Cuộc đào thải những cổ phiếu kém chất lượng

Theo Khắc Lâm/Đặc san Toàn cảnh doanh nghiệp niêm yết 2018/tinnhanhchungkhoan.vn

Song song với việc kêu gọi, thúc đẩy doanh nghiệp lên sàn, việc đào thải cổ phiếu những doanh nghiệp thua lỗ kéo dài, kém minh bạch đã và đang diễn ra mạnh mẽ. Đây là sự sàng lọc cần thiết để nâng cao chất lượng hàng hóa trên sàn chứng khoán, làm nền tảng cho thị trường phát triển bền vững.

Thống kê sơ bộ cho thấy, trên hai sở giao dịch chứng khoán trong 10 tháng đầu năm 2018, có tổng cộng 14 doanh nghiệp bị hủy niêm yết bắt buộc. Nguồn: Internet
Thống kê sơ bộ cho thấy, trên hai sở giao dịch chứng khoán trong 10 tháng đầu năm 2018, có tổng cộng 14 doanh nghiệp bị hủy niêm yết bắt buộc. Nguồn: Internet

10 tháng, 14 doanh nghiệp bị buộc rời sàn

Thống kê sơ bộ cho thấy, trên hai sở giao dịch chứng khoán trong 10 tháng đầu năm 2018, có tổng cộng 14 doanh nghiệp bị hủy niêm yết bắt buộc. Nguyên nhân của việc các doanh nghiệp này bị hủy niêm yết bắt buộc khá đa dạng, nhưng đều xuất phát từ vấn đề cốt lõi là doanh nghiệp hoạt động yếu kém và kém minh bạch. Từ việc thua lỗ 3 năm liên tiếp, lỗ vượt vốn điều lệ cho tới vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, hay bị tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến với báo cáo kiểm toán...

Cổ phiếu TH1 của Công ty Cổ phần (CTCP) Xuất nhập khẩu tổng hợp I Việt Nam là mã chứng khoán đầu tiên bị hủy niêm yết trong năm 2018 với lý do kép là kết quả sản xuất - kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tiếp (2015, 2016 và 2017) và lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp khi tính đến ngày 31/12/2017, vốn chủ sở hữu của TH1 đã âm 92,9 tỷ đồng.

Sau khi thua lỗ lớn và bị hủy niêm yết, TH1 đã đưa ra phương án tái cơ cấu tài chính, tinh giản bộ máy, tập trung vào hoạt động xuất nhập khẩu với kỳ vọng trong năm 2018 có thể đạt 368,8 tỷ đồng tổng doanh thu; Lợi nhuận sau thuế có lãi trở lại ở mức 11,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết thúc nửa đầu năm nay, TH1 vẫn chưa cho thấy sự lạc quan khi doanh thu tiếp tục giảm thêm 60% so với cùng kỳ 2017, lợi nhuận trước thuế lỗ thêm 15 tỷ đồng.

Trên báo cáo tài chính bán niên 2018 của TH1, đơn vị soát xét là Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC nhấn mạnh: “Tại ngày 30/06/2018, TH1 có khoản lỗ lũy kế 291,9 tỷ đồng, toàn bộ các khoản vay ngân hàng đã quá hạn thanh toán, các khoản nợ không có khả năng thu hồi tăng lên” và TH1 bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục. Với tình trạng hiện nay, khoản đầu tư của các cổ đông vào TH1 có thể xem như mất trắng.

Kinh doanh thua lỗ cũng là nguyên nhân khiến CTCP Sông Đà 7 (SD7) - đơn vị từng là thành viên của Tập đoàn Sông Đà, từng tham gia thi công những công trình thủy điện lớn của đất nước như thủy điện Thác Bà, Sơn La, Lai Châu… phải hủy niêm yết.

Sau khi thua lỗ 13 tỷ đồng trong năm 2015, 211 tỷ đồng trong năm 2016, tại báo cáo tài chính 2017 tự lập, SD7 đã báo lãi sau thuế gần 37 triệu đồng và mở ra hy vọng phục hồi cũng như trụ lại sàn. Tuy nhiên, báo cáo tài chính được kiểm toán bởi Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC công bố sau đó đã dập tắt hy vọng này khi các chi phí điều chỉnh tăng, đẩy lợi nhuận sau thuế từ lãi thành lỗ 17,6 tỷ đồng. Tổng lỗ 3 năm liên tiếp của SD7 gấp gần 2,5 lần vốn điều lệ.