Đấu thầu trái phiếu Chính phủ: Dấu ấn 11 năm phát triển mạnh mẽ

PV.

11 năm sau khi có quyết định tập trung đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) tại Sở GDCK Hà Nội – HNX (2006-2017), hoạt động đấu thầu TPCP đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều phương diện, từ tăng trưởng quy mô đấu thầu, đa dạng hóa sản phẩm, chuyên nghiệp hóa hệ thống thành viên đến hiện đại hóa hạ tầng công nghệ. Đấu thầu TPCP đã phát huy hiệu quả vai trò huy động vốn cho ngân sách nhà nước (NSNN), góp phần không nhỏ vào sự phát triển của nền kinh tế nước nhà.

Đấu thầu trái phiếu Chính phủ: Dấu ấn 11 năm phát triển mạnh mẽ. Ảnh: internet
Đấu thầu trái phiếu Chính phủ: Dấu ấn 11 năm phát triển mạnh mẽ. Ảnh: internet
Vốn qua đấu thầu chiếm 57% tổng vốn đầu tư khu vực Nhà nước
HNX cho biết, từ năm 2006 đến tháng 8/2017, tổng khối lượng gọi vốn qua kênh đấu thầu đạt 2,3 triệu tỷ đồng, tổng khối lượng vốn huy động được đạt 1,47 triệu tỷ đồng, đạt tỷ trọng 64%. Khối lượng vốn huy động thành công tăng trưởng mạnh hàng năm, với mức tăng trưởng bình quân đạt 160%/năm. Chi phí vay vốn cho Chính phủ ngày càng giảm do lãi suất huy động vốn qua đấu thầu giảm dần theo thời gian và thường thấp hơn từ 0,8-1,5%/năm so với lãi suất huy động của ngân hàng.

Riêng năm 2016, khối lượng vốn huy động qua đấu thầu đạt con số kỷ lục 316.729 tỷ đồng, tương đương 57% tổng vốn đầu tư khu vực Nhà nước và 21% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Hoạt động đấu thầu TPCP được huy động tập trung tại HNX từ năm 2006. Năm 2009, khi HNX chính thức khai trương thị trường TPCP, hoạt động đấu thầu đã bắt đầu phát triển và được tổ chức hàng tuần. Từ năm 2013 đến nay, hoạt động đấu thầu TPCP phát triển rất mạnh mẽ, tổ chức phát hành lớn nhất là Kho bạc Nhà nước đã có phiên đấu thầu định kỳ vào Thứ 4 hàng tuần, các tổ chức phát hành khác cũng tổ chức đấu thầu từ 1-2 phiên/tuần.

Từ năm 2014, hình thức đấu thầu trái phiếu đã trở thành kênh phát hành chủ đạo của các tổ chức phát hành, chiếm tỷ trọng trên 90% toàn thị trường so với các hình thức bảo lãnh phát hành hoặc đại lý phát hành trái phiếu. Do tính hiệu quả của việc huy động vốn qua đấu thầu, Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước đã tăng cường sử dụng kênh này để huy động vốn cho NSNN. Thị trường ghi nhận mức vốn huy động thông qua đấu thầu từ năm 2009-2017 trung bình đạt 250.515 tỷ đồng/năm.

Kỳ hạn phát hành bình quân tăng 10 năm so với năm 2013

Trước năm 2014, trái phiếu huy động qua đấu thầu chủ yếu có kỳ hạn từ 2-5 năm do thời gian này, các nhà đầu tư lớn là các Ngân hàng thương mại, có nhu cầu cao tại các kỳ hạn ngắn.

Từ năm 2014, với sự dịch chuyển của cơ cấu nhà đầu tư, các công ty bảo hiểm và các quỹ hưu trí đã quan tâm và tham gia tích cực hơn vào thị trường, thì sản phẩm trái phiếu phát hành cũng bắt đầu thay đổi. Để đáp ứng khẩu vị của các công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư là trái phiếu có kỳ hạn dài, từ năm 2014, các tổ chức phát hành đã bắt đầu đưa ra đấu thầu các sản phẩm trái phiếu có kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên.

Theo đó, trái phiếu có kỳ hạn từ 10 năm, 15 năm trở lên được phát hành thường xuyên, định kỳ 2-3 phiên/tuần tại HNX. Đặc biệt năm 2016, Kho bạc Nhà nước đã phát hành thành công các loại trái phiếu với đa dạng kỳ hạn: 7 năm, 20 năm và kỳ hạn siêu dài 30 năm.

