Thoát hiểm bằng “Cửa” tư vấn

Những tháng cuối năm 2012, đa số công ty chứng khoán (CTCK) trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã không còn coi mảng môi giới và tự doanh là những “mũi nhọn” cần tập trung mở mang. Đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, tập trung vào mảng dịch vụ tài chính có tính chuyên nghiệp là ưu tiên hàng đầu. Thậm chí, một số CTCK đã rút bớt nghiệp vụ môi giới, đóng cửa mảng tự doanh, dồn nhân lực, vật lực phát triển mảng tư vấn tài chính.

Một trong những lĩnh vực tư vấn “hot” hiện nay là tư vấn mua bán và sáp nhâp (M&A). Môi trường kinh doanh khó khăn là cơ hội “bùng nổ” hoạt động M&A và các CTCK có nhiều hơn đất diễn. Sau thành công của CTCK Sài Gòn (SSI) với hoạt động tư vấn mấy năm trước, gần đây trên thị trường nổi lên hình ảnh CTCK Bảo Việt (BVSC) như một nhà tư vấn M&A hàng đầu. Sau thương vụ “đình đám”, tư vấn cho Vinpearl sáp nhập vào Vincom, hình thành pháp nhân mới có vốn điều lệ trên 5.493 tỷ đồng, uy tín của BVSC đã tăng lên hẳn. Tương tự BVSC, CTCK Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) cũng tăng doanh thu, lợi nhuận nhờ hoạt động M&A. Trong thời gian qua, VCBS đã hoàn tất nhiều thương vụ M&A, trong đó có các dự án nổi bật như tư vấn sáp nhập Ngân hàng Liên doanh Shinhan Vina vào Ngân hàng 100% vốn nước ngoài Shinhan Việt Nam, tư vấn, hỗ trợ giao dịch sáp nhập giữa Thép Việt Ý và Công ty Luyện thép Sông Đà. Mới nhất, tháng 6/2012, VCBS vừa hoàn tất tư vấn sáp nhập Habubank vào vào Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc VNDirect (VNDS) thì trong hoạt động M&A, vai trò của các đơn vị tư vấn đang nổi lên đóng vị trí then chốt cho thành công của thương vụ. Với cái nhìn độc lập, khách quan, các bước đi bài bản, hợp lý, nhiều CTCK đã là cầu nối giúp hai bên ngồi lại gần nhau hơn. Trong thực tế, khi những thương vụ M&A không có sự tham gia của bên thứ 3 với vai trò tư vấn độc lập thường diễn ra không suôn sẻ và chi phí lớn hơn cho cả hai bên. Vị CEO mới 26 tuổi - trẻ nhất làng chứng khoán này cho biết, nhờ có hoạt động tư vấn mà nhiều CTCK trong đó có VNDS tìm thấy lối đi cho mình trong bối cảnh thị trường còn khó khăn. Trong thời gian qua, VNDS đã tư vấn thành công việc sáp nhập một số công ty trong Tập đoàn IPA nhằm cơ cấu lại tổ chức, hay tư vấn cho Traphaco chào mua công khai cổ phần của một đối tác nhằm nâng tỷ lệ sở hữu lên 51%.

Ông Nguyễn Thế Minh, Tổng giám đốc CTCK Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội khẳng định, hoạt động tư vấn tái cấu trúc DN đang rất nhiều dư địa cho CTCK hiện nay, tuy nhiên, ngay cả việc này cũng phong phú, đa dạng. Các CTCK dồi dào tiềm lực tài chính, vừa tư vấn tái cơ cấu DN, vừa có thể tham gia vào hoạt động quản trị trực tiếp, thậm chí góp vốn như một khoản đầu tư lâu dài và chờ đợi DN hoạt động tốt lên, đưa DN niêm yết lên sàn, bán cổ phần và thu lại vốn cũng như tìm kiếm lợi nhuận. Giới chuyên môn gọi đây là nghiệp vụ ngân hàng đầu tư và mảng nghiệp vụ này không chỉ có doanh thu ổn định, ít chứa đựng rủi ro, được các “đại gia” trong làng chứng khoán như SSI và CTCK TP.Hồ Chí Minh tập trung theo đuổi. Với các CTCK không có tiềm lực lớn, có thể lựa chọn chiến lược “mèo nhỏ, bắt chuột con”, chọn những DN vừa tầm, lấy phí tư vấn nuôi nhân sự chờ thị trường phục hồi.

