Đấu thầu vàng dồn dập có bình ổn thị trường?

Theo Sài Gòn Đầu tư Tài chính

Hôm qua 10/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng thứ 5 với khối lượng đưa ra đấu thầu là 40.000 lượng vàng SJC. Như vậy, số lượng vàng tung ra thị trường qua 5 đợt đấu thầu khá lớn, nhưng chưa giúp cho chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước hẹp, trong khi nhiều ý kiến cho rằng việc đấu thầu vàng dồn dập đang có nguy cơ tạo cơ hội kiếm lợi cho giới đầu cơ vàng.

Đấu thầu vàng dồn dập có bình ổn thị trường?
Một khi NHNN cạn nguồn vàng, thị trường sẽ nằm trong tay giới đầu tư

Tranh thủ mua vàng để tất toán?

Đợt đấu thầu vàng thứ 5 của NHNN có khối lượng vàng đưa ra đấu thầu cao đột biến, gấp rưỡi so với lượng vàng đưa ra trong những phiên trước đó. Kết quả đã có 39.200 lượng vàng được bán cho các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng (TCTD) thiết lập mối quan hệ mua bán vàng miếng với NHNN. Giá trúng thầu thấp nhất là 43,3 triệu đồng/lượng, trong khi giá trúng thầu cao nhất là 43,31 triệu đồng/lượng.

Việc đấu thầu vàng với tần suất liên tục vừa qua của NHNN có nhằm mục tiêu kéo giá trong nước và thế giới sát lại với nhau hay không? Theo tôi, khi đưa ra đấu thầu để thực hiện mục tiêu ấy tùy thuộc vào mức giá tham chiếu NHNN đưa ra cho một phiên đấu giá. Song thực tế cho thấy mức giá đó vẫn chênh lệch so với giá thế giới có lúc lên 3 triệu đồng/lượng, trong khi kỳ vọng của NHNN muốn giá trong và ngoài nước chênh lệch chỉ 500.000 -700.000 đồng/lượng. Điều này dẫn đến việc đấu thầu vàng không còn là câu chuyện kéo giá vàng trong nước gần bằng với giá thế giới nữa. Bởi nếu kéo giá tham chiếu phải thu hẹp khoảng cách giá trong nước và thế giới.

TS. Lê Đạt Chí, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Trong số 22 thành viên tham gia buổi đấu giá, đã có 18 đơn vị trúng thầu. Qua 5 phiên đấu thầu, NHNN đã cung ra thị trường 118.200 lượng vàng, tương đương 4,54 tấn. Tỷ lệ trúng thầu trung bình là 82%.

Điểm đáng chú ý của phiên đấu thầu này là NHNN công bố giá sàn tại phiên đấu thầu 43,3 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thị trường 20.000 đồng/lượng. Lập tức, giá vàng hôm qua trên thị trường được đẩy lên mức 43,35 triệu đồng/lượng bán ra, chiều mua vào cũng tăng lên 43,25 triệu đồng/lượng.

Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá niêm yết vào khoảng 40 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá trong nước 3,3 triệu đồng/lượng. Được biết, vào ngày 12/4 tới đây, NHNN sẽ tiếp tục tổ chức phiên đấu thầu bán vàng miếng, dự kiến khối lượng vàng miếng chào bán trong phiên này sẽ lớn nhất từ trước đến nay, khoảng 50.000 lượng.

Theo một thành viên tham gia các phiên đấu thầu vàng, hầu hết đơn vị trúng thầu trong các phiên là các ngân hàng thương mại (NHTM). Điều này cũng dễ hiểu bởi các NHTM đang phải tăng cường mua vào để kịp tất toán đúng hạn vào 30/6 mà NHNN quy định.

Vấn đề là các NHTM sẽ cần bao nhiêu lượng vàng để hoàn tất việc tất toán và đóng trạng thái. Bởi phải đến lúc đó, toàn bộ số vàng bán ra sau các phiên đấu thầu mới có thể tới được thị trường thông qua các kênh mua bán của doanh nghiệp, tới tay người dân và may ra mới có tác động giảm mạnh chênh lệch giá trên thị trường.

Con số thống kê của NHNN cho thấy, chỉ trong vòng 6 tháng (tính đến cuối tháng 10/2012 đến nay), các TCTD phải mua tới hơn 60 tấn vàng để tất toán hợp đồng. Số vàng còn thiếu để hoàn tất việc tất toán vào thời điểm đó lên tới khoảng 20 tấn.

