Chờ sóng cổ phiếu Bảo Việt

Theo báo Đầu tư

Nằm trong xu hướng giảm chung của thị trường, nhưng giới đầu tư vẫn kỳ vọng, cổ phiếu BVH sẽ có sóng, sau khi doanh nghiệp này họp Đại hội đồng cổ đông vào cuối tháng này.

Chờ sóng cổ phiếu Bảo Việt
Một nội dung quan trọng sẽ được đưa ra bàn thảo trong kỳ họp Đại hội đồng cổ đông lần này là nhân sự. Theo đó, Đại hội sẽ bầu ra HĐQT nhiệm kỳ II (2012 - 2017), sau đó, HĐQT nhiệm kỳ II sẽ tiến hành họp và bầu Tổng giám đốc mới.

Trước đó, HĐQT Tập đoàn Bảo Việt đã bổ nhiệm một số nhân sự cấp giám đốc khối. Theo đó, ông Abhishek Sharma được bổ nhiệm làm Giám đốc Khối quản lý rủi ro và ông Alan Royal được bổ nhiệm làm Giám đốc Khối công nghệ thông tin.

Mới đây, Bảo Việt cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2012 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.306 tỷ đồng, tăng 28,1%; tổng doanh thu hợp nhất đạt 11.778 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2011.

Thời gian gần đây, cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt diễn biến khá ổn định, dao động quanh mốc 28.000 đồng/cổ phiếu.

Hiện nay, ngoài BVH, trên thị trường niêm yết còn có 6 cổ phiếu của doanh nghiệp hiểm. Đó là, cổ phiếu VNR của Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (Vinare), cổ phiếu PGI của Công ty cổ phần Bảo hiểm Xăng dầu (Pjico), cổ phiếu BIC của Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, cổ phiếu PTI của Công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện, cổ phiếu PVI của Công ty cổ phần PVI và cổ phiếu BMI của Công ty cổ phần Bảo Minh.

Diễn biến chung của hầu hết cổ phiếu bảo hiểm là đang trong xu hướng giảm. Đơn cử, cổ phiếu BMI trong 2 tháng qua đã giảm từ mốc trên 8.000 đồng/cổ phiếu xuống còn trên 7.000 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu PGI giảm từ mốc 9.000 đồng/cổ phiếu ở thời điểm giữa tháng 10, xuống còn khoảng 8.000 đồng/cổ phiếu. Tương tự, cổ phiếu PTI giảm từ khoảng 10.000 đồng/cổ phiếu thời điểm cuối tháng 10, xuống còn khoảng 9.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu PVI giảm từ gần 16.000 đồng/cổ phiếu thời điểm đầu tháng 10, xuống còn khoảng 15.000 đồng/cổ phiếu. Chỉ duy nhất cổ phiếu VNR tăng giá trong 2 tháng qua, từ 12.600 đồng/cổ phiếu đầu tháng 10, lên gần 14.000 đồng/cổ phiếu như thời điểm hiện nay.

Trong quý III/2012, hoạt động tài chính đã mang lại nguồn thu nhập chính cho Tập đoàn, với mức lợi nhuận trước thuế đạt hơn 430 tỷ đồng. Khoản thu nhập này đã bù đắp cho 2 mảng hoạt động chính là ngân hàng và bảo hiểm. Riêng mảng ngân hàng, Bảo Việt đạt lợi nhuận trước thuế hơn 48 tỷ đồng trong quý III, giảm khá sâu so với 2 quý đầu năm 2012 (269 tỷ đồng). Trong khi đó, mảng kinh doanh bảo hiểm quý III phải chịu mức lỗ thuần hơn 148 tỷ đồng. Mức lỗ này cũng cao hơn mức lỗ bình quân của Bảo Việt ở mảng kinh doanh này trong 2 quý đầu năm. Cụ thể, lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm 6 tháng đầu năm của Bảo Việt là hơn 227 tỷ đồng.

Mặc dù kết quả kinh doanh của Bảo Việt trong quý III có phần đuối so với nửa đầu năm, nhưng xu hướng nằm trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường và nền kinh tế. Trong khi đó, nếu so sánh về tương quan của Tập đoàn với các doanh nghiệp cùng ngành, thì Bảo Việt vẫn gia tăng được vị trí.

Ông Hoàng Việt Hà, Giám đốc Hoạt động Tập đoàn Bảo Việt cho biết, lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm tăng trưởng vượt so với mức bình quân của thị trường, đã giúp Bảo Việt gia tăng về thị phần. Trong đó, lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán tăng trưởng ổn định trong điều kiện nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn.

Bảo Việt đang giữ vị trí số 1 trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, với 24% thị phần. Các lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ đem lại doanh thu lớn nhất cho Bảo Việt là bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt (+32%), bảo hiểm y tế tự nguyện và bảo hiểm con người (+19%)… Đối với bảo hiểm nhân thọ, thị phần của Bảo Việt đang chiếm tỷ trọng 29%.