Chứng khoán nắm cơ hội lớn

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Vượt ngoài dự đoán, VN-Index đã tăng điểm một lèo chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm trên 10% (13% tính đến 14/2/2014). Đây là mức tăng khá cao so với điểm bứt phá 22% của cả năm 2013.

Chứng khoán nắm cơ hội lớn
VN-Index đã tăng điểm một lèo chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm. Nguồn: internet

Dòng tiền vào thị trường cũng được dự báo sẽ ngày càng mạnh và có vẻ nhiều nhà đầu tư đang bất chấp mọi rủi ro để nắm cơ hội.

Thiếu sân

Chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế, vì vậy với đà tăng vừa qua, chứng khoán đã thể hiện vai trò “hàn thử biểu” nền kinh tế. Mọi tín hiệu tích cực của một nền kinh tế được kì vọng sẽ khởi sắc hơn trong năm 2013 dường như đã được phản ánh hết và ngay lập tức vào đà tăng chứng khoán. Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh - Giám đốc Môi giới Công ty chứng khoán Bản Việt nhận xét: “kì vọng vào kết quả lợi nhuận khả quan trong báo cáo tài chính năm 2013 đã được phản ánh hầu hết vào giá cổ phiếu. Nhiều nhà đầu tư mạnh dạn gom hàng và đồng thời sử dụng đòn bẩy margin (tỉ lệ ký quỹ) đã khiến VN-Index nhanh chóng tiệm cận ngưỡng nhạy cảm 600 điểm”.

Dù tăng mạnh như vậy, nhưng bước sang tuần đầu tháng 3, chứng khoán lại vẫn đang còn lưỡng lự trước một cột mốc mới: Xuyên qua ngưỡng 600 điểm - thăng hoa rực rỡ hay tụt trở lại quanh 500, 550 và tiếp tục xập xình ở ngưỡng này?

Cơ hội cho VN-Index xuyên ngưỡng 600 điểm trong năm 2014 đang được giới chuyên môn đánh giá cao, nhưng nếu điều này diễn ra ngay tháng 3 thì sẽ là một điều bứt phá đáng ngạc nhiên, và cũng đáng… e ngại. Càng e ngại khi trong trạng thái lưỡng lự này, dòng tiền vẫn đang tham gia thị trường một cách náo nhiệt.

Kết thúc phiên giao dịch tháng 2, thị trường hơi bất ngờ trước con số thống kê của một Công ty chứng khoán cho thấy số dư cho vay ký quỹ của toàn thị trường ước tính khoảng 300 triệu USD, tương đương khoảng 6.000 tỉ đồng. Nếu thống kê đó đúng thì cảm giác về dòng tiền trên thị trường chưa thể bền vững bởi cơ bản dòng tiền này sẽ phải tiếp luân chuyển mạnh giữa các cổ phiếu nhằm tìm kiếm lợi nhuận trả phí, thuế và lãi suất cho Công ty chứng khoán.

Nhưng thống kê là chuyện của… thống kê. Các nhà đầu tư trên thị trường, kể cả những nhà đầu tư dùng margin với tỷ lệ cao nhất vẫn đang hy vọng rằng tổng dòng tiền đã, đang và sẽ có trên thị trường là đến từ nhiều nguồn lực khác: Nhà đầu tư ngoại, ngân hàng, Công ty tài chính, quỹ lớn quỹ nhỏ…Nói đúng ra, không ai muốn bừng tỉnh và dứt ra khỏi dòng chảy của dòng tiền hiện tại vì trên thực tế, chẳng có kênh đầu tư nào đang “có cửa” so cho bằng chứng khoán, kể cả là nhà đất đang vô cùng hứa hẹn sẽ sớm trỗi dậy với các đòn bẩy chính sách (nhưng để chờ được chính sách “ngấm” cũng sẽ phải còn mất thời gian khá lâu), hay với các kênh vàng, ngoại tệ, giao dịch hàng hóa sản phẩm thay thế.

Khi không có sân chơi nào, chứng khoán nghiễm nhiên trở thành sân chơi lớn.

Động lực từ khối ngoại

Ngoài yếu tố dòng tiền bị “đọng” quá lâu chỉ cần một số lí do là có khơi bùng cơ hội đốt nóng, sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán còn đến từ những lí do khác.

Ông Yun Hang Jin - Giám, chuyên gia nghiên cứu chứng khoán của Hàn Quốc cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà nhà đầu tư nước ngoài tìm đến với thị trường Việt Nam. Mặc dù VN-Index sau một giai đoạn nhích dần từ 2012 đến nay, đã mất dần sức hấp dẫn giá rẻ nhưng cơ bản, nếu so với các thị trường khu vực, giá trị VN-Index vẫn khá hấp dẫn. “Chỉ số P/E (Hệ số giá/ thu nhập) của chứng khoán Việt Nam năm 2012 là 10.7, năm 2013 là 11.0 và tháng 2/2014 là 12, so với chỉ số 12.1 của Thái Lan, 16.8 của Philippine và Trung Quốc là 8.1, không cao. Vì lẽ đó, dòng tiền ngoại vẫn sẽ tiếp tục hướng đến thị trường này đặc biệt trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư có xu hướng tìm đến với thị trường mới nổi, có sự ổn định về kinh tế - chính trị - xã hội như Việt Nam”, ông Yun Hang Jin nói.