Do vậy việc các NHTM mua vàng chính là nguyên nhân khiến giá trong nước (vào thời điểm cuối năm 2012) đắt hơn thế giới vài triệu đồng một lượng. Nhiều ý kiến dự đoán, chỉ khi nào cơn khát vàng của các NHTM chấm dứt, chênh lệch giá vàng hiện nay mới có cơ may quay về khoảng chênh 400.000 đồng/lượng như mong muốn của NHNN.

Cơ hội đầu cơ thu gom vàng?

Theo nhiều chuyên gia, có cần thiết NHNN giữ bí mật số lượng vàng NHNN dập ra vàng miếng ở SJC, bởi chỉ cần căn cứ vào khối lượng nhập khẩu vàng thông qua hải quan kê khai trong quý I/2013 là có thể biết được lượng vàng NHNN bán ra thông qua đấu thầu.

Theo công bố của Bộ Công Thương trong quý I/2013, nhập siêu (chủ yếu từ nhập khẩu vàng) tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ. Dù Bộ Công Thương không công bố giá trị kim ngạch nhập khẩu vàng trong quý I, nhưng diễn biến bất thường trên liên quan tới hoạt động tạm xuất tái nhập vàng cuối tháng 2, đầu tháng 3.

Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi thành vàng miếng SJC, NHNN đã cho một số NH tạm xuất 11,5 tấn vàng miếng phi SJC để tái nhập vàng nguyên liệu. Có thể thấy, khi biết lượng vàng còn lại dồi dào thì giới đầu cơ có thể không mua vàng, nhưng khi họ biết được lượng vàng nhập về của NHNN có thể cạn kiệt thì giới đầu tư vàng trong nước sẽ mua vàng vào.

Sau khi mua hết vàng của NHNN giới đầu cơ sẽ đẩy giá vàng lên, lúc đó NHNN sẽ không còn nguồn hàng nữa và muốn có nguồn hàng NHNN phải tiếp tục nhập khẩu và điều này lại không thể vì sẽ làm tiêu tốn đến ngoại tệ quốc gia, căng thẳng tỷ giá sẽ tái diễn.

Cho nên, việc đấu thầu vàng liên tục như thế chẳng khác nào giúp cho giới đầu tư vàng trong nước biết được nguồn lực NHNN còn lại bao nhiêu để mua vào và mua càng nhiều thì NHNN mất hết lượng vàng để bình ổn thị trường.

Từ đầu năm đến nay, lượng tiền gửi vào hệ thống NHTM tăng rất cao trước xu hướng lãi suất đang giảm và tín dụng tăng trưởng rất thấp. Cụ thể, đến cuối tháng 3/2013, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống NHTM dương 0,1%, nhưng tăng trưởng huy động đạt khá với 3,8%. Vốn hệ thống NHTM đang dư thừa và lượng tiền gửi này được xem là dòng tiền nhàn rỗi chuẩn bị đầu cơ.

Không loại trừ vàng là một trong những thị trường sẽ tiếp sức cho dòng vốn đầu cơ này. Giả sử nguồn lực vàng NHNN bán ra có hạn, giới đầu cơ lập tức nhảy vào thu gom, đầu cơ vàng. Vừa qua, những phiên đấu thầu vàng của NHNN được xem là thành công vì có quá nhiều người mua. Khi NHNN không còn nguồn vàng là cơ hội để giới đầu cơ đẩy lượng vàng bán ra tăng lên.

Trước đây NHNN quản lý thị trường bằng việc cấp quota nhập vàng cho một đơn vị nào đó được phép nhập khẩu vàng để bình ổn giá vàng trong nước. Hiện nay vai trò bình ổn đó được chuyển qua cho NHNN và NHNN tự động đem vàng ra bán qua đấu thầu.

Lẽ ra NHNN sẽ đấu thầu vàng dồn dập chỉ khi nào có sự căng thẳng trên thị trường vàng như sức mua tăng mạnh, đáp ứng lượng cầu vàng trong nền kinh tế. Trong khi gần đây thị trường vàng trong nước biến động ở mức độ ổn định, cớ gì NHNN đấu thầu bán vàng ra dồn dập? Càng bán dồn dập NHNN càng có nguy cơ mất đi nguồn vàng khi giới đầu cơ thu gom.