Cạnh tranh trên “Thị trường mở”

Tìm “cửa” hồi sinh bằng hoạt động tư vấn, đồng nghĩa các CTCK phải chứng kiến cuộc cạnh tranh quyết liệt hơn, đa dạng hơn vì đây cũng là thị trường hoạt động của nhiều tổ chức trung gian tài chính.

Ông Ngô Quang Trung, Giám đốc CTCK VCBS khẳng định, thị trường tư vấn hiện nay nhiều cơ hội cho hoạt động này phát triển nhưng chất lượng nguồn nhân lực, các mối quan hệ cũng như tiềm lực tài chính sẽ đóng vai trò then chốt. Việc thắng - thua phụ thuộc vào chính nội lực của mỗi CTCK bởi thị trường còn rất lớn đủ để cho các CTCK có năng lực khẳng định vị thế của mình, nhưng tính đào thải cũng sẽ rất cao. VCBS sẽ tiếp tục phát triển hoạt động tư vấn DN xoay quanh hai trụ chính là bảo lãnh phát hành và tư vấn M&A - những nghiệp vụ cốt lõi của một ngân hàng đầu tư. Đối với hoạt động M&A, VCBS đang nghiên cứu để phối hợp với ngân hàng mẹ xem xét cung cấp vốn, tài trợ cho các dự án M&A có tiềm năng.

Đối với lĩnh vực tư vấn, áp lực cạnh tranh sẽ rất khó khăn đối với các CTCK nhỏ bởi những công ty này thường thiếu nhân sự giỏi. Việc đóng vai trò hỗ trợ DN, giúp DN ổn định và hoàn thiện lại về cơ cấu tổ chức bộ máy, xây dựng bài toán tài chính mất cân đối và hoạch định lại chiến lược phát triển không dễ với những CTCK yếu kém đang không tự làm được điều này. Bởi vậy, thương hiệu tư vấn là rất quan trọng. Bên cạnh đó, giá phí dịch vụ tư vấn cũng là một yếu tố giúp tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Minh, Tổng giám đốc CTCK Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội thì việc quá kỳ vọng vào doanh thu từ hoạt động tư vấn có thể khiến các CTCK bị động về tài chính vì một thương vụ có thể kéo dài nhiều tháng.

Dù vậy, việc phát triển hoạt động tư vấn tài chính và cao hơn là theo đuổi chiến lược tư vấn - quản trị - ngân hàng đầu tư, cũng đang giúp không ít CTCK “hồi sinh” trong bối cảnh những mảng hoạt động “lõi” bế tắc. Đây cũng là con đường tái cấu trúc tự thân của mỗi CTCK nhằm tìm chỗ đứng cho mình.

Bài đăng trên Tài chính Đầu tư 10-2012

Công ty chứng khoán: Tìm “cửa” hồi sinh

Hà Anh

(Tài chính) Trước viễn cảnh khó khăn kéo dài của thị trường chứng khoán, nhiều công ty chứng khoán đang đẩy mạnh phát triển những mảng hoạt động khác ngoài nghiệp vụ “lõi”. Những lĩnh vực như tư vấn tài chính, tư vấn tái cơ cấu doanh nghiệp, tư vấn quản trị trở thành “cánh cửa” giúp không ít công ty chứng khoán vượt khó lúc này…

Xem thêm

Video nổi bật