Cổ phiếu ngân hàng sắp bước vào chu kỳ tăng trưởng mới?

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Trong bối cảnh thị trường hiện nay, một số cổ phiếu ngân hàng có khả năng tìm về vùng giá đầu năm 2017. Khi thiết lập lại vùng đáy cũ, sẽ hình thành mặt bằng giá mới và cổ phiếu nhóm ngành này có thể bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới.

 Cổ phiếu ngân hàng vẫn còn nhiều tiềm năng nhưng nhà đầu tư cần xem xét kỹ dòng tiền. Nguồn: Internet
Cổ phiếu ngân hàng vẫn còn nhiều tiềm năng nhưng nhà đầu tư cần xem xét kỹ dòng tiền. Nguồn: Internet

Trên góc độ kỹ thuật, SHS nhận xét, phần lớn các cổ phiếu ngân hàng đều đã giảm về gần các vùng hỗ trợ tương ứng với vùng tích lũy trong các năm trước, nên rủi ro giảm sâu của nhóm này hiện không cao.

Việc nhiều cổ phiếu ngân hàng giảm giá mạnh trong thời gian qua làm cho mặt bằng định giá trở nên hợp lý, đây là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy dần cổ phiếu trong trung và dài hạn.

Mức giá hấp dẫn

Theo đánh giá của các chuyên gia chứng khoán, sau đợt điều chỉnh dài, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang trở về vùng giá hấp dẫn. Hơn nữa, cho tới thời điểm này, các ngân hàng vẫn chưa vào mùa công bố báo cáo bán niên.

Tuy nhiên, số liệu ban đầu cho thấy hàng loạt ngân hàng vẫn có kết quả kinh doanh ấn tượng trong nửa đầu năm, thậm chí tốt hơn năm kỷ lục 2017. Có ngân hàng gần đạt kế hoạch của cả năm 2018.

Trên thị trường chứng khoán, tính đến phiên giao dịch ngày 17/7, dù đã có sự hồi phục, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn giảm đáng kể so với thời điểm cách đây ba tháng.

Đầu tiên phải kể đến cổ phiếu của “ông lớn” ngành ngân hàng là Vietcombank (mã: VCB), cổ phiếu VCB hiện đang giao dịch tại vùng giá 55.800 đồng/cp, tương đương mức giảm 25,6% so với thời điểm cách đây ba tháng là 75.000 đồng/cp.

Đáng chú ý, chỉ cách đây vài phiên giao dịch, VCB đã có lúc giảm xuống sát mốc 50.000 đồng/cp, tương đương mức giảm đạt hơn 33%.

So với đỉnh của phiên giao dịch ngày 10/4, cổ phiếu BID của BIDV đã giảm mạnh từ 41.000 đồng/cp xuống còn 24.000 đồng/cp; VPB giảm từ 70.000 đồng/cp xuống chỉ còn giao dịch quanh mốc giá 26.000 đồng/cp (giá đã điều chỉnh sau phát hành cổ phiếu thưởng).

Sau bốn phiên hồi phục liên tiếp từ phiên 12/7, hiện cổ phiếu CTG của Vietinbank đang giao dịch tại mức 24.000 đồng/cp, vẫn giảm 36,3% so với mức đỉnh 37.700 đồng/cp (phiên giao dịch ngày 9/4).

Tương tự, tính từ mức đỉnh cách đây ba tháng, các cổ phiếu ngân hàng khác như cổ phiếu MBB của Ngân hàng Quân Đội cũng giảm từ 31.000 đồng/cp xuống còn 22.350 đồng/cp, thậm chí đã có lúc cổ phiếu này xuống còn 20.200 đồng/cp.

