Bất ngờ nâng mạnh lãi suất huy động vàng

Theo TTVN

Sau 2 ngày điều chỉnh giảm mạnh tay các mức lãi suất huy động vàng, một số nhà băng đã nâng mạnh trở lại các mức lãi suất này.

Bất ngờ nâng mạnh lãi suất huy động vàng

Ngày 5/11, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) thông báo bỏ chứng chỉ huy động vàng trong cơ cấu huy động tiết kiệm thông thường, chỉ giữ sản phẩm chứng chỉ huy động vàng kèm quyền chọn. Khách hàng cũng không được ưu đãi lãi suất.

Tuy nhiên, chỉ sau 2 ngày thực hiện, từ hôm qua ngày 7/11, nhà băng này lại bất ngờ đưa hoạt động huy động chứng chỉ vàng trở lại với lãi suất cao nhất lên đến 1%/năm.

Cụ thể, với cả vàng SJC lẫn vàng ACB (vàng miếng), nhà băng này áp dụng lãi suất 0,8%/năm cho kỳ hạn 4 tháng; 0,9%/năm kỳ hạn 5 tháng và 1%/năm kỳ hạn 6 tháng. Thêm nữa, với khách hàng chuyển đổi, kỳ hạn 4 tháng được ưu đãi lãi suất tới 1,2%/năm; kỳ hạn 5 tháng là 1,5%/năm và kỳ hạn 6 tháng là 1,8%/năm.

Về lãi suất ưu đãi chuyển đổi, phía ngân hàng ACB cho biết thêm, chỉ áp dụng đối với vàng (không áp dụng với tiền, ngoại tệ) mà khách hàng đang gửi tại ACB. Chẳng hạn như khách hàng đang có chứng chỉ huy động, quyền chọn tại ACB và đã đến thời hạn tất toán thì có thể chuyển sang việc gửi theo các kỳ hạn từ 4 đến 6 tháng áp dụng từ 7/11 để hưởng lãi suất ưu đãi.

Đề cập đến vấn đề chính sách huy động chứng chỉ vàng thay đổi quá nhanh như vậy, phía ngân hàng ACB cho biết đây là hoạt động bình thường của ngân hàng và thay đổi phụ thuộc vào chính sách của ngân hàng theo từng thời điểm.

Tại ngân hàng Eximbank, sau khi nối tiếp ACB giảm lãi suất chứng chỉ huy động vàng về 0,2% - 0,5% cách đây 2 ngày. Từ hôm nay 8/11, lãi suất chứng chỉ vàng của nhà băng này cũng nâng lên cao nhất là 1%, thay vì 0,2% trước đó. Các kỳ hạn cũng được nâng lên từ 3 cho đến 6 tháng, thay vì mức duy nhất là 2 tuần.

Cụ thể, gửi chứng chỉ vàng tại Eximbank hưởng lãi 0,5%/năm cho kỳ hạn 3 tháng; 0,8%/năm kỳ hạn 4 tháng; 0,9%/năm kỳ hạn 5 tháng và kỳ hạn 6 tháng là 1%/năm.

Trong văn bản trả lời chất vấn gửi tới đại biểu Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết để xử lý triệt để vàng hóa nền kinh tế và tận dụng nguồn lực vàng miếng trong dân, dự kiến thời gian tới NHNN sẽ tập trung xây dựng cơ chế mua vàng tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

Theo văn bản này, đây sẽ là kênh chính để huy động nguồn lực vàng trong dân nhằm mục tiêu chuyển hóa nguồn lực vàng để phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước, đảm bảo các quyền hợp pháp của người dân đối với vàng miếng như mua bán, nắm giữ, được bảo đảm an toàn thông qua dịch vụ giữ hộ của các tổ chức tín dụng.