Chọn kênh đầu tư?

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Chứng khoán muốn vào phải lão luyện, bất động sản (BĐS) vẫn chưa tan băng, vàng ảm đạm, lãi suất tiết kiệm giảm… khiến những người có tiền nhàn rỗi băn khoăn bỏ vốn vào kênh nào mang lại hiệu quả mà đảm bảo rủi ro trước bối cảnh thị trường hiện nay. Lời khuyên của các chuyên gia ở các lĩnh vực này vẫn là không “bỏ trứng vào một giỏ”. Tuy nhiên, với lãi suất tiết kiệm, theo giới phân tích vẫn là kênh bỏ vốn “ăn ngon, ngủ yên” dù thu lợi ít trước tình hình khó khăn hiện nay.

Chọn kênh đầu tư?
Lãi suất tiết kiệm vẫn là kênh bỏ vốn “ăn ngon, ngủ yên” dù thu lợi ít trước tình hình khó khăn hiện nay. Nguồn: internet

BĐS, chứng khoán: Chấp nhận rủi ro

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, cho rằng thị trường BĐS Việt Nam đã méo mó quá nặng trong một thời gian dài, “bong bóng” nhà đất được đẩy lên khá cao trong nhiều năm.

Vì thế, khó có thể kỳ vọng tan băng trong thời gian ngắn mà ít nhất phải 2-3 năm mới có thể hồi phục. Còn những biện pháp hỗ trợ và kích thích thị trường BĐS hiện nay chỉ làm ấm dần phân khúc có sức mua, không thể phá ngay “tảng băng” BĐS.

Chuyên gia ngân hàng (NH) Huỳnh Bửu Sơn nhận định, các chương trình kích cầu BĐS đã được đưa ra kể cả nguồn vốn ưu đãi từ NH, song cũng cần phải hiểu rằng các chương trình kích cầu chỉ cứu được “ngọn” chứ không thể chữa được “gốc” của vấn đề. Bởi mục tiêu của các gói kích cầu tín dụng BĐS là để tạo điều kiện cho việc xử lý nợ xấu của NH nhanh hơn.

Đối với chứng khoán đã có sự hồi phục trước kỳ vọng của giới đầu tư, VN-Index tăng gần 20% tính từ đầu năm, nhưng đã sớm đảo chiều giảm. Theo giới phân tích chứng khoán, 4 tháng đầu năm nay, số tài khoản mới của nhà đầu tư (NĐT) có tăng nhưng phần lớn từ NĐT nhỏ lẻ.

Còn các quỹ đầu tư lớn, trường vốn, nắm nhiều thông tin cộng với các ngân hàng thương  mại (NHTM) mới là những “đầu tàu” dẫn đường của chỉ số chứng khoán, nhưng họ chưa vội bước vào thị trường mà đứng ngoài xem xét, vì cho rằng còn rủi ro. Vì thế, bỏ tiền vào chứng khoán trước bối cảnh hiện nay theo giới phân tích vẫn phải là những NĐT lão luyện, có nhiều thông tin và biết cách “đánh”.

Ông Oh Kyung Hee, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, cho rằng kênh đầu tư chứng khoán hiện nay thu hút khá nhiều NĐT, có nhiều NĐT cũ đã rời thị trường thời điểm 2011, 2012 nay quay trở lại. So với kênh gởi tiết kiệm rõ ràng chứng khoán và BĐS có độ rủi ro cao hơn, tuy nhiên điều này được bù đắp bởi tỷ suất lợi nhuận tốt hơn.

Khi tham gia vào chứng khoán, các NĐT có rất nhiều lựa chọn với tỷ suất sinh lời tương ứng mức độ chấp nhận rủi ro. Ngoài ra, NĐT có thể giảm thiểu rủi ro bằng cách tham khảo tư vấn của các chuyên viên môi giới giỏi, hoặc tham khảo các báo cáo phân tích của công ty chứng khoán trước khi đưa ra quyết định đầu tư vào mã cổ phiếu nào.

Nhưng để tránh được rủi ro và duy trì được lợi nhuận phù hợp trong lúc này, các NĐT nên tăng tỷ trọng danh mục đầu tư vào cổ phiếu blue chip có kết quả kinh doanh tốt cũng như tiềm năng tăng trưởng cao, hạn chế giải ngân vào các mã thị giá thấp, đầu cơ, lướt sóng.

Vàng: Khó tìm lợi nhuận

Có thể nói từ sau Nghị định 24/CP/2012 (NĐ 24) về Quản lý hoạt động kinh doanh vàng, thị trường vàng rơi vào thời kỳ khó khăn thật sự. Nếu so sánh với biến động của vàng trước khi NĐ 24 ra đời, NĐT vàng dễ dàng kiếm lợi nhuận do các “sóng” vàng thường xuyên đến và đi.

Nhưng NĐ 24 ra đời hạn chế kinh doanh vàng miếng đã thu hẹp cơ hội kinh doanh vàng, do “sóng” trên thị trường không còn nhiều.

