“Bữa tiệc thông tin” và công sức người đầu bếp

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Đến hẹn lại lên, lại một mùa báo cáo thường niên (BCTN) nữa diễn ra. Ghi nhận của phóng viên từ những đầu mối trực tiếp triển khai BCTN tại doanh nghiệp (DN) mới thấy, những câu chuyện “bếp núc” hậu trường cũng không kém phần thú vị.

 “Bữa tiệc thông tin” và công sức người đầu bếp
Để “bữa tiệc thông tin” giành giải, nó phải chinh phục được Hội đồng bình chọn là những người rất “sành ăn”. Nguồn: internet

Ăn ngủ cùng BCTN

Cũng giống như năm trước, năm nay, đa số DN bắt tay triển khai BCTN ngay từ những ngày sau Tết Âm lịch để có thể hoàn tất vào trước thời điểm tổ chức ĐHCĐ, kịp phát cho cổ đông hoặc đưa lên website công ty. Thậm chí, có DN như Tập đoàn Bảo Việt còn lên kế hoạch cho việc lập báo cáo từ quý IV/2012.

Năm nay, với chuẩn công bố thông tin mới theo quy định tại Thông tư 52/2012/TT-BTC, các DN phải tốn thêm nhiều tâm sức để có thể có một sản phẩm thông tin không chỉ “Đúng” với quy định của cơ quan quản lý, mà còn phải “Trúng” với mong muốn của cổ đông và đối tác… “Ăn, ngủ cùng BCTN”, đó là chia sẻ của nhiều nhân sự trực tiếp triển khai BCTN năm nay.

Theo tâm sự của một trong những người trực tiếp tham gia xây dựng BCTN của Vietcombank, mặc dù đã có kinh nghiệm thực hiện ấn phẩm này 4 năm liền, nhưng năm nay là vất vả hơn cả, vì theo quy định của Thông tư 52, có những thông số mà bộ phận thực hiện phải mất thêm nhiều thời gian tra cứu để đưa ra con số chuẩn xác như tỷ lệ tín dụng/tổng vốn hoạt động; tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ…, trong khi Báo cáo kiểm toán lại không thể hiện các con số kể trên.

Trong khi đó, nhóm sản xuất BCTN Tập đoàn Bảo Việt cho biết: “Để đảm bảo tiến độ triển khai báo cáo bám sát kế hoạch đề ra, những lúc cao điểm, chúng tôi phải huy động tới gần 20 cán bộ đến từ các bộ phận/đơn vị khác nhau để cùng triển khai”.

Với Công ty cổ phần Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC), ngay sau Tết, Công ty đã tổ chức một bộ phận chuyên trách, triển khai lên ý tưởng và fomat, rồi cụ thể hóa các ý tưởng. Ngoài câu chữ, con số, đồ thị, còn là hình ảnh, mà không phải hình ảnh nào cũng có sẵn phù hợp với ý tưởng xuyên suốt của báo cáo. Vậy là lại phải chụp mới trên thực địa.

“Mỗi năm, chúng tôi đều lựa chọn một ý tưởng mới gắn với hoạt động của Công ty. Đây là sản phẩm chung của cả DN, nên làm việc liên tục bất kể ngày đêm. Từng tiêu đề, chuyên mục đều phải được chăm chút kỹ lưỡng”, đại diện HBC nói.

Còn một thành viên thuộc nhóm làm BCTN Tập đoàn Bảo Việt tâm sự: “Thời gian biên tập nội dung có thể nói là khoảng thời gian rất đáng nhớ. Kỳ vọng về một ‘tác phẩm nghệ thuật’ mang dấu ấn riêng khiến chúng tôi luôn nỗ lực hết sức mình để mang đến cho người đọc một ấn phẩm hoàn chỉnh nhất cả về nội dung và hình thức. Thời gian có hạn nhưng khối lượng thông tin phải xử lý thật khổng lồ, việc cân nhắc sử dụng bảng biểu, số liệu, thông tin, hình ảnh cũng như cách thức trình bày khiến Ban biên tập vô cùng trăn trở. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng là cho ra đời một tác phẩm với các tiêu chí “Minh bạch - Chuẩn mực - Chuyên nghiệp - Sáng tạo” và quan trọng là được điều hành bởi một ‘nhạc trưởng’, nên chúng tôi cũng nhanh chóng tìm được sự đồng thuận”.

Chủ tịch tự viết, CEO tự thiết kế

Tại hầu hết DN, các lãnh đạo đều quan tâm sát sao với việc xây dựng BCTN. Thậm chí, có một số chủ tịch, tổng giám đốc, dù rất bận rộn chuyên môn nhưng vẫn sát sao đến từng nội dung, từng khâu sản xuất BCTN, chứ không ngồi chờ thẩm duyệt một sản phẩm đã tương đối hoàn chỉnh.

Theo lời kể của nhóm làm báo cáo HBC, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty tham gia xây dựng BCTN cả những thời gian ngoài giờ hành chính, vào lúc cao điểm, ông Hải thức cùng anh em đến 12h đêm, 1h sáng là bình thường… Là một kiến trúc sư nên ông muốn tự mình thiết kế. Chính vì vậy, HBC tự làm BCTN từ A đến Z mà không thuê đơn vị tư vấn thiết kế nào bên ngoài.