Kỳ hạn phát hành bình quân qua các năm kể từ 2014 đến nay tăng trưởng rất ấn tượng. Từ năm 2013 đến 2017, kỳ hạn phát hành bình quân của trái phiếu Kho bạc Nhà nước đã tăng lên tới hơn 10 năm. Điều này rất có ý nghĩa trong việc làm giảm áp lực trả nợ của NSNN những năm tiếp theo, đồng thời tạo nguồn vốn ổn định cho các dự án đầu tư dài hạn.

Năm

2013

2014

2015

2016

2017

Kỳ hạn phát hành bình quân của trái phiếu KBNN (kỳ hạn vay bình quân) (năm)

3,43

5,05

5,75

8,27

13,8

Tỷ trọng phát hành thành công trái phiếu các kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên tăng trưởng mạnh, đạt 50,1% tổng khối lượng trúng thầu năm 2014, tăng lên 64,4% năm 2015, 88% năm 2016 và 100% năm 2017. Đặc biệt tỷ trọng phát hành trái phiếu các kỳ hạn rất dài từ 15 năm trở lên trong 2 năm 2016 và 2017 cũng rất khả quan, khi chiếm tới 20% và 45% tổng khối lượng trúng thầu toàn thị trường.

Sản phẩm trái phiếu ngày càng đa dạng

Đối với bất cứ thị trường nào thì việc đa dạng hóa sản phẩm cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của thị trường. Sản phẩm đa dạng đồng nghĩa với việc đáp ứng được nhu cầu của nhiều nhà đầu tư, từ đó thu hút được nhà đầu tư tham gia vào thị trường.

Nếu như trước đây, sản phẩm cơ bản trên thị trường sơ cấp là TPCP trả lãi định kỳ (coupon bond), thì từ năm 2015, để đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của các công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí đang dần lớn mạnh, KBNN phối hợp với HNX đã cho phát hành 2 loại TPCP mới là trái phiếu có kỳ trả lãi dài (long-coupon bond) và trái phiếu không trả lãi định kỳ (zero-coupon bond). Đây là 2 sản phẩm hấp dẫn đối với các công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí. Sản phẩm sau đó đã được đưa vào niêm yết, giao dịch ngay trong năm 2015, mang lại nguồn năng lượng mới cho thị trường trái phiếu.

Bên cạnh đó, phương án phát hành thí điểm trái phiếu xanh cũng được HNX và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) nghiên cứu xây dựng vào cuối năm 2015. Năm 2016, HNX đã tổ chức các buổi giới thiệu về phát hành thí điểm trái phiếu xanh đến các tổ chức phát hành, tập trung vào các dự án xanh tại một số tỉnh thành như Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh và được các địa phương đón nhận, Bộ Tài chính hiện nay đang điều phối với các địa phương để việc phát hành thử nghiệm có thể thực hiện trong năm 2017.

Ngoài ra, Bộ tài chính hiện đang có kế hoạch phát hành thí điểm TPCP lãi suất thả nổi. Tại Hội nghị thành viên thị trường TPCP quý 2/2017 do HNX tổ chức mới đây, Vụ Tài chính Ngân hàng - Bộ Tài chính đã cho biết Bộ đang có kế hoạch cho phát hành loại trái phiếu này trong tương lai gần. Hiện nay, HNX cũng đang tích cực chuẩn bị cho việc phát hành loại TPCP này.

Thông tin đấu thầu minh bạch

Không chỉ đạt được sự tăng trưởng về quy mô vốn huy động, công tác tổ chức hoạt động đấu thầu TPCP cũng ghi nhận những thay đổi tích cực, theo đó hoạt động đấu thầu được tổ chức theo hướng tinh gọn nhưng chất lượng hơn. Hệ thống đấu thầu điện tử có chức năng kết nối cơ quan quản lý, thành viên thị trường và nhà đầu tư , giúp các bên có thể tiếp cận được thông tin một cách nhanh chóng, chủ động, nhờ đó thông tin trên thị trường luôn được chia sẻ giữa các bên liên quan một cách hiệu quả.

 Lịch biểu phát hành từ chỗ được công bố hàng tuần đã phát triển thành được công bố trước hàng năm. Tổ chức phát hành lớn nhất là Kho bạc Nhà nước đã có lịch biểu phát hành định kỳ vào Thứ Tư hàng tuần giúp các thành viên đấu thầu, nhà đầu tư chủ động trong công tác chuẩn bị vốn. Việc công bố thông tin về hoạt động đấu thầu cũng rất công khai, minh bạch với thông báo đấu thầu, kết quả đấu thầu được HNX công bố rộng rãi trên website HNX và trên mạng lưới báo chí, truyền hình rộng khắp.

