“Bão vốn” có thể đổ vào chứng khoán

Theo stockbiz.vn

(Tài chính) Thị trường dự báo, hàng trăm doanh nghiệp (DN) có thể sẽ đấu giá bán cổ phần trong năm nay và hoạt động IPO các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sẽ cung ứng một lượng hàng hóa dồi dào. Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đang chờ được giải ngân vào các đợt đấu giá, IPO này. Vai trò của nhà điều hành thị trường đơn giản là tạo cho được sự công khai, minh bạch để các nhà đầu tư (NĐT) tìm kiếm lợi nhuận cho riêng mình…

 “Bão vốn” có thể đổ vào chứng khoán
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Những phiên giao dịch thanh khoản hơn 3.500 tỷ đồng và kéo dài liên tiếp khiến những e ngại về ngày T+3 gần như không được đề cập. Theo dự cảm của nhiều chuyên gia phân tích, hàng nghìn tỷ đồng luôn túc trực cơ hội để đổ vào chứng khoán trong thời gian này. Riêng trong tuần lễ từ ngày 7 - 13/2, Quỹ Market Vector Vietnam (VNM) đã huy động mới hơn 10 triệu USD (hơn 210 tỷ đồng). Nếu tính tổng cộng từ đầu năm 2014, VNM đã huy động mới hơn 30 triệu USD (trên 600 tỷ đồng). Thêm vào đó, từ cuối 2013 đến nay, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài ở quy mô vừa và nhỏ được thành lập...

Một chuyên gia chứng khoán lưu ý, năm 2013, quỹ VNM có mức lợi suất 28,3%, trong khi các quỹ mở (ETF) tương tự ở Trung Quốc như FXI chỉ đạt 11,2%, EWY tại Hàn Quốc là 9,9%, hay EWS ở Singapore kiếm được 4,8% lợi suất, EPHE ở Philippines chỉ 0,5%... Cho nên, thị trường Việt Nam vẫn được coi là rất hấp dẫn trong mắt các quỹ ETF. Chính sự trở lại tích cực của các thị trường chứng khoán trên thế giới, diễn biến mua vào ổn định của khối ngoại, cùng niềm tin vào lộ trình ban hành các chính sách mới là cơ sở để NĐT quyết liệt giải ngân, tham gia thị trường.

Thông tin từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cho hay, trong tháng 1/2014 đã có 30 NĐT nước ngoài cá nhân và 15 NĐT nước ngoài tổ chức được cấp mã số giao dịch chứng khoán mới. Tính chung đến hết tháng 1/2014, tổng cộng đã có gần 17.000 NĐT nước ngoài (gồm cả cá nhân và tổ chức) có mã số giao dịch chứng khoán tại Việt Nam. Trong một diễn biến liên quan, vốn ngoại cũng đang đổ vào nền kinh tế.

Nhìn về phía dòng vốn nội, cùng thời gian này, trên thị trường liên ngân hàng, tiền đang bị “ế”. Hay ở một diễn biến khác, thị trường trái phiếu ngày 13/2/2014, Kho bạc Nhà nước đã huy động được hơn 9.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ trên tổng số gọi thầu 10.000 tỷ đồng, một mức khả quan so với giai đoạn trước.

Nhóm Nghiên cứu của Ban Kinh doanh Vốn và Tiền tệ BIDV cho rằng: “Thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa trở lại, chi phí vốn giảm thấp cùng kỳ vọng về khả năng hạ lãi suất khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong xu hướng tăng rất thấp đã khiến nhu cầu đầu tư trái phiếu chính phủ tăng mạnh. Đây là nguyên nhân chính khiến lãi suất trái phiếu chính phủ giảm mạnh và đồng loạt trên tất cả các kỳ hạn trong tuần qua. Lãi suất thứ cấp giảm khoảng 15 - 25 điểm. Lãi suất sơ cấp giảm mạnh 19 điểm đối với kỳ hạn 2 năm và 24 điểm đối với 2 kỳ hạn còn lại".

Trong khi đó, các ngân hàng để đảm bảo thanh khoản, cũng như đón đầu nhu cầu vốn của các DN nên vẫn tranh thủ huy động tiền từ dân cư, theo một lãnh đạo của ngân hàng khẳng định. Thêm vào đó, mục tiêu đưa hoạt động ngân hàng về đúng vai trò là kênh cung ứng vốn ngắn hạn cho nền kinh tế, thị trường chứng khoán đóng vai trò chủ đạo cung cấp vốn trung và dài hạn đang hiện thực từng bước.

Để tạo hàng hóa đón vốn gián tiếp, việc CPH DNNN cũng là một kênh đáng chú ý. “Chính phủ xác định tái cơ cấu DNNN mà trọng tâm là CPH 432 DN như kế hoạch đề ra trong 2 năm 2014-2015 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm...”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh điều này tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN diễn ra ngày 18/2.

Thị trường dự báo, hàng trăm DN có thể sẽ đấu giá bán cổ phần trong năm nay và hoạt động IPO các DNNN sẽ cung ứng một lượng hàng hóa dồi dào. Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đang chờ được giải ngân vào các đợt đấu giá, IPO này. Vai trò của nhà điều hành thị trường đơn giản là tạo cho được sự công khai, minh bạch để các NĐT tìm kiếm lợi nhuận cho riêng mình…