Cổ phiếu họ dầu: Dừng ngắn hạn, nhìn về dài hạn

Theo Nhất Thanh/thoibaonganhang.vn

Dù thị trường sẽ còn phải chờ đợi thêm những phát biểu và quan điểm mới của Tổng thống Donald Trump để xác định xu hướng giá dầu và những yếu tố này sẽ làm giảm nhẹ lợi nhuận của các doanh nghiệp (DN) trong ngành trong năm 2019, song các DN đang hướng tới nâng cao công suất, tiết giảm chi phí để gia tăng hiệu quả hoạt động.

Những diễn biến thực tế trong quý I vừa qua cho thấy một bức tranh ngành dầu có thể còn sáng hơn nhiều trong năm 2019. Nguồn: Internet
Những diễn biến thực tế trong quý I vừa qua cho thấy một bức tranh ngành dầu có thể còn sáng hơn nhiều trong năm 2019. Nguồn: Internet

Cùng với việc giá dầu ổn định ở mức cao, bức tranh ngành dầu đã sáng hơn trong nửa cuối năm 2018 và những diễn biến thực tế trong quý I vừa qua cho thấy một bức tranh ngành dầu có thể còn sáng hơn nhiều trong năm 2019.

Như với Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS), giá dầu Brent rất thuận lợi (trung bình đạt 72 USD/thùng, +31% so với năm 2017) dẫn đến mặc dù sản lượng khí xuất bán chỉ đạt 9,7 tỷ m3, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2017 (YoY), song các chỉ tiêu tài chính hoàn thành vượt mức kế hoạch từ 38-85% (tổng doanh thu 77.127 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 14.540 tỷ đồng), tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu đạt 25%.

Với Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD), việc điều chỉnh lại thời gian khấu hao của các giàn khoan cùng việc tăng công suất giàn đã giúp PVD ghi nhận 5.500 tỷ đồng doanh thu (+41% YoY) và 163 tỷ đồng lợi nhuận ròng (gấp 4,5 lần so với lợi nhuận ròng của năm 2017).

Kết quả kinh doanh năm 2018 chưa kiểm toán của CTCP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS) cũng cho thấy doanh thu đạt 14.667 tỷ đồng tuy giảm 12,8% song lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1.023 tỷ đồng, tăng trưởng 27,8%. Doanh thu sát với dự báo của HSC trong khi lợi nhuận sau thuế cao hơn 39,0% so với ước tính của HSC trước đó.

Những diễn biến thực tế trong quý I vừa qua cho thấy một bức tranh ngành dầu năm 2019 sáng hơn nhiều so với thực tế. Mới đây Ngân hàng Đầu tư Goldman Sachs đã nâng mức giá dầu dự báo bình quân trong năm 2019. Theo đó giá dầu Brent Biển Bắc sẽ ở mức trung bình 66 USD/thùng trong năm 2019, so với ước tính trước đó là 62,50 USD/thùng. Còn giá dầu thô Mỹ ước tăng từ 55,50 USD/thùng dự báo trước đó lên 59,50 USD/thùng. Theo đánh giá của Goldman Sachs, thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ vẫn thiếu hụt nguồn cung khoảng 0,5 triệu thùng/ngày trong quý II/2019, do đó giá dầu Brent dự kiến sẽ ở mức trung bình 72,50 USD/thùng trong quý này, tăng so với mức dự báo 65 USD/thùng được đưa ra trước đó.

Tuy nhiên, giá dầu dự kiến sẽ giảm dần từ mùa hè này do sản lượng khai thác của OPEC cũng như sản lượng dầu khí đá phiến của Mỹ gia tăng sau khi thỏa thuận cắt giảm nguồn cung tổng cộng 1,2 triệu thùng/ngày hết hạn vào cuối tháng 6 tới. Dù thị trường sẽ còn phải chờ đợi thêm những phát biểu và quan điểm mới của Tổng thống Donald Trump để xác định xu hướng giá dầu và những yếu tố này sẽ làm giảm nhẹ lợi nhuận của các DN trong ngành trong năm 2019, song các DN đang hướng tới nâng cao công suất, tiết giảm chi phí để gia tăng hiệu quả hoạt động. Như GAS, năm 2019 đưa ra kế hoạch doanh thu 63.908 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 9.546 tỷ đồng với dự kiến cổ tức 30% cùng với việc  hoàn thiện chiến lược kinh doanh LPG với mục tiêu gia tăng thị phần nội địa, duy trì vai trò vị trí bán buôn LPG số 1 Việt Nam.

Với PVS, Dự án Sao Vàng - Đại Nguyệt (dự án khí tại Lô 05-1b&c - bể Nam Côn Sơn) là điểm sáng giúp DN đảm bảo khối lượng công việc và lợi nhuận năm 2019, lợi nhuận từ dự án này sẽ đóng góp 41% tổng lợi nhuận gộp. PTSC - CGGV dự kiến sẽ giải thể vào đầu năm 2019 chấm dứt lỗ (trước đó là 200-300 tỷ đồng/năm từ công ty này) sẽ trực tiếp cải thiện lợi nhuận gộp của PVS. Kết quả kinh doanh PVS quý I/2019 khả quan với doanh thu hợp nhất ước đạt 3.800 tỷ đồng, đạt 146% so với kế hoạch quý I/2019; Lợi nhuận hợp nhất trước thuế thực hiện quý I ước đạt 350 tỷ đồng, đạt 250% kế hoạch quý, bằng 50% kế hoạch năm, tăng 18% so với thực hiện cùng kỳ năm 2018.

Với PVD, năm 2019, KIS đánh giá cao sự cải thiện về khối lượng công việc và giá thuê giàn của PVD. Hiện tại, tất cả các giàn khoan tự nâng của PVD đều đã có việc làm ổn định trong nửa đầu năm 2019. CTCK KIS tin rằng “PVD II và PVD VI có thể tiếp tục có công việc ổn định trong nửa cuối 2019, nâng hiệu suất cho thuê của đội giàn khoan tự nâng lên 94% (so với 86% của năm 2018)”. Cùng với đó, theo Ban giám đốc của PVD, giá cho thuê giàn tự nâng gần đây đã tăng nhẹ 4,5% lên trung bình 57.000-58.000 USD (+n/n), trực tiếp cải thiện doanh thu và lợi nhuận của mảng khoan. Hiệu suất cho thuê giàn tự nâng cao hơn và chi phí khấu hao giảm sẽ giúp PVD thoát khỏi lỗ từ hoạt động kinh doanh từ năm 2019. Trong những năm tới, khi hoạt động thăm dò và khai thác trong nước bắt đầu ấm lên trở lại, khối lượng công việc tiềm năng từ dự án Biển Đông POC và Cá Rồng Đỏ có thể giúp PVD hồi phục.

Xa hơn, các siêu dự án sẽ dẫn dắt ngành vào 2020 - 2022. Mỏ khí Lô B, đường ống Nam Côn Sơn 2 - Giai đoạn 2 và mỏ khí Cá Voi Xanh với tổng giá trị hợp đồng 20 tỷ USD sẽ được đấu thầu và khởi công, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động ngoài khơi năm 2020-2022, tạo khối lượng công việc khổng lồ cho PVS, PVB, PXS, GAS…