Cạnh tranh quyết liệt giữa các công ty chứng khoán

Sơn Long - thoibaokinhdoanh.vn

(Tài chính) Chứng khoán vẫn trong xu thế tăng trưởng ổn định, thanh khoản thị trường tăng cao, hoạt động môi giới của các công ty chứng khoán (CTCK) rất khởi sắc, tạo nên khoản doanh thu tăng vọt. Trong khi lãi suất gửi tiết kiệm đã giảm mạnh tạo điều kiện cho vay ký quỹ sôi động cũng đem đến nguồn thu tăng trưởng khá tốt. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh vẫn còn quyết liệt từ thị phần môi giới đến khả năng tự doanh, đầu tư khiến lợi nhuận mất cân bằng.

Cạnh tranh quyết liệt giữa các công ty chứng khoán
Hoạt động kinh doanh của các CTCK hoàn toàn phụ thuộc vào tốc độ tăng, giảm của TTCK. Nguồn: internet
Thống kê trên thị trường cho thấy, các CTCK nằm trong Top 10 thị phần môi giới đang bơm mạnh lượng tiền cho các nhà đầu tư (NĐT) vay. Dịch vụ tài chính, cho vay ký quỹ là lĩnh vực đóng góp nguồn thu lớn cho các CTCK và cũng được đánh giá là một vũ khí cạnh tranh để thu hút NĐT giữa các CTCK lớn trên sàn. Chỉ những CTCK nguồn vốn mạnh, ưu đãi lớn cho NĐT thì khả năng gắn bó dài lâu. Hơn nữa, danh sách cổ phiếu cho vay ký quỹ cũng là yếu tố quyết định để giữ chân NĐT không dứt áo ra đi.

Cạnh tranh quyết liệt

Ở thời điểm hiện tại, lượng tiền cho vay ký quỹ và ứng trước chỉ khoảng 6.500 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với thời kỳ đỉnh cao gần 20.000 tỷ đồng trong quý I/2014. Thời điểm trước, chứng khoán tăng nóng bằng tiền vay nên cũng rớt nhanh vì áp lực bán chốt lời tăng cao khi giá đã đạt kỳ vọng.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chỉ số đã tăng lên mức 600 điểm, nhưng vẫn không có phiên nào lên tới 4.000 - 5.000 tỷ thì khả năng thị trường sẽ không bị giảm sâu như trước. Hơn nữa, thị trường tăng điểm nhờ vào vài mã cổ phiếu lớn dẫn tới hiện tượng "xanh vỏ, đỏ lòng" diễn ra liên tục. NĐT tập trung mua và lướt ở những mã blue-chip có thanh khoản tốt. Còn những mã cổ phiếu trước đây tăng nóng, giờ mới lấy lại được khoảng 50% điểm số đã mất nên dòng tiền không còn sôi động như trước.

Theo đó, hoạt động giữa các CTCK cũng có nhiều thay đổi và mất cân bằng. Điển hình như Chứng khoán SSI, dù doanh thu và lợi nhuận đều tăng nhưng vẫn có những khoản đầu tư bị thua lỗ nặng. SSI đầu tư vào cao su HAGL đang bị lỗ khoảng 174,5 tỷ đồng hoặc khoản đầu tư vào Phân lân Văn Điển phải trích lập dự phòng khoảng 24 tỷ đồng. Các khoản đầu tư cổ phiếu niêm yết và OTC của SSI cũng bao gồm nhiều mã phải trích lập dự phòng lên đến 81 tỷ đồng. Các khoản đầu tư vào cổ phiếu LAF, GIL, ELC và HVG đều đang phải dự phòng giảm giá trên 1 tỷ đồng. SSI đầu tư vào OTC cũng bị thua lỗ lớn như Descon (7,5 tỷ), Kính Viglacera Đáp Cầu (14,2 tỷ), Bất động sản Đại Nam (7 tỷ đồng). Tuy nhiên, đây mới là phần đầu tư do SSI tự quản lý (quy mô khoảng 1.600 tỷ đồng). Một lượng lớn tài sản đầu tư khác của SSI đang được ủy thác cho công ty con là SSIAM cũng đang phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán ủy thác đầu tư khoảng 200 tỷ đồng.

Dù vậy, hoạt động đầu tư kinh doanh 6 tháng đầu năm của SSI tăng mạnh so với cùng kỳ. Doanh thu quý II đạt 489 tỷ đồng, tăng hơn 300 tỷ so với cùng kỳ. Điều đó làm cho lợi nhuận trước thuế tăng lên rất mạnh 294 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty mẹ SSI đạt doanh thu 871 tỷ đồng, tăng 500 tỷ đồng, tương ứng tăng 134%.

Kỳ vọng vào thị trường

Như vậy, sau thời kỳ khó khăn, hoạt động của các CTCK đang cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong mảng dịch vụ môi giới chứng khoán. Giữa SSI và HSC liên tục chia nhau vị trí dẫn đầu, còn mảng tự doanh thì cũng vô cùng gay cấn. HSC có quy mô đầu tư nhỏ hơn SSI nhưng thể hiện một hiệu suất đầu tư vô cùng hiệu quả.

Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động tự doanh của HSC đạt 129 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế dựa trên nguồn tài sản trung bình chỉ là 523 tỷ đồng (đầu năm: 353 tỷ; cuối tháng 6: 693 tỷ). Danh mục đầu tư tài chính của HSC hiện gồm 44,5 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết; 132 tỷ đồng cổ phiếu chưa niêm yết và 560 tỷ đồng trái phiếu. Tổng cộng giá trị sổ sách là 737 tỷ đồng, các khoản lỗ so với giá trị thị trường đang được dự phòng là 45,4 tỷ, thấp hơn nhiều so với SSI.

Ngoài 2 CTCK lớn, các công ty khác đã công bố có đơn vị lợi nhuận tốt, cũng có doanh nghiệp bị thua lỗ. Chứng khoán BSC và Chứng khoán Bản Việt VCSC là 2 công ty nằm trong top về quy mô doanh thu và mức tăng trưởng. Chứng khoán VCSC, VND là những công ty có mức tăng trưởng khá tốt. Còn Chứng khoán Việt (tăng 433% tương đương chỉ 1,3 tỷ đồng) hay Chứng khoán Hòa Bình (tăng 400% tương đương chỉ 0,8 tỷ đồng). Nhóm còn lại gồm 16 công ty suy giảm doanh thu. ACBS và VPBS là 2 công ty đứng đầu về quy mô doanh thu đồng thời cũng là 2 công ty nằm trong top đầu về mức suy giảm. VPBS giảm 32,6% và ACBS giảm 61%.

Như vậy, hoạt động kinh doanh của các CTCK hoàn toàn phụ thuộc vào tốc độ tăng, giảm của TTCK. Trong khi đó, HoSE hiện là một trong những sàn chứng khoán tăng trưởng khá tốt nên lợi nhuận của nhiều CTCK cũng rất cao. Tuy nhiên, vẫn còn những đơn vị gặp nhiều khó khăn khi đầu tư bị thua lỗ, nên giá cổ phiếu vẫn còn ở mức thấp.

Từ nay đến cuối năm, NĐT vẫn kỳ vọng vào nền kinh tế có chuyển biến, hoạt động DN thay đổi, nhiều khả năng thị trường sẽ có những đợt bùng nổ mới.