Cổ phiếu thép lao dốc, nhà đầu tư có nên cắt lỗ?

Theo Khánh An/nhadautu.vn

Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh, nhóm cổ phiếu thép đang khiến nhiều nhà đầu tư lỗ nặng, dù viễn cảnh ngành vẫn khá tích cực.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thị trường chứng khoán từ nửa cuối tháng 10 đến nay đã đưa nhà đầu tư đi qua nhiều cung bậc cảm xúc, với chỉ số chính liên tục lập đỉnh, cùng các phiên có thanh khoản tăng vọt. Trong phiên 8/11, VN-Index đã leo lên mốc 1.467,57 điểm, mức cao nhất trong lịch sử 21 năm qua.

Cùng với sự tăng trưởng của thị trường, nhiều nhóm ngành cũng ghi nhận sự bứt phá mạnh, đặc biệt là bất động sản, khu công nghiệp, xây dựng, vật liệu xây dựng...

Ở chiều ngược lại, vẫn có những nhóm ngành lại đang khiến nhà đầu tư ngày càng “xa bờ”, đặc biệt là nhóm cổ phiếu thép.

Cụ thể, trong phiên 11/11, toàn bộ cổ phiếu trong nhóm thép đều chìm trong sắc đỏ. Dẫn đầu chiều giảm là VGS lao dốc 4,9%, kế đó là NKG giảm 3,4%, HPG giảm 2,4%, HSG giảm 2,2%...

 Cổ phiếu thép lao dốc, nhà đầu tư có nên cắt lỗ?  - Ảnh 1

Nhìn xa hơn, trong 1 tháng trở lại đây nhiều cổ phiếu nhóm này đã hạ nhiệt mạnh, điển hình như "đầu tàu” HPG giảm 6% giá trị từ mức 57.200 đồng/CP (phiên 11/10) xuống 54.000 đồng/CP (phiên 11/11), HSG cũng giảm đến 9% xuống vùng giá 43.500 đồng/CP, POM mất 10% giá trị và nổi bật hơn cả là DNS khi giảm từ mức 25.300 đồng/CP xuống còn 15.000 đồng/CP phiên ngày 11/11.

Phân tích về diễn biến trên với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Anh Khoa - Trưởng Phòng Phân tích & Tư vấn Đầu tư CTCP Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho biết, giai đoạn gần đây, giá thép trên thị trường quốc tế đang sụt giảm khá mạnh, như giá của một hợp đồng tương lai thép cán nóng đã giảm gần 20% so cùng thời điểm giữa tháng 10.

Để giải thích hiện tượng này, theo ông Khoa có một số lý do như nhu cầu thép của ngành công nghiệp ô tô giảm do hiện tượng thiếu hụt chip bán dẫn toàn cầu và tình trạng dư cung quặng sắt đang khiến giá nguyên liệu đầu vào có xu hướng hạ nhiệt.  

Về phần các doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Anh Khoa đánh giá tác động tiêu cực sẽ xảy đến với các doanh nghiệp đã tích trữ hàng tồn kho giá cao trong giai đoạn trước. Do giá bán có thể sẽ phải điều chỉnh theo xu hướng giảm của giá đầu vào, triển vọng lợi nhuận của các cổ phiếu hoạt động thuần trong lĩnh vực kinh doanh thương mại sẽ không mấy khả quan trong ngắn hạn.

“Nhà đầu tư có thể cân nhắc hạ bớt tỷ trọng nắm giữ đối với những cổ phiếu thuộc nhóm kể trên. Tuy nhiên, đối với những mã đầu ngành như HPG, HSG thì có thể tiếp tục vị thế nắm giữ do kỳ vọng tăng trưởng trong dài hạn vẫn tích cực, đặc biệt khi các nền kinh tế lớn trên thế giới dần hồi phục sau đại dịch COVID – 19”, ông Nguyễn Anh Khoa khuyến nghị.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Yuanta phân tích thêm rằng, những phiên gần đây dòng tiền đang bị cuốn vào các nhóm ngành đầu cơ khác, dẫn đến việc nhóm vốn hóa lớn bị giảm điểm. Đối với cổ phiếu ngành thép, ông Minh lưu ý rằng cổ phiếu này dù đã đi qua giai đoạn tăng trưởng nóng nhưng tiềm năng phát triển vẫn còn.

Một là chiến lược đẩy mạnh đầu tư công sẽ tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp ngành thép, đặc biệt là những doanh nghiệp có thị phần lớn như Hòa Phát. Hai là sự phát triển của thị trường bất động sản cuối năm.

“Những nhà đầu tư có giá vốn thấp và có chiến lược mua nắm giữ ở vị thế trung và dài hạn thì có thể tiếp tục nắm giữ, còn đối với những nhà đầu tư ngắn hạn thì tạm thời nên cân nhắc hạ bớt tỷ trọng hoặc cutloss tại giai đoạn này và chờ những nhịp điều chỉnh sâu hơn. Tôi cho rằng trong tháng 12, nhóm cổ phiếu ngành thép sẽ xác lập được mặt bằng giá và hồi phục lại”, ông Nguyễn Thế Minh cho hay.

Ở một báo cáo mới đây, theo SSI, việc đẩy mạnh đầu tư công có thể bù đắp một phần sự chững lại của kênh xây dựng dân dụng. Do đó, công ty này cho rằng vẫn còn cơ hội đối với cổ phiếu ngành thép trong ngắn hạn khi xét đến mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên cẩn trọng với sự biến động cao của giá cổ phiếu do giá thép biến động và tỷ suất lợi nhuận của các công ty trở về mức bình thường.

Cùng quan điểm, VCBS cũng cho rằng có nhiều yếu tố tác động tích cực đến ngành thép như Trung Quốc giảm dần sản lượng xuất khẩu, gây ra thiếu hụt cho các đối tác thường xuyên nhập khẩu thép và mở ra cơ hội cho các quốc gia xung quang thâm nhập vào thị trường này.

Bên cạnh đó, biện pháp tự vệ quota tại Châu Âu khiến cho các quốc gia đang xuất khẩu lớn vào Châu Âu trong thời gian ngắn khó tăng thêm sản lượng xuất vào thị trường này khi nhu cầu tăng đột biến. Do đó, tạo cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.