Cần có các giải pháp hỗ trợ công ty chứng khoán đang hoạt động


(Tài chính) Quá trình tái cấu trúc công ty chứng khoán (CTCK) sau hơn một năm quyết liệt triển khai đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua trong thời gian tới. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Giang – Tổng Giám đốc CTCK VNDirect nhằm giúp độc giả hiểu rõ hơn về tình hình hoạt động của các CTCK trong năm 2013, trong đó có hoạt động tái cấu trúc, cũng như dự kiến kế hoạch hoạt động trong năm tới.

Việc sàng lọc những CTCK yếu kém sẽ góp phần xây dựng một thị trường chứng khoán lành mạnh, minh bạch và giảm thiểu rủi ro. Nguồn: internet
Việc sàng lọc những CTCK yếu kém sẽ góp phần xây dựng một thị trường chứng khoán lành mạnh, minh bạch và giảm thiểu rủi ro. Nguồn: internet
Thưa ông! Trên cương vị là Lãnh đạo của một CTCK, ông đánh giá thế nào về hoạt động của các CTCK trong năm 2013, đặc biệt là việc đẩy mạnh tái cấu trúc các CTCK?

Nhìn chung kinh tế 2013 vẫn chưa thực sự vượt qua được những khó khăn nhưng không thể phủ nhận những cơ hội có được đối với ngành Chứng khoán trong năm qua. Đã có những CTCK hoạt động tốt và đạt được kết quả khả quan, tuy nhiên vẫn có không ít CTCK phải giải thể, hủy niêm yết. Số liệu thống kê cho thấy, tính đến hết năm 2013, có khoảng 30% CTCK có lãi lũy kế. Tuy nhiên, trong năm qua, cũng có tới 13 CTCK bị đặt vào diện kiểm soát đặc biệt và 6 CTCK bị đặt vào diện kiểm soát, trong đó có 15 công ty không còn hoạt động môi giới và 3 công ty đang làm thủ tục giải thể.

Tôi cho rằng, quá trình tái cấu trúc CTCK, trong đó có việc sàng lọc những CTCK yếu kém sẽ góp phần xây dựng một thị trường chứng khoán lành mạnh, minh bạch và giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư. Hiện nay, ngay chính trong Top 10 CTCK, sự cạnh tranh cũng đang diễn ra rất gay gắt trong bối cảnh nhà đầu tư ngày càng khắt khe hơn trong việc lựa chọn sản phẩm dịch vụ, đòi hỏi các công ty phải không ngừng vận động, nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng hoạt động, đảm bảo tình hình tài chính lành mạnh, thậm chí cần có những thay đổi mang tính chiến lược để bắt kịp xu thế thị trường.

Để quá trình tái cấu trúc CTCK tiếp tục được triển khai một cách triệt để và hiệu quả, có tác động tích cực đến ngành dịch vụ chứng khoán của Việt Nam trong thời gian tới, ông có kiến nghị gì với cơ quan quản lý và theo ông, các CTCK cần ưu tiên chú trọng vào những nội dung nào?

Năm 2013 ghi nhận quyết tâm của cơ quan quản lý trong việc tạo cơ chế và hỗ trợ các CTCK thực hiện tái cấu trúc như: cho phép thành lập CTCK 100% vốn nước ngoài, CTCK hợp nhất…  Tuy nhiên, những biện pháp trên chủ yếu hướng đến hình thức tái cấu trúc cho các CTCK yếu kém và đã rơi vào tình trạng gần như không hoạt động, trong khi vẫn cần nhiều biện pháp hỗ trợ những công ty đang hàng ngày phục vụ nhà đầu tư trên thị trường.

Vì thế, tôi cho rằng, trong thời gian tới, cơ quan quản lý cần tiếp tục thực hiện các biện pháp hướng đến việc xây dựng một thị trường minh bạch hơn, năng động hơn, trong đó có các giải pháp hỗ trợ các CTCK đang hoạt động trên thị trường. Như vậy, những CTCK có cấu trúc vốn lành mạnh, quy trình quản lý minh bạch, hệ thống quản trị rủi ro tốt, sẽ có nhiều cơ sở để phát triển các sản phẩm phục vụ khách hàng hiệu quả hơn.

Thêm vào đó, việc phát triển hệ thống giao dịch để nhà đầu tư có thể bán ngay sau khi mua chứng khoán tại ngày T+0 mà vẫn đảm bảo chu kỳ thanh toán T+3 cũng sẽ góp phần giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định nhanh chóng và linh hoạt hơn với diễn biến của thị trường, đồng thời góp phần gia tăng thanh khoản cho thị trường.

Ông có thể chia sẻ với độc giả một số dự định về kế hoạch hoạt động của CTCK trong năm 2014?

Năm 2014, nền kinh tế vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, quá trình sàng lọc và đào thải đối với các CTCK vẫn tiếp tục diễn ra, đòi hỏi các công ty phải không ngừng vận động và nâng cao chất lượng hoạt động để tồn tại và phát triển.

Do đó, sau 2 năm phát triển về “lượng”, năm 2014 VNDirect  sẽ tập trung phát triển về “chất”. Điều này thể hiện trước hết ở việc hoàn thiện hệ thống dịch vụ và ra mắt các sản phẩm tiện ích mới, mang hàm lượng công nghệ cao hơn như phần mềm giao dịch Active-D giúp nhà đầu tư theo dõi giao dịch nhanh và hiệu quả hơn, hay công cụ hỗ trợ theo dõi thị trường (MarketWatch) giúp nhà đầu tư theo dõi thị trường trên nhiều khía cạnh dựa trên nền tảng công nghệ phân tích xử lý số liệu hiện đại.

Mặt khác, nhằm đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của nhà đầu tư, việc lựa chọn cổ phiếu đòi hỏi có chiều sâu hơn, chúng tôi đã hợp tác với CTCK quốc tế CIMB, thành viên của CIMB Group - Ngân hàng đầu tư lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm thị trường Nhật Bản), để phối hợp xây dựng bộ phận phân tích và cung cấp báo cáo phân tích chuyên sâu cho khách hàng của VNDirect và khách hàng của CIMB về trường chứng khoán Việt Nam. 

Sau thời gian mở rộng để quy tụ những nhân lực có tố chất và trình độ học vấn cao, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh đào tạo đội ngũ nhân sự về chiều sâu. Thông điệp phát triển tri thức nghề nghiệp của chúng tôi in đậm trong mọi hoạt động, từ các chương trình đào tạo định hướng, phát triển nhân lực nguồn, đến các sản phẩm và dịch vụ tiện ích, thậm chí cả trong tiêu chí đánh giá nhân lực, thể hiện rõ nét nhất trong khối Môi giới khi mỗi nhân viên Môi giới được đánh giá tổng thể từ kiến thức đầu tư, tổng tài sản đang quản lý và hiệu quả tư vấn mang lại lợi nhuận cho khách hàng.

Trong năm 2014, chúng tôi cũng sẽ tiến hành mở rộng đối tượng khách hàng với niềm tin hạ tầng công nghệ và chất lượng nhân lực của VNDirect đủ mạnh để đáp ứng các nhu cầu về sản phẩm dịch vụ đi vào chiều sâu.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bài đăng trên Tạp chí Chứng khoán số 1 - 2014