Cuối năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đạt gần 1.900 điểm?

Tuấn Phùng (Tổng hợp)

Năm 2022 được đánh giá tiếp tục là một năm khó khăn, phức tạp của nền kinh tế thế giới và Việt Nam, do vậy, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có khả năng đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp, tăng giảm mạnh đan xen. Tuy nhiên, vẫn có nhiều dự báo tích cực về triển vọng thị trường trong thời gian tới được các chuyên gia đưa ra Toạ đàm "Nhận diện cơ hội TTCK năm 2022" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng 15/3 tại Hà Nội.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Vẫn nhiều thách thức phía trước

Năm 2022, TTCK Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức từ bên ngoài khi tình hình kinh tế - chính trị thế giới trong năm 2022 được dự báo tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Trước khả năng dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của các biến chủng mới, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng kéo dài và khả năng Chính phủ các nước cắt giảm các biện pháp kích thích kinh tế trước áp lực lạm phát, kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2022 ở mức 4,4% so với 5,9% của năm 2022. Tăng trưởng thương mại thế giới do vậy cũng được dự báo giảm so với năm 2021 (6% so với 9,3%). Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.

ông Phạm Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Tập đoàn Bamboo Capital cho rằng, căng thẳng chiến sự leo thang giữa Nga – Ukraine có thể coi là “thiên nga đen” thứ 2, sau COVID-19 hồi đầu năm 2020 và ảnh hưởng đến của các nền kinh tế. Tác động rõ ràng nhất là giá dầu liên tục tăng và đang ở vùng đỉnh cao nhất mọi thời đại, từ đó, lạm phát nguy cơ gia tăng, dẫn đến lãi suất cũng tăng.

Chia sẻ điều này, theo bà Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển TTCK (Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước), cạnh tranh chiến lược giữa các nước, đặc biệt là tình hình căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine đang ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế thế giới. Giá cả lương thực, năng lượng, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt tăng cao trước bối cảnh nguồn cung bị ảnh hưởng do xung đột chính trị đang làm gia tăng áp lực lạm phát lên các nền kinh tế. Lạm phát của khu vực đồng tiền chung châu Âu đã tăng lên mức kỷ lục 5,8% trong tháng 2/2022, trong khi đó lạm phát tại Mỹ cũng tăng lên mức cao nhất trong vòng 40 năm qua.

Trước tình hình đó, nhiều ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới đã bắt đầu tiến hành các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khoá thông qua việc giảm dần các gói kích thích kinh tế và nâng lãi suất. Động thái này có thể sẽ tạo ra làn sóng thắt chặt chính sách trên thế giới trong bối cảnh nền kinh tế đang dần phục hồi cùng với áp lực lạm phát tăng cao. Mặt bằng lãi suất tăng có thể sẽ là lực cản chính đối với TTCK đang được đánh giá hấp dẫn trong môi trường lãi suất thấp.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng lãi suất tại các thị trường lớn như Mỹ, Anh có thể sẽ khiến dòng vốn dịch chuyển từ các thị trường mới nổi trở lại các thị trường phát triển. Ngoài ra, bất ổn kinh tế - chính trị trên thế giới cũng ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường, có thể dẫn đến các phiên điều chỉnh trên TTCK.

VN-Index đạt mức 1.898 điểm?

Theo ông Lê Đức Khánh - Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCP Chứng khoán VPS, TTCK Việt Nam đang trong pha điều chỉnh lớn quý I/2022. VN-Index hiện đang ở pha điều chỉnh vùng 1.500 - 1.520 điểm đã kéo dài 2-3 tháng, và có thể kéo dài 6 tháng. Áp lực điều chỉnh chứng khoán trên thế giới và Việt Nam có sự đồng pha nên trong ngắn hạn, VN-Index đối mặt kháng cự 1.400-1.410 điểm. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng xu hướng tăng điểm trở lại có thể quay lại từ quý II. Theo đó, VN-Index vẫn còn cơ hội quay trở lại điểm cao 1.600-1.655 điểm trong năm 2022.

Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá, TTCK Việt Nam có thể sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022 nhờ vào các yếu tố như: Nền tảng cơ bản vững chắc của thị trường (tăng trưởng lợi nhuận), Điều kiện thanh khoản dồi dào (lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp), và Tâm lý tích cực của các nhà đầu tư trong nước (số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tiếp tục tăng cao kỷ lục).

Phân tích sâu hơn về nhận định này, ông Nguyễn Thế Minh cho biết, tăng trưởng lợi nhuận chính là động lực cơ bản trọng yếu. Theo Bloomberg, các bên dự báo tăng trưởng EPS năm 2022 của VN-Index là 25% so với năm 2021 và dự báo của Yuanta Việt Nam là 21%. Như vậy, các doanh nghiệp niêm yết có thể lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2022 với mức tăng trưởng nền thấp trong năm 2021.

Trong khi đó, thanh khoản thị trường cũng sẽ duy trì ổn định. Lãi suất tiền gửi có thể vẫn ở mức thấp trong năm 2022 do chính sách tiền tệ vẫn còn nới lỏng và chủ yếu tập trung vào tính bền vững trước tác động tiêu cực của đại dịch. Trong khi đó, yếu tố, tâm lý của các nhà đầu tư cá nhân có thể vẫn sẽ tích cực đối với TTCK do giá cổ phiếu được kỳ vọng sẽ tăng cao hơn trong năm 2022.

Ông Nguyễn Thế Minh kỳ vọng, cuối năm 2022, VN-Index đạt mức 1.898 điểm, tương ứng với mức tỷ suất sinh lời trong 12 tháng là 29%. Ông Nguyễn Thế Minh cho rằng đây là mức hợp lý khi xem xét đến những giả định tích cực về điều kiện thị trường (tức là mức tăng trưởng lợi nhuận, thanh khoản và tâm lý thị trường).

Tuy nhiên, theo ông Ngô Thế Hiển - Giám đốc Phân tích SHS, chiến lược đầu tư năm 2022 sẽ cần thận trọng hơn bởi, mặt bằng giá cổ phiếu đã tăng rất mạnh trong năm 2021. Theo đó, nhà đầu tư có thể đầu tư ở một số nhóm ngành như: Nhóm hưởng lợi từ gói phục hồi phát triển kinh tế, đặc biệt nhóm đầu tư cơ sở hạ tầng, các doanh nghiệp xây lắp hạ tầng; Các nhóm hưởng lợi từ gói hỗ trợ lãi suất 2%, quy mô 40.000 tỷ đồng; Một số nhóm khác như: logistics, cảng biển, bất động sản khu công nghiệp, hưởng lợi sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam; Nhóm ngành đi cùng sự phục hồi hậu COVID-19 như bán lẻ và nhóm hưởng lợi mang tính chất gián tiếp là bất động sản du lịch, bất động sản nhà ở, sau đó là ngân hàng...