Để nhà đầu tư F0 làm chủ "cuộc chơi" trên thị trường

Theo Hải Giang/vnbusiness.vn

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vừa lập kỷ lục mới về thanh khoản khi đạt gần 52 nghìn tỷ đồng (hơn 2,2 tỷ USD). Dòng tiền này chủ yếu được dẫn dắt bởi động thái của các nhà đầu tư trong nước, trong đó có các nhà đầu tư mới (NĐT F0). Có vẻ như sự thăng hoa của các NĐT F0 trong thời kỳ dịch vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, vậy đâu là điểm mà NĐT F0 cần lưu ý trong thời gian tới?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Anh Ngọc Giang (30 tuổi), hiện đang làm kỹ sư cho một công ty tại Hà Nội là một trong những NĐT F0. Mặc dù mới gia nhập “dân chơi cổ” chưa lâu nhưng anh đã bỏ ra tới hơn 200 triệu để mua cổ phiếu. Bán ra, mua vào chưa lâu, lời gần 80 triệu, tính ra lãi gần 50%.

F0 giúp đẩy thanh khoản của thị trường lên cao

“Đầu tư chứng khoán rất dễ, vốn bao nhiêu cũng đầu tư được, không chịu ràng buộc nhiều về pháp lý, ít rủi ro mất trắng tài sản hơn các kênh đầu tư khác. Lợi nhuận từ chứng khoán cũng rất lớn. Nếu gặp may hoặc đầu tư chính xác, 1 ngày có thể lãi được hơn 15% so với tiền vốn, gấp 3 lần lãi gửi ngân hàng 1 năm”, anh Giang nói với VnBusiness.

Trường hợp như anh Giang không phải là hiếm trong thời gian qua, khi mà đợt dịch COVID-19 thứ tư đã tác động mạnh đến sản xuất kinh doanh cũng như thu nhập của hàng triệu người. Mặc dù dịch bệnh dần được kiểm soát nhưng thu thập của người dân vẫn bấp bênh. Đây cũng là lý do khiến dòng tiền nhàn rỗi tìm cơ hội trên sàn chứng khoán và coi chứng khoán như một kênh đầu tư an toàn và dài hạn.

Ông Nguyễn Thế Minh - giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, khoảng 2/3 số tài khoản chứng khoán đã mở tại công ty này do những người trẻ từ 20 - 30 tuổi sở hữu, phần lớn có vốn đầu tư từ vài chục đến 100 triệu đồng, nhưng vẫn có nhiều bạn sở hữu tài khoản từ 2 - 10 tỷ đồng. Những nhà đầu tư trẻ này thường ưa chuộng cổ phiếu có tính thanh khoản cao, thời gian nắm giữ một mã chứng khoán thường dưới 1 tháng, có khi lướt sóng liên tục.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng Giám Đốc AFA Capital, sự bùng nổ của nhóm F0 hiện nay còn mạnh mẽ hơn thời kỳ hoàng kim giai đoạn 2006-2007 khi lãi suất ngân hàng liên tục giảm, TTCK càng trở nên hấp dẫn những NĐT F0.

"Đây là một chất xúc tác cực kỳ tốt cho sự phát triển của TTCK nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Số lượng NĐT F0 cũng là động lực đẩy thanh khoản của thị trường lên cao và chúng ta dần quen với những phiên giao dịch có giá trị khớp lệnh “tỷ đô”- điều rất hiếm gặp của TTCK trong vài năm trở lại đây", ông Tuấn nhận định.

Phân tích của ông Tuấn hay ông Minh không phải không có lý khi dòng tiền cuồn cuộn đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam có sự đồng thuận của các nhóm nhà đầu tư nội. Lũy kế từ đầu năm, NĐT đã rót ròng hơn 74.000 tỷ đồng vào TTCK Việt Nam trong 10 tháng liên tiếp, tương đương hơn 3,2 tỷ USD. Trong đó, NĐT cá nhân ròng hơn 2.252 tỷ đồng tại HoSE, mua qua khớp lệnh là 3.302 tỷ đồng, chiếm hơn 50% giá trị mua ròng tại sàn HoSE và đóng vai trò lớn nhất trong việc dẫn dắt chỉ số tăng điểm.

