến trên thương trường, góp phần gây tâm lý bất an trên toàn TTCK.

Hội chứng “từ nhiệm - khởi tố” cụm từ mới, chỉ trạng thái căng thẳng của giới đầu tư nội địa đã xuất hiện trong năm 2012.

Sacombank đổi chủ sở hữu

10 sự kiện tiêu biểu thị trường chứng khoán Việt Nam - Ảnh 7
Ông Phạm Hữu Phú thay ông Đặng Văn Thành làm chủ tich HĐQT ngân hàng Sacombank

Sacombank là DN tốn nhiều giấy mực của báo giới nhất trong năm 2012. Ở các vị trí khác nhau, việc Sacombank đổi chủ sở hữu được nhìn nhận theo các quan điểm thậm chí khác biệt nhau. Dù thâu tóm thân thiện hay thù nghịch thì việc Sacombank bị chinh phục thành công là một minh chứng điển hình, thổi bùng nỗi lo bị thâu tóm tại tất cả các DN niêm yết, đặc biệt khi giá chứng khoán quá thấp. Trong năm 2012 cũng xuất hiện nhiều thương vụ M&A thân thiện như Thủy sản Hùng Vương mua cổ phần của CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng, CTCP Thực phẩm Sao Ta; CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM nắm 80% cổ phần tại CTCP Cơ khí - Điện Lữ Gia… Xu hướng M&A dự báo sẽ tiếp tục sôi động trong năm 2013.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mạnh tay chấn chỉnh thị trường

10 sự kiện tiêu biểu thị trường chứng khoán Việt Nam - Ảnh 8
Năm 2012 là năm Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thẳng tay xử lý một loạt sai phạm trên TTCK: sau rất nhiều nghi ngờ và đồn đoán, một số CTCK và nhân viên đã bị phạt nặng vì hành vi bán khống. Tính cả năm 2012, UBCK đã ban hành hơn 180 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức và cá nhân, với tổng số tiền phạt gần 11 tỷ đồng. Tại HOSE, công tác công bố thông tin được siết chặt, lần đầu tiên một loạt công ty niêm yết bị nhắc nhở về việc chậm trễ công bố thông tin, đặc biệt là Nghị quyết đại hội đồng cổ đông, Nghị quyết HĐQT, tài liệu họp đại hội…