SHB giảm từ 13.500 đồng/cp xuống còn 7.800 đồng/cp; TCB của Techcombank cũng giảm từ mức giá chào sàn 128.000 đồng/cp xuống còn 26.200 đồng/cp (giá đã điều chỉnh sau phát hành cổ phiếu)…

Trên sàn UPCoM, cổ phiếu PPB của LienVietPost Bank cũng giảm từ 18.000 đồng/cp, xuống còn 10.500 đồng/ cp, tương đương mức giảm gần 44%; BAB của BacABank cũng giảm từ 22.900 đồng/cp xuống 20.500 đồng/cp…

Theo CTCK Rồng Việt, chỉ số P/B (giá cổ phiếu/ giá trị sổ sách) bình quân của các ngân hàng hiện đạt 1,77x so với mức đỉnh 2,8x thời điểm đầu năm. Ngoại trừ VCB với mức P/B vẫn tương đương trung bình ba năm, P/B của các ngân hàng khác như ACB, BID, CTG và MBB đã thấp hơn đáng kể so với P/B bình quân ba năm.

Bên cạnh đó, tỷ lệ vốn hóa so với thu nhập hoạt động trước dự phòng của nhiều ngân hàng đã giảm đáng kể so với tỷ lệ bình quân ba năm. Điều này cho thấy hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều được giao dịch tại mức giá hấp dẫn.

Khó lường yếu tố tác động

Theo thống kê mới đây của ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2018 giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, thể hiện quan điểm thận trọng của ngân hàng Nhà nước về hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của các ngân hàng, bởi yếu tố này đã nằm trong giả định trước đó.

Trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng cùng với các bluechip đầu ngành đã trở thành “trụ cột”, dẫn dắt thị trường tăng trưởng mạnh và cũng “lao dốc” mạnh trong suốt nhiều tháng qua.

Trong một chia sẻ mới đây, ông Vũ Đức Tiến, Tổng Giám đốc CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS), cho biết nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán thường có phản ứng nhạy hơn với diễn biến của thị trường.

Minh chứng rõ ràng nhất là cổ phiếu BID, STB đã “lao dốc” nhiều tuần khi thông tin việc xét xử đại án Ngân hàng Xây dựng giai đoạn 2 được ấn định vào ngày 24/7, cùng với những “lùm xùm” liên quan đến dàn lãnh đạo cũ của BIDV.

Sự bán ròng kiên trì của khối ngoại cũng là một trong những nguyên nhân khiến hai cổ phiếu này lao dốc. Không có thông tin tiêu cực, nhưng các cổ phiếu ngân hàng khác như CTG, VPB, SHB… cũng không tránh khỏi vòng xoáy này.

Việc xét xử lại vụ án Ngân hàng Xây dựng giai đoạn hai sẽ còn nhiều tình tiết bất ngờ, có thể ảnh hưởng đến cổ phiếu nhóm ngàng ngân hàng. Sự ảnh hưởng này có thể kéo dài tới cuối tháng 7 đầu tháng 8/2018.

Hơn nữa, lợi nhuận của các ngân hàng luôn tăng trưởng tốt nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy triển vọng của các tổ chức tín dụng sẽ gặp nhiều thách thức, do các yếu tố vĩ mô biến động nhanh.

Điển hình như những diễn biến kém tích cực của chứng khoán thế giới cùng với những lo ngại về thương mại Mỹ – Trung đã châm ngòi cho đà giảm của cổ phiếu ngân hàng nói riêng và thị trường Việt Nam.

Nền tảng kinh tế Việt Nam trong năm 2018 được dự báo là vẫn ổn, nhưng năm sau chưa biết thế nào, mà thị trường chứng khoán thường đi trước nền kinh tế từ 6 tháng đến 1 năm, nên sự thận trọng của thị trường chứng khoán là không thừa.

Theo nhận định của một chuyên gia chứng khoán, cơ hội đầu tư đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng là vẫn có, nhà đầu tư có thể đưa vào danh mục quan tâm theo dõi cho mục tiêu dài hạn.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cần phải thận trọng xem xét dòng tiền trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là phân tích các yếu tố cơ bản của cổ phiếu, triển vọng lợi nhuận của ngân hàng muốn đầu tư.