Trên thực tế, không phải nhà đầu tư F0 nào đầu tư cũng thành công như câu chuyện của anh Giang ở trên, nhiều nhà đầu tư do chưa hiểu rõ thị trường, vội đầu tư theo đám đông đã nhận lại "trái đắng".

Chị Thanh Tâm (35 tuổi), nhân viên kinh doanh tại Hà Nội chia sẻ: “Tôi đầu tư chứng khoán theo kiểu “mua chung”, trong nhóm đồng nghiệp hay bạn bè nếu ai đánh giá cổ phiếu nào tốt thì cả nhóm cùng mua, chấp nhận "một xanh cỏ, hai đỏ ngực". Mới đầu tâm trạng tôi lên xuống theo bảng điện tử và đề ra nguyên tắc giá cổ phiếu tăng 10-15% là chốt lời. Nhưng lúc giảm tôi không dám cắt lỗ”.

Khuyến nghị các nhà đầu tư F0

Theo các chuyên gia, vấn đề của chị Tâm chia sẻ là một trong các vấn đề sai lầm cơ bản của F0 khi mới bắt đầu tham gia vào TTCK hiện nay do thiếu thông tin, kỹ năng và thiếu cả bản lĩnh để giữ vững tâm lý khi mã cổ phiếu giảm sâu, dẫn đến tài khoản nhiều trường hợp âm đến 30% số tiền đầu tư và để gỡ lại rất khó.

Theo ông Nguyễn Vũ Linh, Trưởng Phòng Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán VP (VPS), lượng NĐT F0 trên thị trường quá đông nhưng lại ít người có kinh nghiệm nên thường mua bán theo đám đông dễ dẫn tới thua lỗ cũng là dễ hiểu.

“Việc nhà đầu tư F0 lao vào thị trường và đầu tư theo cảm xúc thì lợi nhuận của họ sẽ không được bền vững trong tương lai. Có tới 90% nhà đầu tư mới sẽ mất 90% tài sản của mình trong 90 ngày đầu tiên khi tham gia giao dịch ngắn hạn trên TTCK”, ông Nguyễn Minh Tuấn nhận xét.

Dữ liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, luỹ kế 10 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 1.086.966 tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm: 2017, 2018, 2019 và 2020 cộng lại (tổng 4 năm đạt 1.043.303 tài khoản).

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, nếu lãi suất tiền gửi trên thị trường tiếp tục giảm hoặc giữ ở mức thấp sẽ tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư F0 ngay cả khi không còn ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, lợi nhuận thường đi kèm với rủi ro.

Từ đó ông Hải cũng đưa ra lời khuyên cho các NĐT F0. Đó là phải đầu tư học hỏi, nghiên cứu, hiểu được cổ phiếu định đầu tư, không nên vội vàng giải ngân.

Khi đã có danh mục đầu tư, cố gắng kiểm soát khoản lỗ càng thấp càng tốt, không nên vội vay ký quỹ (margin) cao, vì chưa biết áp lực, giới hạn chịu đựng của bản thân. Sau khi có kinh nghiệm thì mới dùng đòn bẩy tài chính để gia tăng lợi nhuận và nên đa dạng hóa danh mục cổ phiếu, tránh tâm lý bầy đàn và đầu tư theo phong trào.

Đặc biệt, nên thường xuyên theo dõi các bản tin chứng khoán để có cái nhìn tổng quát về thị trường. Đồng thời lựa chọn các nguồn thông tin chính thống để tiếp cận để tránh phán đoán và quyết định sai lầm.Ngoài ra, NĐT F0 nên tự xây dựng một nguyên tắc riêng và kiên định theo đó đến cùng thì mới có cơ hội chiến thắng được thị trường.

Hiện tại, số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam tương đương với khoảng 2,5% dân số Việt Nam, vẫn thấp hơn so với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc... và thấp hơn so với mục tiêu đề ra là số lượng tài khoản chứng khoán chiếm 3% dân số.

Vì vậy, dư địa cho tăng trưởng nhà đầu tư F0 vẫn còn khá lớn, nhưng rõ ràng, để có thể hiểu và làm chủ cuộc chơi, việc các NĐT F0 cần trang bị cho mình những "vũ khí" cần thiết để đảm bảo dành phần thắng trong cuộc chơi là điều vô cùng quan trọng.