Để cổ tức không thành… tức đến cổ

Theo Báo Đầu tư

Điểm qua các thông tin được doanh nghiệp niêm yết công bố, từ đầu tháng 12 đến nay có thêm gần 20 doanh nghiệp đưa ra lịch tạm ứng cổ tức 2012 cho cổ đông.

Để cổ tức không thành… tức đến cổ
    Những doanh nghiệp từ quy mô nho nhỏ như MAS tạm ứng cổ tức đợt 1 tỷ lệ 20%; LIX tỷ lệ 10%, Kho vận Tân Cảng tỷ lệ 16%, đến quy mô lớn như FPT tạm ứng đợt 2 tỷ lệ 10%... đều được hoan nghênh, vì đã phần nào thể hiện trách nhiệm rất sớm với cổ đông. Thống kê sơ bộ cho thấy, đến thời điểm này, trên sàn đã có khoảng 100 doanh nghiệp công bố tạm ứng cổ tức năm 2012, trong đó có những đơn vị trả cao hơn lãi suất ngân hàng tính trên thị giá cổ phiếu. Thông tin về cổ tức trên các phương tiện thông tin đại chúng luôn được nhà đầu tư quan tâm, tìm đọc.

    Thế nhưng, bên cạnh những cổ đông được an ủi phần nào từ việc doanh nghiệp tạm ứng cổ tức sớm, vẫn có nhiều nhà đầu tư chứng khoán nhân đôi nỗi buồn, buồn vì chứng khoán trên sàn vẫn tiếp tục điệp khúc rớt giá, buồn hơn khi cổ tức ngày một mờ mịt. Công ty V21 lần thứ 2 dời ngày trả cổ tức 2011. Sông Đà 7 đến giờ chưa chi trả xong cổ tức 2010, Vinaconex ITC khất cổ tức năm 2010 đến tận cuối quý I/2013...…

    Năm nay kinh doanh bết bát, sẽ có nhiều doanh nghiệp không thể trả cổ tức cho cổ đông hoặc phải điều chỉnh tỷ lệ cổ tức giảm so với kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, vẫn có một số doanh nghiệp cố gắng vì cổ đông. Họ duy trì cổ tức hợp lý, tương đương với lãi suất ngân hàng (tính trên thị giá) nhờ số dư tiền mặt còn lại từ các năm trước. Công ty cổ phần Nhà Từ Liêm (NTL) năm nay gần như không có nguồn thu mới từ bán sản phẩm ở các dự án bất động sản, nhưng hội đồng quản trị Công ty sẽ cố gắng duy trì tỷ lệ cổ tức 15%/năm. Ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch hội đồng quản trị NTL cho rằng, nhiều cổ đông lớn không quá trông mong vào khoản cổ tức, nhưng phần lớn cổ đông đều muốn khoản đầu tư phải sinh lời, bởi vậy doanh nghiệp còn tiền không thể vin vào cớ để ưu tiên cho mở rộng sản xuất - kinh doanh mà không trả cổ tức cho cổ đông.

    Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC), đại hội cổ đông bất thường của Công ty ngày 16/12 tới chủ yếu để xin ý kiến cổ đông về việc trả cổ tức 20 - 30% năm 2012. Nếu nhìn vào kết quả lợi nhuận năm nay (tính đến cuối quý III/2012), Minh Phú không đủ để chia cổ tức tỷ lệ như trên, song lợi nhuận để lại của công ty này còn tới gần 500 tỷ đồng. Bởi vậy, Công ty có đủ nguồn để chi trả cổ tức 30%.

    Ở thời tiền mặt là vua, cân nhắc giữa việc trả tiền cho cổ đông và duy trì dòng vốn hoạt động không phải bài toán dễ giải. Doanh nghiệp có thể chọn cách để lại lợi nhuận để tái đầu tư, trả cổ tức bằng cổ phiếu, nhưng những đơn vị thường xuyên duy trì và đảm bảo tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt ở mức hợp lý cho cổ đông thường được đánh giá cao hơn. Rất nhiều đại hội cổ đông đã trở nên căng thẳng khi doanh nghiệp phớt lờ quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ, khi hội đồng quản trị dự kiến để lại toàn bộ lợi nhuận để tái đầu tư.

    Đành rằng, mua chứng khoán trên sàn, không mấy người đặt mục tiêu “ăn” cổ tức, nhưng khi thị trường biến động mạnh như hiện nay, chứng khoán tốt xấu lẫn lộn trên sàn, nắm giữ cổ phiếu của những doanh nghiệp kinh doanh bền vững, coi trọng quyền lợi của cổ đông, trả cổ tức đầy đủ thì nhà đầu tư có quyền “kê cao gối”, hơn là gặp những anh chầy bửa, khất lần.