Chưa đáng lo với giá USD tăng

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Thời gian qua, giá USD liên tục "leo thang", đây được xem là đồng tiền thanh toán chủ chốt trong hoạt động xuất nhập khẩu. Vậy, vấn đề này sẽ tác động như thế nào tới nền kinh tế, đặc biệt là có ảnh hưởng đến tốc độ tăng lạm phát và doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa?

 Giá USD thời gian qua liên tục tăng. Nguồn: Internet
Giá USD thời gian qua liên tục tăng. Nguồn: Internet

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tỷ giá tăng cao đang có lợi cho hoạt động xuất khẩu, tuy nhiên đây sẽ là bất lợi với doanh nghiệp nhập khẩu (NK). Trong khi đó, đánh giá về tác động lên lạm phát, nhiều ý kiến cho rằng không đáng lo bởi giá USD tăng liên tục thì mới ảnh hưởng đến lạm phát.

Tỷ giá tiếp tục tăng

Ngày 28/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm ở mức 22.655 đồng/USD, các ngân hàng thương mại cũng điều chỉnh giá USD lên khá mạnh so với đầu tuần.

Theo khảo sát của Thời báo Kinh Doanh, tính đến 16h, giá USD mua vào-bán ra của Vietcombank là 22.900 – 22.970 đồng/ USD, BIDV: 22.905 – 22.975 đồng/USD, ACB: 22.910 – 22.990 đồng/ USD, MBBank: 22.870 – 23.010 đồng/USD, Techcombank: 22.880 – 22.980 đồng/USD, HDBank: 22.890 – 22.980 đồng/USD, VIB: 22.870 – 22.980 đồng/USD…

So với sáng 27/6, BIDV, Sacombank điều chỉnh giá USD giảm 10 đồng, Vietcombank giảm 5 đồng, VIB giảm 15 đồng (mua vào) và 5 đồng (bán ra), HDBank giảm 10 đồng (bán ra). Riêng MBBank tăng 15 đồng (mua vào) và Techcombank tăng 10 đồng ở cả hai chiều.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm cũng được điều chỉnh tăng thêm 15 đồng so với ngày 27/6.

Nhìn vào biến động của tỷ giá thời gian qua, nhiều ý kiến lo ngại sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam.

Theo lý thuyết, giữa lạm phát và tỷ giá có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, do đó, song hành cùng sự biến động bất thường của tỷ giá sẽ là sự biến động của lạm phát. Khi tỷ giá tăng làm cho giá hàng NK tăng, từ đó dẫn đến mặt bằng giá hàng hóa trong nước hay chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng.

Số liệu báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 6, kim ngạch hàng hóa NK ước đạt 111,36 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Với số lượng NK hàng hóa lớn vào thời điểm tỷ giá tăng cao chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá sản phẩm. Vì vậy, trước sự biến động bất thường của tỷ giá, những lo ngại, đồn đoán sẽ đẩy lạm phát năm 2018 tăng hơn mức 4% so với kế hoạch cũng là dễ hiểu.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu nhìn vào các dữ liệu kinh tế 6 tháng đầu năm và bước đi của tỷ giá thì có thể thấy không có gì đáng lo ngại.

Dù số lượng hàng hóa NK trong 6 tháng đầu năm có tăng, song các chuyên gia nhận định, đây chưa phải là mùa cao điểm NK hàng hóa, nên tỷ giá tăng sẽ tác động đến doanh nghiệp NK nhưng không nhiều.

Không ảnh hưởng đến lạm phát

Trong khi đó, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng, ước đạt khoảng 63 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2018, tương đương 3,6 tháng NK, đủ để NHNN có thể điều tiết khi tỷ giá tăng cao hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, dù tín dụng ngoại tệ 5 tháng đầu năm tăng 8%, nhưng các ngân hàng thương mại khẳng định nhu cầu ngoại tệ hợp pháp luôn được đáp ứng khi doanh nghiệp và người dân cần.

Quan sát tỷ giá những ngày qua, bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), cho rằng giá USD tăng liên tục thì mới ảnh hưởng đến lạm phát. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa đánh giá chính xác được giá USD có tăng liên tục hay không. Chưa kể, giá USD tăng, tỷ giá ngân hàng phải tăng theo mới tác động tới lạm phát.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng tại thời điểm này chưa thể khẳng định tỷ giá tăng sẽ tác động đến lạm phát, vì tỷ giá biến động thường xuyên và cũng chỉ mới tăng trong mấy ngày vừa rồi. Nếu trở thành một xu hướng trong năm 2018 thì sẽ làm tăng CPI, đây là biểu hiện của lạm phát, có thể tác động tới lạm phát.

Chỉ ra nguyên nhân khiến tỷ giá tăng trong thời gian qua, một số chuyên gia cho rằng có thể do yếu tố tâm lý, do gần đây lo ngại dòng vốn khối ngoại rút khỏi thị trường chứng khoán. Đồng thời, diễn biến tăng giá của đồng bạc xanh trên thị trường thế giới đã tác động tới trong nước.

Mới đây, tại buổi họp báo công bố Báo cáo Điểm lại kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục được cải thiện do kết quả vững vàng về thương mại và thu hút vốn FDI, đóng góp vào tổng thặng dư tài khoản vãng lai. Tỷ giá được duy trì tương đối ổn định trong khi dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng.

"Dự báo lạm phát sẽ ở mức xung quanh mục tiêu 4% của Chính phủ. Cân đối tài khoản vãng lai dự kiến vẫn đạt thặng dư, nhưng có thể sẽ ở mức thấp hơn trong năm tới, do thâm hụt tăng lên ở tài khoản thu nhập và dịch vụ. Bội chi ngân sách và nợ công dự kiến vẫn trong vòng kiểm soát", WB đánh giá.