Chuyển vàng gửi thành tiền lưu thông: Rủi ro lớn

Theo VTV

Thời gian gần đây, giá vàng biến động mạnh, nên các tổ chức tín dụng sẽ gặp rủi ro nghiêm trọng khi đem số vàng được gửi chuyển thành tiền để lưu thông, sau đó phải mua lại khi giá cao...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chỉ một chiếc tủ nhỏ trong kho vàng của một ngân hàng đã có trị giá lên đến gần 300 tỷ đồng. Đó chỉ là một trong hàng trăm, hàng nghìn kho vàng của rất nhiều chi nhánh ngân hàng trên khắp cả nước. Có thể thấy lượng tiền bị chôn vào những thỏi vàng như thế lớn đến mức nào khi tổng số vàng đó lên đến con số 400 tấn. Sẽ có không ít tổ chức tín dụng huy động vàng rồi chuyển ra tiền mặt để lưu thông, mà điều đó sẽ mang lại rủi ro rất lớn cho hệ thống ngân hàng khi giá vàng biến động mạnh trong mấy năm gần đây.

Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước phân tích: “Do thời gian gần đây giá vàng biến động mạnh mà chủ yếu là tăng, nên các tổ chức tín dụng sẽ gặp rủi ro nghiêm trọng khi đem số vàng được gửi chuyển thành tiền để lưu thông, sau đó phải mua lại khi giá cao. Người được cho vay vàng cũng vừa phải chịu lãi vay, vừa khó có khả năng trả được nợ đầy đủ khi vàng lên giá. Như vậy, tổ chức tín dụng phải chịu rủi ro kép…”.

Có thể thấy hệ thống ngân hàng sẽ gặp rủi ro như thế nào khi các ngân hàng được phép huy động và cho vay bằng vàng, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đi vay nước ngoài với lãi suất 8% một năm mà không dễ để vay. Nền kinh tế thiếu vốn để vận hành thì một lượng lớn nguồn lực tài chính đang nằm chết trong vàng. 400 tấn vàng đang bị chôn trong két sắt của người dân hay của ngân hàng, nếu quy ra ngoại tê, số vàng ấy sẽ trị giá 15 tỷ USD, bằng 2/3 tổng mức dự trữ quốc gia. Nếu quy ra tiền Việt sẽ là khoảng hơn 300.000 tỷ đồng - có thể xây được hàng nghìn trường học, hàng trăm cây cầu…

Có thể thấy trong bối cảnh giá vàng biến động mạnh, các tổ chức tín dụng đã không thể làm được nhiệm vụ chuyển lượng vốn bằng vàng thành vốn phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Chính vì vậy, năm 2011 Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản yêu cầu tất cả các tổ chức tín dụng phải ngừng hoạt động huy động và cho vay vốn bằng vàng. Nhiệm vụ chống vàng hoá, để vàng thành tiền chảy vào phục vụ phát triển kinh tế được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để làm được việc này phải hết sức linh hoạt.

Ông Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế khuyến nghị: “Trong quá trình tác động để biến từ vàng chuyển thành tiền vốn phát triển kinh tế đòi hỏi chính sách hết sức linh hoạt, điều đầu tiên là phải giải toả tâm lý cho người dân để họ cảm thấy yên tâm khi chuyển vàng thành tiền. Muốn thế phải nâng cao giá trị tiền đồng để họ tin tưởng giữ tiền hơn giữ vàng, giảm lượng vàng dự trữ chuyển sang đồng nội tệ”.

Gần 1 năm nay, tỷ giá VND và USD đã dần ổn định, nhiều người có tiền đã bắt đầu cân nhắc trong việc đầu tư vào đồng nội tệ khi mà lãi suất tiền đồng đã trở nên hấp dẫn hơn so với những suất đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, hay USD. Thời gian tới, vàng không còn được lợi kép như trước thì người có tiền cũng sẽ phải cân nhắc hơn khi đầu tư vào vàng. Muốn xu hướng này mạnh dần lên, chống hiện tượng vàng hóa nền kinh tế, thì Ngân hàng Nhà nước vẫn còn rất nhiều việc phải làm.