2 xu hướng đầu tư "đón sóng" năm 2021

Theo Thanh Long/bizlive.vn

Năm 2021, cổ phiếu các ngành thiết yếu như điện, nông nghiệp, vật liệu xây dựng cơ bản... được kỳ vọng sẽ "tạo sóng" trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đầu quý III/2020, thị trường chứng khoán (TTCK) chịu áp lực giảm điểm khi Việt Nam tái bùng phát dịch Covid-19 trong cộng đồng, các biện pháp giãn cách xã hội đã gây nên tâm lý lo ngại cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên sau đó, trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ cùng với các động thái hỗ trợ tăng trưởng từ thế giới và trong nước, đặc biệt, lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm đã làm tăng tính hấp dẫn của chứng khoán, thị trường đã khởi sắc mạnh mẽ khi VN-Index vượt thành công ngưỡng 900 điểm.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng trong quý III với giá trị giảm dần so với các quý trước, đạt tổng giá trị 1.893 tỷ đồng.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) trong "Báo cáo chuyên đề: Triển vọng TTCK Việt Nam quý IV/2020" vừa công bố, dịch Covid-19 tiếp tục là yếu tố tiềm ẩn bất định với nền kinh tế, đặc biệt là rủi ro làn sóng dịch bệnh thứ hai trở lại các nước châu Âu cũng như các khu vực đã dần kiểm soát được dịch bệnh thời gian qua.

Tuy nhiên, VCBS nhấn mạnh trong giai đoạn mới, các quốc gia đã thay đổi trong cách ứng phó, thu hẹp tối đa phạm vi tiến hành các biện pháp giãn cách xã hội, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với nền kinh tế.

Dù vậy, cũng cần lưu ý đến sức chống chịu của nền kinh tế thế giới trong bối cảnh khó khăn này.

VCBS đánh giá chính sách tiền tệ nới lỏng hỗ trợ cho đà hồi phục của nhiều nền kinh tế trên thế giới sẽ tiếp tục là xu hướng chung, kèm với đó là các kêu gọi và biện pháp đối ứng từ chính sách tài khóa. Theo đó, mức độ hồi phục của các quốc gia sẽ dựa vào hiệu quả của các biện pháp phòng chống dịch, dư địa chính sách tài khóa và dư địa chính sách tiền tệ.

Tại Việt Nam, cách tiếp cận linh hoạt trong các biện pháp chống dịch đã bước đầu giúp tăng tính khả thi trong việc thực hiện "mục tiêu kép": vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế.

VCBS dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2020 của Việt Nam sẽ đạt 2,73%-3,06%, lạm phát cả năm ở mức 3,1-3,2%.

Bên cạnh đó, sự ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục là điểm cộng trong giai đoạn này. Chuyên gia của VCBS kỳ vọng các bước chuẩn bị về cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, lao động sẽ giúp Việt Nam tiếp tục có lợi thế thu hút dòng vốn FDI đăng ký và giải ngân thực tế trong các năm tiếp theo.

Với xu hướng đi lên zig zag – đan xen liên tục giữa các nhịp tăng giá nhẹ và tích lũy – như hiện tại, công ty chứng khoán này cho rằng chỉ số VN-Index sẽ khó có khả năng giảm sâu trong quý cuối cùng của năm, nhất là trong bối cảnh: dịch bệnh Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt tại Việt Nam, cùng với đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn đang trong quá trình phục hồi tương đối khả quản và dòng tiền của khối nội vẫn tham gia khá hào hứng trên thị trường còn đà bán ròng của khối ngoại đã giảm tốc đáng kể trong thời gian gần đây.

"Theo đó, VN-Index nhiều khả năng sẽ dao động trong vùng 920-950 điểm trong quý IV với các ngưỡng hỗ trợ mạnh là 880 và 900 điểm", VCBS lạc quan.

Trong quý cuối cùng của năm 2020, công ty chứng khoán này tin rằng những doanh nghiệp tập trung vào ngành nghề kinh doanh cốt lõi và được hưởng lợi từ hoạt động chuyển dịch sản xuất do tác động của chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, tiêu biểu là nhóm cảng biển – logistics, là những doanh nghiệp đáng được đầu tư.

Cùng với đó là nhóm doanh nghiệp phát triển bất động sản triển khai dự án xung quanh các đô thị loại 1, với điều kiện tiên quyết là các doanh nghiệp này phải sở hữu lợi thế về nguồn lực tài chính dồi dào với tầm nhìn phát triển dự án bài bản, dài hạn.

Một số doanh nghiệp với “câu chuyện riêng” liên quan đến tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài, mua bán sáp nhập, niêm yết mới,… cũng là những lựa chọn tốt cho các nhà đầu tư.

Nhìn xa hơn, VCBS cho rằng cơ hội đầu tư trong năm 2021 sẽ có 2 xu hướng đáng chú ý: quay trở về những ngành sản xuất thiết yếu và đầu tư vào những ngành hưởng lợi trực tiếp từ các chính sách điều hành nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế của chính phủ.

Cụ thể, quá trình đón nhận chuyển dịch chuỗi cung ứng từ nước ngoài, quá trình công nghiệp hóa, số hóa của nền kinh tế nội địa và quá trình đô thị hóa trong tương lai đều sẽ yêu cầu những yếu tố đầu vào thiết yếu như: điện, nông nghiệp, vật liệu xây dựng cơ bản (xi măng, thép,…).

Bên cạnh đó, với mục tiêu đẩy nhanh quá trình hồi phục của nền kinh tế Việt Nam sau dịch Covid-19, các dự án xây dựng mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện tại của Việt Nam sẽ là đem đến triển vọng tăng trưởng tích cực cho nhóm doanh nghiệp xây dựng chuyên dụng, bên cạnh tác động lan tỏa tích cực đến nền kinh tế nói chung.