Định giá lại thị trường khi Fed tăng lãi suất

Theo Diễm Ngọc/diendandoanhnghiep.vn

Theo chuyên gia, bao giờ Fed tăng lãi suất sẽ có hiện tượng dòng vốn đảo chiều, Việt Nam có thể không bị, nhưng cũng không nên kỳ vọng dòng vốn sẽ về, kể cả trực tiếp hay gián tiếp...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo một số nhà phân tích, Phố Wall có thể sẽ có nhiều biến động hơn nữa khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến hành chiến dịch tăng lãi suất đầu tiên trong kỷ nguyên đại dịch.

Rủi ro chứng khoán Mỹ

Trả lời với Yahoo Finance Live trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Giám đốc điều hành của WealthWise Financial, Loreen Gilbert nói: “Những gì chúng ta đang thấy bây giờ là định giá lại trên các thị trường, với những đợt tăng lãi suất được dự đoán trước. Và miễn là Cục Dự trữ Liên bang đang đi đúng hướng, thì mức lãi suất mà chúng tôi đang mong đợi, không chỉ là ba lần tăng lãi suất trong năm nay, mà là bốn lần… chúng tôi vẫn nghĩ rằng, đó sẽ là một thị trường chấp nhận rủi ro”.

Bà cũng nói thêm, khi các thị trường điều chỉnh theo biến thể Omicron đang lan rộng nhanh chóng và tính đến tỷ giá cao hơn, thì sự hỗn loạn trong tháng 1 có thể chỉ là khởi đầu của một năm đầy biến động.

Vừa qua, Bloomberg đã công bố dữ liệu khảo sát kinh tế cho thấy, doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 12/2021 giảm với biên độ lớn nhất trong 10 tháng qua, làm giảm triển vọng kinh tế. Như một cách để kiềm chế lạm phát cao, Fed đã công bố về việc sẽ tăng lãi suất, nhưng ngày càng nhiều chuyên gia dự đoán việc thắt chặt hơn nữa đang diễn ra, bởi vì lạm phát đang tăng nóng hơn dự kiến.

Theo đó, chuyên gia kinh tế trưởng Jan Hatzius của ngân hàng Goldman Sachs cho biết, thị trường lao động giảm sút khiến các quan chức Fed nhạy cảm hơn với rủi ro lạm phát tăng và ít nhạy cảm hơn với rủi ro tăng trưởng giảm. “Chúng ta sẽ chứng kiến mức tăng lãi suất vào tháng 3, tháng 6, tháng 9 và thêm một đợt tăng nữa vào tháng 12 với tổng số 4 lần trong năm 2022”.

Đồng quan điểm đó, Chủ tịch James Bullard của Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. cũng nhận định: “Tôi thực sự nghĩ rằng, nếu có thể, chúng ta nên tăng bốn lần vào năm 2022”.

Khi Fed có hành động tăng lãi suất, đồng nghĩa với việc chi phí đi vay ngắn hạn của các tổ chức tài chính tăng. Điều này có ảnh hưởng đến hầu như tất cả các chi phí đi vay khác đối với các công ty và người tiêu dùng trong một nền kinh tế. Điều này dẫn đến việc các tổ chức tài chính sẽ tăng tỷ lệ tính phí trên khách hàng, do đó, người tiêu dùng cá nhân bị ảnh hưởng thông qua việc tăng lãi suất thẻ tín dụng và lãi suất thế chấp của họ, đặc biệt, nếu các khoản vay này có lãi suất thay đổi. Khi đó, số tiền người tiêu dùng có thể chi tiêu sẽ giảm xuống, ít chi tiêu tùy ý hơn, khiến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp cũng giảm theo.

Như vậy, khi lãi suất tăng, các doanh nghiệp không chỉ bị ảnh hưởng bởi chi phí đi vay cao hơn, mà họ còn phải chịu những tác động bất lợi của việc thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng. Cả hai yếu tố này đều có thể ảnh hưởng đến thu nhập và giá cổ phiếu.

Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia tài chính nhận định, nếu một công ty bị coi là giảm tốc độ tăng trưởng hoặc ít sinh lợi hơn, thông qua chi phí nợ cao hơn hoặc doanh thu ít hơn, thì lượng tiền ước tính của dòng tiền trong tương lai sẽ giảm xuống, điều này sẽ làm giảm giá cổ phiếu của công ty đó.

“Nếu có đủ công ty gặp phải sự sụt giảm về giá cổ phiếu của họ, thì toàn bộ thị trường hoặc các chỉ số quan trọng như Dow Jones, S&P 500,... sẽ đi xuống. Lúc này, đầu tư vào cổ phiếu có thể được coi là quá rủi ro khi so sánh với các khoản đầu tư khác. Nhưng ngược lại, các ngân hàng, công ty môi giới, công ty cho vay thế chấp và công ty bảo hiểm thường tăng thu nhập lên khi lãi suất tăng cao, vì họ có thể tính phí nhiều hơn vào việc cho vay.

