Cổ phiếu dệt may - Cơ hội từ TPP

Theo kinhtevadubao.com.vn

Khả năng gia nhập TPP của Việt Nam là khá cao và đó là cơ hội "vàng" cho dệt may khi hầu hết thị trường lớn của Việt Nam đều tham gia TPP.

Hai quý đầu năm 2013, dệt may là một trong số những ngành có tăng trưởng mạnh nhất. Nguồn: Internet
Hai quý đầu năm 2013, dệt may là một trong số những ngành có tăng trưởng mạnh nhất. Nguồn: Internet

Trong 2 quý đầu năm 2013, dệt may là một trong số những ngành có tăng trưởng mạnh nhất. Các cổ phiếu TCM, TNG (chiếm phần lớn thanh khoản của ngành) đều có mức tăng rất mạnh so với đầu năm.

Khi tham gia vào TPP (The Trans - Pacific Partnership) - Đối tác chiến lược về Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương, hàng hóa Việt Nam được tiếp cận các thị trường trong khối với mức thuế quan thấp hoặc bằng 0. Do đó, ngành dệt may lại có lợi thế vượt trội khi hiện tại thuế suất dệt may vào Mỹ trung bình 17%. Biên lợi nhuận của ngành dệt may khá mỏng, nên thuế suất giảm sẽ cải thiện rất mạnh đối với biên lợi nhuận và doanh thu của ngành (nhất là các công ty đã đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của TPP).

Việt Nam khó hoàn thành đàm phán và gia nhập TPP trong năm 2013, nhưng khả năng gia nhập TPP của Việt Nam là khá cao. TPP dù không được ký trong năm 2013, thì vẫn sẽ là cú hích quan trọng đối với toàn bộ ngành dệt may Việt Nam. Trên cơ sở đánh giá tiềm năng chung của ngành dệt may, các thông tin về khả năng đàm phán ra nhập TPP và tình hình tài chính, kinh doanh của các mã trong ngành trên sàn niêm yết, nhà đầu có thể bắt đầu lựa chọn các mã dệt may thỏa mãn các tiêu chí về sức khỏe tài chính và tiềm năng xuất khẩu, cũng như thanh khoản cho mục tiêu trung hạn.

Trong khi nhu cầu dệt may toàn thế giới năm 2013 dự kiến sẽ tăng 2,32%, trị giá 713 tỷ USD, thì kim ngạch xuất khẩu dệt may 4 tháng đầu năm của Việt Nam đạt 5,087 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may được dự báo lạc quan hơn trong những tháng tới khi đơn hàng sản xuất ổn định đến hết quý 3/2013. Nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng trong các tháng và quý còn lại của năm, xuất khẩu dệt may cả năm 2013 ước vượt 18,5 tỷ USD (tăng 23% so với 2012).

Trong khi các thị trường lớn đều giảm nhập khẩu nhưng xuất khẩu dệt may của Việt Nam lại tăng. Cụ thể, thị trường Mỹ giảm nhập khẩu dệt may 5% nhưng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ lại tăng 12%. Thị trường châu Âu giảm 5% nhưng xuất khẩu dệt may Việt Nam sang thị trường này vẫn tăng 3%. Tương tự, thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc đều có tốc độ tăng trưởng 20%, trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc vượt mốc 1 tỷ USD. Hiện tại, Mỹ là thị trường lớn nhất, chiếm 49,9% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may và chiếm 38,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ. Nhật Bản đứng thứ hai, chiếm 14% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may và chiếm 17% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Nhật Bản. Hàn Quốc đứng thứ ba, chiếm 8,7% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may và chiếm 19,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Hàn Quốc.

Ngành dệt may có tính gia công lớn, công nghiệp phụ trợ chậm phát triển, phụ thuộc khá lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu. Xuất khẩu của ngành đạt mức tăng trưởng khá nhưng nhập khẩu cho sản xuất của ngành cũng tăng mạnh (13,3%). Kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may trong 4 tháng đầu năm khá cao, với kim ngạch 4,286 tỷ USD, bằng 84,3% kim ngạch xuất khẩu dệt may. Cụ thể, vải (2,34 tỷ USD), sợi dệt (471 triệu USD), bông (393 triệu USD).