Theo đánh giá của ông Trần Thanh Hải, Giám đốc CTCP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB), xu hướng giá vàng thế giới trong ngắn hạn vẫn điều chỉnh giảm. Bởi sau khi FED có tân chủ tịch, tỷ lệ thất nghiệp của Hoa Kỳ ở mức thấp, chỉ khoảng 6,7%.

Theo thống kê của Bộ Lao động Hoa Kỳ, nếu tỷ lệ thất nghiệp xuống mức dưới 6,5%, Hoa Kỳ sẽ nâng lãi suất cơ bản USD. Và khi FED nâng lãi suất cơ bản USD, giá vàng sẽ điều chỉnh giảm trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, liệu dấu hiệu nền kinh tế Hoa Kỳ đã thực sự khởi sắc hay chưa, với bản chất của loại tài sản đặc biệt như vàng vẫn chưa bao giờ mất tính hấp dẫn vốn có của nó. Cố vấn cao cấp Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, ông Huỳnh Trung Khánh, cho rằng vàng khó có thể giảm sâu như kỳ vọng và nếu giảm xuống dưới 1.250USD/ounce chỉ có thể là xuống trong một giai đoạn.

Vì nếu vàng giảm xuống dưới 1.200-1.250USD/oune, các công ty sản xuất vàng ở Nam Phi sẽ hạn chế và thậm chí dừng sản xuất. Từ đó, cung vàng từ các mỏ khai thác và nhà sản xuất đưa ra thị trường sẽ hạn chế. Vì thế giá vàng lúc này được đẩy tăng. Theo ông Khánh, vàng vẫn giữ vai trò của nó nên khả năng sẽ ổn định trong biên độ của giai đoạn cuối năm 2013. 

Gửi tiết kiệm: An toàn

Đối với người dân, gửi tiết kiệm vẫn là giải pháp được lựa chọn nhiều trong bối cảnh thị trường hiện nay. Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, hiện thị trường BĐS chưa thể khởi sắc, vàng đang giảm giá nhưng mức chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước còn khá lớn, lên đến 4-5 triệu đồng/lượng. Vì thế gửi tiết kiệm vẫn được xem là giải pháp an toàn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, sau 3 tháng huy động vốn vào hệ thống vẫn đang tăng mạnh, đặc biệt tiền gửi của dân cư và nền kinh tế tăng mạnh trong nửa cuối tháng 3, chứng tỏ việc giảm lãi suất không làm ảnh hưởng đến nguồn tiền gửi của các tổ chức tín dụng.

Trần lãi suất huy động vừa được điều chỉnh giảm thêm 1% khiến nhiều người lo ngại tiết kiệm sẽ chảy qua các kênh đầu tư khác. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, điều đó sẽ tùy thuộc khá nhiều vào mức độ chấp nhận rủi ro và kinh nghiệm đầu tư ở các kênh đầu tư khác.

Điển hình đa phần NĐT chọn hình thức gởi tiết kiệm lâu dài đều ngại rủi ro hoặc ít có kinh nghiệm đầu tư trong các kênh đầu tư khác như chứng khoán, BĐS, nên việc lãi suất tiết kiệm có giảm xuống thấp như hiện nay họ sẽ xem xét lãi suất của NH nào cao nhất và chuyển sang gởi ở đó.

Ngược lại, đối với các NĐT chấp nhận rủi ro và có kinh nghiệm nhiều ở các kênh đầu tư khác khó có thể chấp nhận mức lãi suất tiết kiệm như hiện nay. Theo TS. Trần Du Lịch, trước tình hình các kênh đầu tư khác khó khăn, tiền nhàn rỗi vẫn chảy vào NH cũng là một điều tốt.

Thực tế cho thấy, mặc dù lãi suất huy động tiền đồng đã giảm khoảng 2-2,5% so với đầu năm trước, nhưng nguồn tiết kiệm vào NH vẫn khá dồi dào, huy động vốn ở nhiều NH tăng 6-10% trong 3 tháng đầu năm nay.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết tỷ giá biến động nhẹ vừa qua chủ yếu do tác động tâm lý, hiện tượng nhất thời. Vì hiện so với tiền đồng, lãi suất ngoại tệ chỉ bằng 1/5, đồng thời tỷ giá sẽ được NHNN kiểm soát không vượt quá biên độ 2% trong năm nay. Hơn nữa cung ngoại tệ hiện nay cũng khá dồi dào.

Chủ trương của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đưa ra trong thông điệp đầu năm nay sẽ kiểm soát tỷ giá ở biên độ dao động không quá 1-2%. Vì thế, lãi suất tiền gửi ngoại tệ rất khó có thể vượt qua ngưỡng trần 1%/năm. Hiện các kiến nghị đang được đề xuất lên NHNN cần giảm thêm lãi suất tiết kiệm USD để tạo ưu thế cho VNĐ.