Mặc dù mối quan hệ giữa lãi suất và thị trường chứng khoán khá gián tiếp, nhưng cả hai có xu hướng trái ngược nhau. Theo nguyên tắc chung, khi Cục Dự trữ Liên bang cắt giảm lãi suất, nó sẽ khiến thị trường chứng khoán đi lên; khi Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất, nó làm cho thị trường chứng khoán đi xuống. Nhưng không có gì đảm bảo về cách thị trường sẽ phản ứng với bất kỳ sự thay đổi lãi suất nào”, vị chuyên gia nói.

Tác động đến Việt Nam

Tại một hội thảo về “Phục hồi kinh tế 2022”, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên ĐH FullBright Việt Nam đã nhắc đến một thông điệp của Fed gây sốc cho thị trường chứng khoán là, nếu như giữa năm nay lạm phát Mỹ không có khả năng suy giảm, Fed sẽ tính cả chuyện hút tiền về. Theo ông Thành, đây là điều chưa có tiền lệ. Trước đây trong khủng hoảng toàn cầu, sau khi bơm tiền ra, Fed chỉ ngưng bơm tiền và tăng lãi suất. Nhưng lần này trước áp lực lạm phát, Fed đã đưa ra ý kiến này.

“Nếu nhìn vào tác động, khả năng cao Fed sẽ chưa hút tiền về, mà chỉ ngưng bơm tiền và tăng lãi suất. Trong trường hợp này, thị trường tài chính vẫn sẽ chịu đựng được và những điều chỉnh của thị trường chứng khoán vừa qua đã tính đến điều này”, ông Thành đánh giá.

Về tác động đến Việt Nam, vị chuyên gia nhận định, kịch bản này sẽ không ảnh hưởng đến vấn đề tỷ giá cũng như lãi suất. Việt Nam vẫn sẽ giữ được mặt bằng lãi suất hiện nay, không phải điều chỉnh tăng lãi suất.

Tuy nhiên, vấn đề ảnh hưởng là dòng vốn đầu tư chứng khoán nước ngoài vào các thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam. Chúng ta không nên kỳ vọng có thể mở cửa bình thường mới, lại đón được dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh, kể cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp trong bối cảnh lộ trình tăng lãi suất như vậy.

"Việt Nam sẽ tốt hơn rất nhiều thị trường mới nổi, là không bị dòng vốn đảo chiều. Bao giờ Fed tăng lãi suất sẽ có hiện tượng dòng vốn đảo chiều, Việt Nam có thể không bị, nhưng cũng không nên kỳ vọng dòng vốn sẽ về.

Đối với tình huống xấu hơn, nếu như lạm phát cao, áp lực đến mức Fed vừa tăng lãi suất, vừa hút tiền về để giảm quy mô bảng cân đối tài sản, thì thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ chao đảo, và ảnh hưởng đến cả Việt Nam, dù vĩ mô có tốt đến đâu, có hỗ trợ kinh tế tốt đến đâu, mà kịch bản đó xảy ra thì chứng khoán cũng bị ảnh hưởng", ông Thành nói.

Ở góc nhìn lạc quan hơn, các chuyên gia từ VinaCapital lại cho rằng, năm nay sẽ là một năm rất tốt cho thị trường chứng khoán Việt Nam từ sau mức tăng 37,3% tính bằng USD (hoặc 35,7% tính bằng VND) của VN-Index trong năm 2021.

Hơn thế nữa, các nhà đầu tư ngoại đã bán trên diện rộng cổ phiếu của họ ở các thị trường mới nổi để phản ứng trước lo ngại về dịch COVID và Trung Quốc, tuy nhiên nhà đầu tư có thể sẽ quay lại các thị trường mới nổi và cận biên khi một số các giải pháp và cải cách đã được đưa ra để giải quyết những vấn đề trên, cùng với mức chiết khấu định giá hấp dẫn giữa các thị trường chứng khoán cận biên và mới nổi gần đây. Một khi điều đó xảy ra, định giá rẻ của thị trường Việt Nam và tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ sẽ là nam châm thu hút một phần các dòng vốn đó chảy vào.

Với động thái của Fed, VinaCapital cho rằng không quá lo lắng lắm. Hầu hết nhà đầu tư và giới phân tích kỳ vọng Cục dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất 3 lần trong năm 2022, gây ra tổn hại đối với giá cổ phiếu ở các thị trường chứng khoán mới nổi và cận biên, bao gồm có Việt Nam.

“Chúng tôi không tin rằng Fed sẽ tuân thủ đúng theo những kế hoạch dự kiến về tăng lãi suất 3 lần mà họ thông cáo và quan trọng hơn, Việt Nam đang ở vị thế đủ thuận lợi để giữ bình tĩnh trước những đợt tăng lãi suất quyết liệt từ Fed trong năm nay”, các chuyên gia từ VinaCapital nhận định.