Dệt may Việt Nam hiện đang chịu áp lực cạnh tranh mạnh mẽ của một số nước, khiến xuất khẩu vào một số thị trường sụt giảm. Tuy đạt mức tăng trưởng kim ngạch tương đối khá so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành đang có nguy cơ giảm bởi sức tiêu thụ của thị trường thế giới chưa thực sự hồi phục; doanh nghiệp ngành dệt may vẫn tập trung xuất khẩu những mặt hàng trung và thấp cấp, sự cạnh tranh quyết liệt từ các nước xuất khẩu hàng dệt may khác… đã dẫn tới tình trạng đơn giá giảm từ đầu năm tới nay.

Các doanh nghiệp dệt may phân hóa khá rõ rệt về kết quả kinh doanh. Những doanh nghiệp lớn nhất như Việt Tiến, Nhà Bè, Phong Phú, Sông Hồng, Việt Thắng có biên lợi nhuận cao hơn hẳn các doanh nghiệp còn lại nhờ có lợi thế về quy mô, công nghệ, lao động cũng như các mối quan hệ kinh doanh lâu năm. Mức trả cổ tức năm 2012 của các công ty nói trên đều khá cao (khoảng 25%) và đang cam kết giữ mức cổ tức trên trong năm 2013. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp trong ngành lại đang gặp rất nhiều khó khăn với vấn đề chi phí sản xuất tăng đáng kể do giá xăng tăng, phí vận chuyển tăng, lương nhân công tăng… Trên thực tế, một số doanh nghiệp trong ngành đã phải chấp nhận không lợi nhuận để duy trì sản xuất.

Nhật Bản chính thức trở thành thành viên thứ 12 của TPP sau vòng đàm phán thứ 18. Với sự tham gia của Nhật Bản, các nước thành viên TPP giờ đây chiếm gần 40% GDP và 1/3 giao dịch thương mại của toàn thế giới, trở thành hiệp định thương mại tự do lớn nhất từ trước đến nay. Nhật Bản gia nhập mang lại hy vọng lớn cho ngành dệt may Việt Nam do Nhật Bản là nhà nhập khẩu lớn thứ ba của dệt may Việt Nam (12%) sau Mỹ (55%) và EU (18%). Trong số các công ty dệt may đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) sẽ là một sự lựa chọn do 40% sản lượng của TCM được xuất khẩu sang Nhật và Hàn Quốc. Tổng cộng, gần 80% sản lượng của TCM đã được xuất khẩu sang các nước thành viên TPP (Mỹ và Nhật Bản) và có thể được hưởng mức thuế 0% một khi các cuộc hội đàm thành công. TCM là một trong số ít các công ty dệt may Việt Nam có chuỗi sản xuất khép kín từ sợi đến quần áo và đáp ứng nguyên tắc “Từ sợi trở đi” đầy khắt khe của TPP.

Khi tham gia vào TPP, hàng hóa Việt Nam được tiếp cận các thị trường trong khối với mức thuế quan thấp hoặc bằng 0. Hiện tại trong số các mặt hàng xuất khẩu vào Mỹ, dệt may đang có thể được hưởng lợi nhiều nhất. Do đó ngành dệt may lại có lợi thế vượt trội khi hiện tại thuế suất dệt may vào Mỹ đang ở mức từ 5% đến 25%. Mức bình quân thuế suất hiện tại đang khoảng 17%.

Mỹ yêu cầu sản phẩm dệt may xuất khẩu vào nước này, để hưởng thuế 0%, phải được sản xuất từ sợi trở đi trong khu vực TPP (sợi-dệt-nhuộm-vải-may). Trong khi Việt Nam bảo vệ quan điểm giữ nguyên nguyên tắc cắt – may đo (tức là tín xuất xứ từ vải trở đi). Hiện nay nguyên phụ liệu nhập khẩu chiếm 70-80% giá thành sản phẩm và được nhập chủ yếu từ Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc (những nước chưa tham gia đàm phán TPP). Như vậy các doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất là các doanh nghiệp có nguồn sợi tự sản xuất (hiện trên sàn niêm yết chỉ có TCM có thể đạt tiêu chí này).

