Bất an với dịch vụ ngân hàng

Theo nld.com.vn

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, các ngân hàng thương mại tăng cường biện pháp phòng chống rủi ro, gian lận trong hoạt động thanh toán

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước được đưa ra sau hàng loạt vụ khách hàng bỗng dưng mất tiền trong tài khoản, gây tâm lý lo lắng, ngại thanh toán qua thẻ và ngân hàng điện tử.

Nâng mức độ an toàn cho khách hàng

Ngày 30/8, quan sát tại các quầy thanh toán của một siêu thị lớn trên xa lộ Hà Nội (quận 9, TP.Hồ Chí Minh), chúng tôi ghi nhận có rất ít khách hàng thanh toán qua POS mà chủ yếu trả tiền mặt. Thậm chí, không ít trường hợp trước khi vào siêu thị, ghé cây ATM rút tiền rồi mới vào mua hàng. Một nhân viên thu ngân siêu thị này cho biết mỗi ngày chị thanh toán cho khoảng 300 hóa đơn, trong đó chỉ khoảng 20 người cà thẻ.

“Mỗi khách hàng cà thẻ, nhân viên thu ngân phải in 2 liên hóa đơn, nếu giao hàng tận nhà thì in thêm một liên nữa cho nhân viên giao hàng, rất mất thời gian và phiền phức so với trả tiền mặt. Chưa kể, nếu mất hóa đơn của khách cà thẻ, nhân viên sẽ phải đền tiền cho ngân hàng và nhiều lần máy POS ở quầy bị lỗi phải qua quầy khác rất tốn thời gian. Và không ít lần khách cà thẻ nhưng máy POS báo lỗi, giao dịch không thành công nhưng tài khoản của khách vẫn bị trừ, vậy là khách hàng phải tốn thêm thời gian đến ngân hàng khiếu nại” - nhân viên này lý giải.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, anh Vũ Thành Phương (ngụ quận 9, TP. Hồ Chí Minh), chủ thẻ Master Card Debit Vietcombank (người vừa bị mất gần 17 triệu đồng trong tài khoản), cho biết dù ngân hàng đã có hướng xử lý, làm lại thẻ mới nhưng anh vẫn chưa dám kích hoạt vì còn lo ngại.

Là chủ một doanh nghiệp và khá cẩn thận trong quá trình dùng thẻ thanh toán nhưng sau sự cố mất tiền trong tài khoản, anh Phương cho rằng việc sàng lọc, đánh giá các giao dịch bất thường được hệ thống ngân hàng tự động xử lý và đưa ra cảnh báo nhưng cần con người can thiệp để báo cho chủ thẻ 24/24 giờ bởi kẻ gian thường tấn công vào ban đêm để thực hiện các giao dịch, đến khi phát hiện thì đã quá muộn, “Tôi mong muốn các ngân hàng thương mại cần nâng mức độ an toàn cho người dùng, nhất là những chủ thẻ do đặc thù công việc để nhiều tiền trong tài khoản thanh toán” - anh Phương nói.

Nhiều chủ thẻ cho biết sau các sự cố rủi ro, gian lận trong hoạt động thanh toán gần đây khiến họ cảm thấy bất an. Không chỉ đổi mật khẩu thường xuyên, một số người còn xóa 3 số CVV (in nổi trên bề mặt thẻ tín dụng) để phòng trường hợp mất thẻ hoặc kẻ gian lấy cắp số thẻ tín dụng và 3 số CVV để thực hiện các giao dịch mua hàng, thanh toán trực tuyến.

Như trường hợp của chị Mai Ngọc Lan (ngụ huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) vừa bị kẻ gian dùng tài khoản thẻ ghi nợ quốc tế của chị thanh toán tiền mua game, thẻ cào điện thoại hơn 12 triệu đồng. Theo ngân hàng nơi phát hành thẻ, đây là các giao dịch trực tuyến qua internet không cần xuất trình thẻ, chỉ cần các thông tin thẻ là có thể thực hiện.

Còn nhiều rào cản thanh toán qua thẻ

Với tâm lý của người dùng như hiện nay, nhiều chuyên gia lo ngại mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 50% thị dân sẽ thanh toán không dùng tiền mặt mà Chính phủ vừa đề ra sẽ khó thành hiện thực. Các chuyên gia cho rằng mục tiêu này đang gặp rất nhiều thách thức không chỉ do cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, người dùng lo ngại bảo mật an toàn mà cả những rào cản trong thanh toán qua thẻ.

Ông Đặng Công Hoàn - Giám đốc Trung tâm thẻ, ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) - nhìn nhận hiện nay, người dân sử dụng thẻ chủ yếu để rút tiền một phần do chưa có nhiều điểm chấp nhận thanh toán bằng thẻ, đồng thời một số ngân hàng vẫn chưa tạo được nhiều điểm ưu đãi giảm giá khiến chủ thẻ chưa thấy lợi ích vượt trội khi thanh toán bằng thẻ.

Đặc biệt, tình trạng các điểm cung ứng dịch vụ khi cà thẻ cho khách hàng qua POS thu phí từ 1,5%-2% tổng hóa đơn vẫn còn khá phổ biến hoặc các chủ cửa hàng lắp đặt POS nhưng… khuyến khích khách trả tiền mặt để đỡ tốn phí.

Ông Nguyễn Hữu Phúc - Giám đốc Trung tâm thẻ, ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) - cũng khẳng định việc các cửa hàng vẫn thu phí người dùng từ 1%-3% trên tổng hóa đơn là không đúng quy định.

Các ngân hàng phát hành thẻ hoàn toàn không có chính sách thu phí của khách hàng mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ tại Việt Nam. Khi phát hiện cửa hàng nào thu phí của khách hàng, Sacombank sẽ ngưng cung cấp dịch vụ máy POS, mPOS đối với nơi đó.

Xu thế thời đại


Với gần 100 triệu thẻ đã phát hành (khoảng hơn 50 triệu chủ thẻ đang sử dụng), hệ thống thanh toán thẻ các ngân hàng xử lý hàng chục triệu giao dịch thẻ mỗi tháng, trong đó có rất nhiều giao dịch thanh toán trực tuyến an toàn, ông Đặng Công Hoàn cho rằng thanh toán thẻ vẫn là một xu hướng thanh toán tiện lợi, hiện đại, khó đảo ngược.


Chuyên gia tài chính ngân hàng Huỳnh Trung Minh cũng cho rằng việc xảy ra các sự cố sẽ làm người sử dụng cảm thấy bất an nhưng thực tế tỉ lệ rủi ro rất thấp so với lượng giao dịch không dùng tiền mặt và các tổ chức cung ứng dịch vụ cũng tăng cường cảnh báo cho khách hàng, đầu tư nâng cấp hệ thống để bảo đảm an toàn ở mức cao nhất có thể.