5 phát hiện về tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu và thay đổi ở nông thôn Việt Nam

PV.

Ngày 4/5/2017, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã phối hợp với các đối tác công bố Báo cáo cuốn sách “Tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu và thay đổi ở nông thôn Việt Nam” tại Hà Nội.

Toàn cảnh hội thảo công bố Báo cáo ngày 4/5/2017.
Toàn cảnh hội thảo công bố Báo cáo ngày 4/5/2017.

Đã có sự giảm mạnh về đói nghèo

Chia sẻ những kết quả nghiên cứu, GS Finn Tarp, Giám đốc UNU – WIDER, Giáo sư trường Đại học Copenhagen, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Cuốn sách “Tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu và thay đổi ở nông thôn Việt Nam” được viết dựa trên các cuộc Điều tra thực hiện trong suốt 15 năm về “Tiếp cận nguồn lực của hộ gia đình ở nông thôn Việt Nam”, với cuộc điều tra thử nghiệm một lần, cung cấp bộ số liệu phong phú về hàng ngàn hộ gia đình ở nông thôn trong quá trình chuyển dịch kinh tế của Việt Nam.

“Cuộc điều tra giúp tìm hiểu về những biến động trong các hoạt động kinh tế hộ gia đình và làm sâu sắc hơn hiểu biết về việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất ở khu vực nông thôn của Việt Nam”, nhấn mạnh điều này GS Finn Tarp khẳng định: Kết quả nghiên cứu sẽ cung cấp một đánh giá chuyên sâu về sự phát triển của đời sống nông thôn Việt Nam trong suốt thập kỷ qua, bằng việc kết hợp của nguồn dữ liệu sơ cấp độc nhất và các công cụ phân tích mạnh nhất.

Cuốn sách cũng đưa ra cái nhìn tổng quát, toàn diện về tác động của việc tiếp cận thị trường đất đai, lao động và vốn đối với hộ gia đình cũng như tác động của chính sách đối với sự tăng trưởng, bất bình đẳng, nghèo đói ở cấp làng xã, bao gồm sự phân bổ những cái được và mất từ sự tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam.

Đặc biệt, kết quả nghiên cứu này tạo ra một bộ dữ liệu và có giá trị tham khảo đối với sinh viên, các nhà nghiên cứu, những người hoạt động trong lĩnh vực phát triển, bao gồm các nhà hoạch định chính sách, những người quan tâm đến cách tiếp cận mang tính quốc tế, để nghiên cứu sự tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu và phân tích kinh tế vi mô về sự phát triển của Việt Nam.

Tóm lại, có 5 phát hiện chính đã được các tác giả đề cập cụ thể trong cuốn sách “Tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu và thay đổi ở nông thôn Việt Nam" như sau: 

Thứ nhất, điều kiện sống: Xét về giá trị tuyệt đối, nhìn chung được cải thiện đối với các hộ gia đình ở nông thôn.

Thứ hai, tiếp cận nguồn lực của hộ gia đình ở nông thôn Việt Nam cho thấy, khu vực nông thôn Việt Nam đã có sự giảm mạnh về đói nghèo nhưng không đúng với tất cả (xét về giá trị tuyệt đối), nhiều hộ còn bị nghèo hơn.

Thứ ba, việc có đầy đủ các tài sản, bao gồm giáo dục, vốn xã hội, tư liệu sản xuất giúp các hộ có cơ hội phát triển tốt hơn và tương tự đối với việc có nhiều thành viên trong độ tuổi vàng.

Thứ tư, các hộ có mức giảm lớn trong chi tiêu thực phẩm thường là các hộ gặp phải các cú sốc và không phải là dân tộc Kinh.

Thứ năm, vốn xã hội và các mối quan hệ mang tính đỡ đầu đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế, xã hội và chính trị ở Việt Nam.

Hàm ý về chính sách

Theo quan điểm của nhóm nghiên cứu, việc tiếp cận nguồn lực của hộ gia đình ở nông thôn Việt Nam không phải là để chỉ ra những việc Việt Nam nên làm,  mà mục đích nhằm cung cấp dữ liệu và công cụ phân tích đầu vào để giúp việc hoạch định chính sách được tốt hơn. Vì vậy, trên cơ sở kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã đưa ra những hàm ý về chính sách đối với nước ta như sau:

Thứ nhất, Việt Nam cần duy trì sự tập trung vào những nhu cầu phát triển vật chất, con người và vốn xã hội; đặc biệt quan tâm đến những tỉnh còn khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số, nếu không khoảng cách hiện tại tiếp tục bị nới rộng.

Thứ hai, các chính sách sâu và rộng giúp nâng cao năng suất trong nông nghiệp. Cụ thể là cần triển khai mở rộng ra tất cả các vùng; tăng cường sử dụng công nghệ hiện đại gắn với công nghệ thông tin.

Thứ ba, cần loại bỏ những rào cản đối với các hoạt động của thị trường đất đai.

Thứ tư, thực tế cho thấy, những người rời khỏi nông nghiệp thường phát triển và có thu nhập cao hơn, trong khi nông nghiệp nên tăng giá trị tuyệt đối và giảm giá trị tương đối. Điều này cho thấy, chuyển đổi cơ cấu là rất cần thiết và cần phải triển khai quyết liệt hơn nữa để thúc đẩy tiến trình này.

Muốn vậy, Việt Nam cần tích cực hỗ trợ các hoạt động phi nông nghiệp và giúp thành lập các doanh nghiệp hộ gia đình; Hỗ trợ phát triển thị trường lao động linh hoạt hơn, luôn quan tâm tới vấn đề tạo việc làm; Loại bỏ những rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp, tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp khu vực nông thôn khởi nghiệp, phát triển và mở rộng…

Thứ năm, tập trung vào các nguyên tắc và hành động kinh tế - xã hội công bằng, có thể dự đoán được và minh bạch: i) Mọi cong dân đều phải tuân theo pháp luật; ii) Những người có quyền lực và ảnh hưởng đều phải chịu trách nhiệm cho các hành động của họ.

Thứ sáu, cần nỗ lực hơn nữa trong việc giải quyết vấn đề tiếp cận thông tin; in ternet và thúc đẩy chính phủ điện tử là một cách hiệu quả để giúp giải quyết vấn đề này…