Tuy nhiên, ở diễn biến mới nhất theo Hội đồng quốc gia Dệt May Mỹ (NCTO), phía Mỹ đã đưa ra danh sách 170 mặt hàng được xem là thiếu cung ở Mỹ và sẽ được cung cấp một ngoại lệ theo quy định xem xét nguồn gốc xuất sứ kể từ từ sợi trở đi. Dù các dòng sản phẩm này được coi chỉ bằng 1/10 số bên phía Việt Nam kỳ vọng nhưng cũng mở ra khả năng đàm phán mới cho cả 2 phía.

Việt Nam khó lòng hoàn thành đàm phán và gia nhập TPP trong năm 2013, nhưng diễn biến có thể từ phía Mỹ quá trình này có thể sớm được đẩy nhanh. Trong số các thành viên tham gia đàm phán Hiệp định này, Mỹ là “đối tác khó tính” nhất để Việt Nam đạt được các thỏa thuận “tốt” trong TPP, do các rào cản Mỹ dựng lên.

Chỉ có một số mặt hàng trong danh sách thiếu cung ở Mỹ mới được hưởng thuế suất bằng 0, phần nhỏ còn lại sẽ được giảm thuế, hoặc sẽ có những lộ trình nhất định phụ thuộc vào khả năng đàm phán của Việt Nam. Mỹ cũng là đối tác nhập khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam, và tiềm năng tăng trưởng ở thị trường Mỹ còn rất lớn. Nhưng dù sao đây cũng là thông tích cực và cú hích quan trọng với ngành dệt may Việt Nam phát triển, và là cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may đổi mới mình và tận dụng những cơ hội do hiệp định mang lại.

Hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) đã qua phiên đàm phán thứ ba của giữa Việt Nam và EU đã diễn ra cuối tháng 4/2013. Dự kiến hai phía sẽ kết thúc các vòng đàm phán FTA để đi đến ký kết vào năm 2014. Khi đó, Việt Nam và EU sẽ chuyển từ quan hệ hỗ trợ, phụ thuộc sang quan hệ đối tác bình đẳng. Khả năng tiếp cận thị trường EU của doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tăng mạnh do 90% dòng thuế của các mặt hàng xuất khẩu vào thị trường này sẽ được giảm xuống 0%. Ngoài ra, các nhà xuất khẩu Việt Nam có thêm cơ hội được EU hỗ trợ công nghệ, đào tạo về kỹ thuật, thúc đẩy chuyển giao kỹ thuật. Nhưng thị trường EU không lớn như Mỹ, do vậy thông tin về FTA cũng không có ảnh hưởng và được kỳ vọng nhiều như TPP.

Triển vọng năm 2013, ngành dệt may có khả năng đạt kim ngạch xuất khẩu 18,5- 19 tỷ USD (tăng trưởng 21% so với 2012). Dự kiến quy mô các thị trường chính đều có tăng trưởng khá nhất là Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và EU. TPP dù không được ký trong năm 2013, thì vẫn sẽ là cú hích quan trọng đối với toàn bộ ngành dệt may Việt Nam.

 Trên cơ sở đánh giá tiềm năng chung của ngành dệt may, các thông tin về khả năng đàm phán ra nhập TPP và tình hình tài chính, kinh doanh của các mã trong ngành trên sàn niêm yết, nhà đầu tư có thể bắt đầu lựa chọn các mã dệt may thỏa mãn các tiêu chí về sức khỏe tài chính và tiềm năng xuất khẩu cho mục tiêu trung hạn. Sự lựa chọn trong số các doanh nghiệp niêm yết không nhiều, TCM và TNG có thông tin cơ bản cũng như mức thanh khoản khả quan nhất và là doanh nghiệp có khả năng được hưởng lợi nhiều nhất từ kỳ vọng ra nhập TPP./.