Chứng khoán Việt Nam 2014: Niềm tin hồi phục

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Để chuẩn bị cho bước phát triển kế tiếp, việc đảm bảo hàng hóa có chất lượng cho thị trường chứng khoán (TTCK), tiến một bước tới công khai, minh bạch cũng đã được đặt những nền tảng đầu tiên trong năm 2013.

Chứng khoán Việt Nam 2014: Niềm tin hồi phục
Các nhà quản lý và chuyên gia kinh tế đều tin tưởng TTCK sẽ hồi phục trong năm 2014. Nguồn: internet

Theo đó, hệ thống các quy định pháp lý của TTCK đã tiến một bước dài với rất nhiều các Nghị định, Thông tư và các văn bản quy định, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ đã được ban hành và có hiệu lực.

Hàng hóa sẽ dồi dào hơn

Tại tọa đàm "Thị trường chứng khoán (TTCK) 2014: triển vọng và thách thức" vừa diễn ra, các nhà quản lý và chuyên gia kinh tế đều tin tưởng TTCK sẽ hồi phục trong năm 2014.

Chủ tịch Uỷ ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Bằng lưu ý, năm 2013, nền tảng ổn định vĩ mô đã giúp cho vốn nước ngoài tiếp tục đầu tư vào nền kinh tế và TTCK. So với cuối năm 2012, VN-Index tăng trên 22%, HNX-Index tăng 13%. Sự gia tăng của các chỉ số chứng khoán trong năm 2013 đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có mức độ phục hồi mạnh nhất thế giới.

Mức vốn hoá thị trường năm 2013 cũng tăng so với năm 2012, đạt khoảng 964 nghìn tỷ đồng (tăng 199 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2012). “Năm 2014, nhiều tín hiệu cho thấy sư ổn định và phát triển của kinh tế sẽ tạo niềm tin mới, TTCK sẽ phát triển tốt hơn”, ông Bằng nói.

Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2014 ở 5,8% và kiềm chế lạm phát ở mức 7% có thể sẽ đạt được. Ổn định kinh tế vĩ mô sẽ tác động tích cực đến TTCK.

Trong khi đó, các kênh đầu tư cạnh tranh hút vốn trực tiếp với TTCK là bất động sản thì năm 2014 rất khó cải thiện. Kênh đầu tư ngoại tệ không mấy hấp dẫn bởi NHNN vẫn tiếp tục cam kết ổn định tỷ giá hối đoái. Kênh đầu tư vào vàng cũng không còn hấp dẫn bởi giá vàng thế giới ngày càng giảm, trong khi cách quản lý của Việt Nam là giảm sức hấp dẫn của vàng trong hoạt động đầu tư và đầu cơ.

Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, năm 2014, hàng hóa sẽ cực kỳ dồi dào, kể cả liên quan đến cổ phiếu và trái phiếu. Bởi vì, hàng hóa cho TTCK tăng bắt nguồn từ câu chuyện cổ phần hóa và thoái vốn ngoài ngành của doanh nghiệp (DN) nhà nước.

Bên cạnh đó, số trái phiếu Chính phủ phát hành sẽ được bổ sung thêm từ nguồn 170 nghìn tỷ đồng dự kiến phát hành trong 3 năm 2014 - 2016. “Các yếu tố vĩ mô hỗ trợ cho TTCK rất tốt. Chỉ có điều, các nhà quản lý và nhà đầu tư sẽ làm gì để tận dụng được quy mô về số lượng và cải thiện chất lượng hàng hóa”, ông Ánh nói thêm.

Ở điểm này, Chủ tịch Vũ Bằng thừa nhận, năm 2014 và những năm tiếp theo vẫn còn nhiều thách thức với TTCK Việt Nam. Gắn với kinh tế vĩ mô, TTCK đứng trước thách thức lớn nhất là xử lý nợ. Bởi nếu xử lý không tốt, nợ mới có thể lớn hơn nợ được xử lý. Tuy nhiên, ông Bằng cho rằng, các giải pháp mà Chính phủ và NHNN đang triển khai là rất đúng hướng.

Còn thách thức thứ hai là khó khăn của DN. Ghi nhận số liệu 9 tháng đầu năm 2013, các công ty niêm yết hoạt động tốt hơn so với cuối năm 2012: doanh thu và lợi nhuận tăng hơn, chi phí lãi vay giảm, hàng tồn kho có cải thiện… Chính vì vậy, tháo gỡ khó khăn cho DN để họ phát triển, huy động được vốn, trả được nợ, tài chính lành mạnh cũng là thách thức đối với TTCK, cần được giải quyết.

Một bước tới minh bạch

Để chuẩn bị cho bước phát triển kế tiếp, việc đảm bảo hàng hóa có chất lượng cho TTCK, tiến một bước tới công khai, minh bạch cũng đã được đặt những nền tảng đầu tiên trong năm 2013. Theo đó, hệ thống các quy định pháp lý của TTCK đã tiến một bước dài với rất nhiều các Nghị định, Thông tư và các văn bản quy định, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ đã được ban hành và có hiệu lực.

Một trong những điểm nổi bật của năm 2013 là sự ra đời của Nghị định 108/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK. Theo đó, quy định mới sẽ chấm dứt hiện tượng các DN cổ phần hóa khất lần việc niêm yết cổ phiếu. Ngoài ra, Nghị định mới cũng bổ sung các hành vi vi phạm mới như: vi phạm quản trị công ty đại chúng, vi phạm quy định niêm yết chứng khoán quốc tế…

Bà Vũ Thị Chân Phương, Vụ trưởng Vụ Thanh tra (UBCKNN) cho biết, Nghị định này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với thị trường, tạo môi trường công khai minh bạch, bảo vệ nhà đầu tư. Việc nâng cao mức phạt hy vọng sẽ đủ sức răn đe. Tuy nhiên, UBCKNN vẫn lấy việc phòng ngừa vi phạm là chính, bà Phương cho hay.

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) Trần Văn Dũng cho biết, việc ban hành Nghị định 108 thể hiện quyết tâm của Chính phủ và ngành chứng khoán trong bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư rót vốn vào công ty đại chúng. “Tôi cho rằng, đây là điểm rất tích cực. Các DN sẽ phải thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mình với nhà đầu tư. Điều này cũng sẽ góp phần thúc các DN đã và sẽ phát hành chứng khoán ra công chúng lên sàn giao dịch, tác động tích cực lên HNX và HSX trong năm 2014”, ông Dũng cho hay.

Một trong những nội dung được quan tâm nhất liên quan đến Nghị định 108 là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc đưa lên sàn chứng khoán các ngân hàng thương mại nhằm tăng cường minh bạch và hạn chế sở hữu chéo. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Chí Hiếu đồng tình với chỉ đạo này và đặt câu hỏi, liệu các ngân hàng có mong muốn lên sàn hay không.

“Tôi nghĩ là không, nhưng đây là sự kiện cần thiết. Nghị định 108 yêu cầu các DN đã bán chứng khoán cho công chúng phải được lên sàn. Đây là điều bình thường trong thông lệ quốc tế. Nếu chúng ta làm quyết liệt vấn đề này thì nợ xấu đã không lớn như hiện nay. Nếu lên sàn, chắc chắn UBCKNN sẽ có cảnh báo tức thì…”, ông Hiếu cho biết.