Thậm chí, tại Traphaco, nhiều năm nay, đích thân Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Công ty là bà Vũ Thị Thuận dành nhiều giờ liền tự viết tay Thông điệp Chủ tịch HĐQT. Trong khi, thông điệp này cũng như Báo cáo Tổng giám đốc trong BCTN tại hầu hết DN đều được chắp bút bởi cấp dưới và lãnh đạo chỉ là người duyệt lại. Tất nhiên, một thông điệp tự viết sẽ có hồn và chuyển tải được đầy đủ mong muốn và tầm nhìn của người đứng đầu hơn.

Tại Thông điệp của Chủ tịch HĐQT Gỗ Trường Thành, lời xin lỗi “tôi chân thành nhận lỗi trước kết quả đáng xấu hổ này…” của ông Võ Trường Thành dường như có sức nặng và nhận được chia sẻ nhiều hơn khi nó được ông tự tay viết và bản in cũng là thủ bút của vị chủ tịch.

Cổ đông chiến lược nước ngoài cũng chung tay

Dù căng thẳng nhưng các DN cũng khá thích thú với việc làm BCTN. Nhiều DN cho rằng, phải chăm chút cho sản phẩm này vì đó là hình ảnh, bộ mặt của công ty.

Thậm chí, việc thực hiện BCTN của Traphaco còn có sự tham gia của ông Lê Tuấn, đại diện cổ đông chiến lược Mekong Capital, đồng thời là Ủy viên HĐQT, trong việc chuẩn bị các thống kê, phân tích cho Ban điều hành Công ty. Với một người có chuyên môn, am hiểu các vấn đề nội bộ của DN như vậy, các đánh giá về khả năng thanh toán/khả năng sinh lời/hiệu quả hoạt động dựa trên vòng quay hàng tồn kho của Traphaco xét trên tương quan trong ngành... sẽ đầy đủ và mang tính thuyết phục hơn.

Tương tự như vậy là tại Bảo Việt, Thông điệp của cổ đông chiến lược: Sumitomo Life, SCIC được thể hiện trên 2 trang BCTN một cách khá công phu và cẩn trọng.

Học hỏi và ấn tượng về nhau

Dù tự làm hay thuê đơn vị tư vấn thiết kế, tự dịch hay thuê dịch thì các DN cũng cho biết, họ luôn tham khảo các báo cáo của các DN làm tốt và đạt giải cao từ những năm trước như BVH, DHG… để học hỏi, rút kinh nghiệm.

Về phía Tập đoàn Bảo Việt, nhóm làm BCTN còn tập trung phân tích những điểm mạnh và điểm còn hạn chế của BCTN năm 2011 của chính mình so với các BCTN đạt giải thưởng cao trong nước và quốc tế; đối chiếu với quy chuẩn nội dung theo quy định tại Thông tư 52 và các tiêu chí đánh giá BCTN do Hội đồng bình chọn đưa ra, từ đó đề xuất cấu trúc nội dung và các điểm cần hoàn thiện. Kế hoạch tổng thể bao gồm danh mục công việc cần triển khai, tiến độ hoàn thiện các dự thảo nội dung, bố cục nội dung báo cáo chi tiết đến từng trang, phân công nhân sự phụ trách chính từng phần nội dung.

Việc học hỏi, tham khảo lẫn nhau là rất cần thiết, nhằm hướng tới việc lập một bản BCTN không chỉ là một sản phẩm báo cáo đơn thuần, mà còn là một “bữa tiệc thông tin” dành cho công chúng đầu tư, đối tác và thị trường.

“Thông tin tài chính đặt tính chính xác lên hàng đầu”

Trong tổng số 334 trang BCTN, thì có tới phân nửa nội dung liên quan tới báo cáo tài chính, phần việc này chiếm khá nhiều thời gian của nhóm thực hiện báo cáo. Việc rà soát số liệu trong BCTN bao gồm 2 giai đoạn:

Giai đoạn lập báo cáo tài chính: luôn tuân thủ theo một quy trình phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và trí tuệ. Quy trình này được Tập đoàn Bảo Việt áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt theo thông lệ quốc tế, có sự vận dụng theo điều kiện riêng của Việt Nam. Do vậy, số liệu luôn được rà soát và đối chiếu theo nhiều chiều: chiều dọc, chiều ngang, rà soát trong nội bộ đội ngũ tài chính - kế toán, rà soát từ các khối/ban có liên quan, rà soát giữa các cấp độ khác nhau của các mảng kinh doanh trong toàn Tập đoàn, rà soát của các cấp quản lý, lãnh đạo và rà soát của công ty kiểm toán độc lập có trình độ quốc tế (Ernst & Young).

Giai đoạn rà soát lại số liệu trình bày tại BCTN: Để tránh sai sót trong quá trình chuyển dữ liệu từ bản mềm Báo cáo tài chính vào bản thiết kế, Khối tài chính đã phối hợp với các khối/ban có liên quan tiếp tục thực hiện rà soát các số liệu. Việc rà soát cũng được thực hiện theo nhiều chiều như khâu chuẩn bị phát hành báo cáo tài chính, đặc biệt cả đội ngũ kiểm toán viên của công ty kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính cho Tập đoàn cũng cùng tham gia.

Nhóm làm BCTN Tập đoàn Bảo Việt