“Chia lửa” cùng doanh nghiệp bị thiệt hại

PV.

(Tài chính) Các doanh nghiệp (DN) bảo hiểm đã nhanh chóng vào cuộc, bước đầu đã xác định được những thiệt hại của một số DN và triển khai tạm ứng bồi thường kịp thời cho 113 DN với số tiền hơn 114 tỷ đồng.

Buổi lễ trao tiền tạm ứng bồi thường bảo hiểm cho doanh nghiệp ở Đồng Nai. Nguồn: internet
Buổi lễ trao tiền tạm ứng bồi thường bảo hiểm cho doanh nghiệp ở Đồng Nai. Nguồn: internet
Chung tay chia sẻ khó khăn

Ngay sau khi nhận được thông tin về thiệt hại của các DN, nhất là các DN FDI ở những địa phương xảy ra các vụ biểu tình chống Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam đã quyết liệt trong triển khai các giải pháp, đảm bảo môi trường đầu tư an toàn và thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã làm việc trực tiếp với các địa phương, các DN và hướng dẫn, ban hành kịp thời các giải pháp về tài chính để hỗ trợ các DN bị thiệt hại. Đồng thời, chỉ đạo các DN bảo hiểm khẩn trương phối hợp với các DN bị thiệt hại để xác định thiệt hại, tiến hành bồi thường hỗ trợ DN sớm quay trở lại sản xuất kinh doanh; Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố liên quan chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện, hỗ trợ DN bảo hiểm triển khai thực hiện công tác bồi thường bảo hiểm.

Cùng với sự nỗ lực của Bộ Tài chính, các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương, các DN bảo hiểm đã bước đầu xác định được thiệt hại của một số DN thuộc phạm vi bảo hiểm và chủ động kế hoạch triển khai bồi thường kịp thời. Ngày 06/6/2014, tại tỉnh Bình Dương, Bộ Tài chính phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã chính thức trao số tiền tạm ứng bồi thường trên cho 113 DN bị thiệt hại trên địa bàn với số tiền tạm ứng số tiền là 114,7 tỷ đồng. Rất nhiều DN bảo hiểm như: Bảo Việt, Công ty Fu Bon, Bảo Minh, Pjico, Ca Thay, Sam Sung Vina... và đại diện các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hongkong, Singapore... đã tham gia chứng kiến buổi lễ.

“Đây là nguồn kinh phí cần thiết trợ giúp cho các DN khắc phục một phần khó khăn để sớm ổn định sản xuất trở lại”, khẳng định điều này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, đánh giá cao sự tích cực, chủ động, khẩn trương và trách nhiệm của DN bảo hiểm trong công tác giải quyết bồi thường bảo hiểm trong thời gian vừa qua.

Đồng tình với quan điểm trên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc chủ động tham gia tạm ứng bồi thường của DN bảo hiểm là việc làm trước đây chưa có tiền lệ, điều này minh chứng cho nghĩa cử “chia lửa” của Chính phủ, Bộ Tài chính và các DN bảo hiểm với các DN FDI bị thiệt hại, nhằm giúp các DN này vượt qua khó khăn, yên tâm trở lại sản xuất kinh doanh.

Bảo Việt đi tiên phong

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng về việc tiếp tục hỗ trợ và giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc phát sinh cho các DN để ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, Bảo hiểm Bảo Việt (đơn vị thành viên của Tập đoàn Bảo Việt) là một trong những DN bảo hiểm đã tiên phong nhanh chóng vào cuộc.

Theo đó, ngay sau khi sự cố xảy ra, Bảo hiểm Bảo Việt đã cử đoàn công tác xuống hiện trường, chỉ đạo các công ty thành viên thăm hỏi khách hàng trong khu vực bị tổn thất; Nắm bắt thông tin về thiệt hại; Triển khai giám định hiện trường; Hướng dẫn khách hàng thực hiện các thủ tục cần thiết để phục vụ việc giải quyết chi trả bồi thường thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, mời các công ty giám định độc lập uy tín tiến hành giám định bồi thường. Qua đó, khách hàng đã hợp tác chặt chẽ và đánh giá cao việc xử lý nhanh chóng, phối hợp và hỗ trợ tận tình của Bảo hiểm Bảo Việt cũng như các đối tác của Bảo hiểm Bảo Việt (giám định viên và giám định độc lập).

Số tiền tạm ứng bồi thường mà Bảo hiểm Bảo Việt đã trao đợt đầu cho một số khách hàng DN bị thiệt hại tại tỉnh Bình Dương lên tới 26,8 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Esquel là 1 triệu USD tương đương với 21,2 tỷ đồng; Công ty Mega Step là 700 triệu đồng; Công ty CSB là 500 triệu đồng; Công ty Alhonga là 100 triệu đồng; Công ty May mặc Quốc tế Việt Hsing tạm ứng 300 triệu đồng; Ông Hoàng Tăng Lưỡng (Đài Loan, ước thiệt hại 490 triệu đồng) tạm ứng 200 triệu đồng... “Bảo hiểm Bảo Việt đã nhanh chóng có mặt tại nhà máy, tiến hành đánh giá các thiệt hại, giúp chúng tôi sớm khắc phục và ổn định sản xuất trở lại chỉ trong 2 tuần. Số tiền 1 triệu USD được tạm ứng sẽ giúp Công ty rất nhiều trong giai đoạn khó khăn này”, đại diện Công ty Esquel chia sẻ.

Việc tích cực hỗ trợ và nhanh chóng bồi thường cho khách hàng một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của Bảo hiểm Bảo Việt trong hành trình cùng với Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương góp phần ổn định, đảm bảo an sinh xã hội; Thể hiện uy tín, tính chuyên nghiệp cũng như cam kết lâu dài của Bảo hiểm Bảo Việt nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho khách hàng và cộng đồng. Lãnh đạo Bảo hiểm Bảo Việt khẳng định sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các bên liên quan giải quyết quyền lợi cho các khách hàng trong thời gian sớm nhất.

Trước sự hỗ trợ đắc lực của Bảo hiểm Bảo Việt nói riêng và các DN bảo hiểm nói chung, nhiều DN FDI cho biết, sự kiện này một lần nữa khẳng định vai trò và ý nghĩa của bảo hiểm đối với nền kinh tế nói chung và đối với từng tổ chức, cá nhân, DN nói riêng, là “tấm lá chắn” trước những rủi ro bất ngờ có thể xảy ra.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 6 - 2014