Theo thống kê của Công ty chứng khoán KIS,  năm 2013, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 6.829 tỉ đồng tương đương 325 triệu USD, tăng 55% so với năm 2012 khoảng một nghìn tỉ đồng trên thị trường chứng khoán Việt (tương đương gần 5 tỉ  USD).  Trong tháng 1/2014, quyết định nới room sở hữu ngân hàng cho khối ngoại, “tạo đà” cho dự thảo nới room khối ngoại đang là tiền đề để tăng nguồn cho các nhà đầu tư. Cũng theo KIS, tính đến 14/2, khối này đã mua vào được thêm 45% trên tổng số cổ phiếu được nắm giữ.

“Nhà đầu tư ngoại duy trì vị thế mua ròng đã cổ vũ tâm lí cho các nhà đầu tư nội, khiến kì vọng vào dòng tiền dài hạn trên thị trường được duy trì. Tuy quy mô đầu tư mua cổ phiếu của nhà đầu tư ngoại khó có thể tăng mạnh hơn nữa nhưng khả năng khối này vẫn duy trì lực mua ròng và điều đó sẽ khiến chứng khoán Việt dù vẫn đang còn gió đông trên bờ sông vắng, vẫn sẽ có lí do để sắc hoa đào tiếp tục nở rộ”, ông Yun Hang Jin lạc quan nhìn nhận.

Cơ hội vẫn ở... dài hạn

Về dài hạn, chứng khoán Việt Nam đang nhuốm màu hồng. Khả năng thị trường vượt 600 điểm trong năm nay đều được dự báo cầm chắc xảy ra. Một số các chính sách phát triển thị trường, các doanh nghiệp lớn lên lên sàn nhưng áp lực tăng nguồn cung không lớn và khả năng hiện thực hóa sản phẩm như ETF, quỹ đầu tư bất động sản… dự kiến sẽ hỗ trợ thị trường tiếp tục thu hút dòng vốn cá nhân tăng thêm. Hầu hết khuyến nghị của các Công ty chứng khoán về các nhóm ngành đáng quan tâm trong năm 2014 đều tập trung vào các nhóm có hưởng lợi chính sách hoặc thị trường xuất khẩu như dầu khí, dệt may, bất động sản, cao su, tài chính, xây dựng cơ sở hạ tầng và nhóm các ngành công nghiệp phụ trợ hay một số doanh nghiệp có thị trường nội địa vững và cầu tăng cao như thực phẩm, tiêu dùng… Chọn ngành nào, danh mục nào, theo các chuyên gia, quan trọng không chỉ là khẩu vị của nhà đầu tư mà còn là tiềm lực của đồng vốn, mức độ chịu đựng rủi ro và mục tiêu đầu tư.

Cho dù thị trường đang nhuốm một màu hồng nhưng thực tế lại cũng đang bước vào giai đoạn hết sức khó đoán. Nếu chỉ số VN-Index điều chỉnh về mức thấp hơn (có thể sớm xảy ra trong 1-2 tuần tới), giao dịch ổn định chờ yếu tố cơ bản, rồi mới tăng trở lại thì đó sẽ là diễn biến tốt cho thị trường và phù hợp, trừ một số cổ phiếu có câu chuyện riêng sẽ vẫn giữ giá khi thị trường điều chỉnh. Tuy nhiên, cũng có thể dòng tiền mới đổ về mạnh quá và thị trường không điều chỉnh giảm nổi mà cứ giao dịch giằng co trong ngưỡng hiện tại một thời gian, rồi lại tăng tiếp, nhưng xác suất này không cao bằng trường hợp ở trên, thì khả năng sẽ có nhiều nhà đầu tư “mắc kẹt” trên đỉnh phân phối và kẹt luôn cả đòn bẩy margin tỷ lệ lớn đã lỡ dùng. Xem lại cơ cấu phân bổ vốn/chứng khoán và chứng khoán đã về tài khoản chưa - bình tĩnh chờ cơ hội trong điều chỉnh là điều mà nhà đầu tư cần quan tâm lúc này.

Thạc sĩ Tài chính Nguyễn Lê Ngọc Hoàn:
Cần có kế hoạch phân bổ vốn tốt

Các nhà đầu tư ngoại, tổ chức sẽ vẫn quan tâm đến các blue-chip, các larger-caps. Trong khi đó, với các nhà đầu tư cá nhân và vốn nhỏ, lựa chọn các cổ phiếu small hoặc midle-caps hẳn sẽ khôn ngoan hơn, đặc biệt nếu đó là các cổ phiếu P/E dưới 10, chưa có mức độ tăng trưởng giá phi mã trong thời gian qua nhưng lại có triển vọng kinh doanh (nên tính từ 6 tháng-1 năm) tốt nhờ các hiệu ứng chính sách sẽ ngấm trong tương lai. Sử dụng quy tắc nổi tiếng trên thế giới: Lấy 100 trừ số tuổi (chẳng hạn nếu bạn là nhà đầu tư 40 tuổi, lấy 100 trừ đi 40 thì 60% là phần tiền tiết kiệm nên bỏ vào chứng khoán (cổ phiếu và trái phiếu), 40% nên cất giữ dưới dạng các dạng tài sản tiền mặt – đây là “ngón tay cái” (Rule of Thumb) thường được gợi ý cho các nhà đầu tư cảm thấy đã đầu tư quá nhiều và cần có sự điều chỉnh. Áp dụng trong tình hình hiện tại, quy tắc này có thể giúp các nhà đầu tư phân bổ vốn tốt và an toàn nếu rơi vào tâm lí lưỡng lự, e ngại khả năng thị trường bán tháo, giảm đà mạnh vì tỷ lệ sử dụng đòn bẩy margin cao như hiện nay.