Hệ thống đấu thầu hiện đại

Cơ sở hạ tầng, hệ thống phục vụ cho hoạt động của thị trường là yếu tố then chốt, góp phần làm nên thành công của thị trường đó. Có thể nói, hệ thống đấu thầu được HNX xây dựng đến nay luôn song hành, bám sát nhu cầu và hỗ trợ tốt cho hoạt động đấu thầu trên một nền tảng công nghệ hiện đại.

Khai trương thị trường năm 2009 với hệ thống đấu thầu phiên bản 1 chỉ có chức năng nhập lệnh và xác định kết quả, các thành viên đấu thầu phải đến HNX để bỏ phiếu đấu thầu bằng văn bản. Đến tháng 8/2012, HNX đã đưa vào vận hành hệ thống đấu thầu điện tử, giúp thành viên đấu thầu có thể trực tiếp đăng ký và bỏ phiếu điện tử thông qua hệ thống, thay thế hoàn toàn việc bỏ phiếu bằng văn bản trước đó.

Tháng 6/2016, HNX tiếp tục cho ra mắt hệ thống đấu thầu điện tử trực tuyến trên Internet (E.ABS). E.ABS được phát triển trên nền tảng Internet hiện đại, giúp các nhà đầu tư không phải là thành viên đấu thầu cũng được bỏ phiếu dự thầu điện tử trên hệ thống thông qua việc kết nối Internet. E.ABS đã mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư trực tiếp tham gia vào thị trường sơ cấp, giúp thành viên đấu thầu giảm thiểu chi phí về nhân lực thực hiện môi giới, rút ngắn thời gian đấu thầu cho cả nhà đầu tư và thành viên. Đây chính là nỗ lực của HNX nhằm thúc đẩy thành viên và nhà đầu tư tích cực tham gia hơn nữa trên thị trường sơ cấp, hướng tới phát triển, mở rộng mạng lưới nhà đầu tư.

Việc đưa vào vận hành hệ thống đấu thầu điện tử đã hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động đấu thầu trái phiếu, thời gian đấu thầu giảm xuống còn một nửa. Trước đây các thành viên bỏ thầu buổi sáng và buổi chiều xác định kết quả. Hiện nay các thành viên bỏ phiếu và xác định kết quả luôn trong buổi sáng, buổi chiều là thời gian dành cho phiên thầu phụ đối với các thành viên có nhu cầu mua thêm. Hệ thống đấu thầu điện tử đã đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường, tuy khối lượng vốn phát hành qua đấu thầu tăng mạnh, nhưng thời gian đấu thầu giảm xuống đã giúp cho thành viên, nhà đầu tư và cả cơ quan quản lý vừa tiết kiệm thời gian vừa tiết kiệm chi phí.

Thành viên đấu thầu ngày càng chuyên nghiệp

Giai đoạn từ 2009-2012, số lượng thành viên đấu thầu ghi nhận mỗi năm khoảng từ 80-90 thành viên. Tuy số lượng thành viên đấu thầu nhiều nhưng số thành viên tích cực tham gia vào đấu thầu chỉ tập trung ở 20-30 thành viên, có nhiều thành viên không tham gia hoặc tham gia rất ít.

Nắm bắt được tình hình này, năm 2013, Bộ Tài chính đã có sự thay đổi về chính sách. Vào cuối mỗi năm, Bộ Tài chính sẽ có quyết định công bố danh sách thành viên đấu thầu cho năm tiếp theo. Chỉ có các thành viên đáp ứng các chỉ tiêu về vốn, hệ thống, thị phần và tích cực tham gia vào hoạt động đấu thầu của năm trước mới được tiếp tục làm thành viên của năm sau. Ngoài ra, các thành viên đấu thầu còn có nghĩa vụ phải tham gia chào giá để xác định đường cong lãi suất (Yield Curve).

Do vậy, số lượng thành viên đấu thầu được tinh giảm, năm 2013 đã giảm xuống 35 thành viên thay vì 83 thành viên năm 2012. Hai năm 2016 và 2017 số lượng thành viên được tham gia đấu thầu dừng ở mức 21 và 23 thành viên.

Hiện nay, tất cả các thành viên trong danh sách đều rất tích cực tham gia vào hoạt động đấu thầu và ngày càng khẳng định tính chuyên nghiệp. Tại mỗi phiên đấu thầu trái phiếu Kho bạc Nhà nước, ghi nhận có trung bình 15 thành viên đấu thầu tham gia vào phiên thầu chính và 3-5 thành viên tham gia phiên thầu phụ, đóng góp phần không nhỏ vào thành công của hoạt động đấu thầu.