Đỉnh mới của Vn-Index sẽ là bao nhiêu?

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

30 phút giao dịch đầu tiên của phiên giao dịch ngày 22/3, thị trường chứng khoán Việt Nam bứt phá, Vn-Index tăng 10,78 điểm, chinh phục đỉnh 1.180,44 điểm. Thị trường đã vượt đỉnh lịch sử, áp lực bán khiến các chỉ số thu hẹp đà tăng.

Đỉnh tiếp theo là bao nhiêu? Nguồn: Internet
Đỉnh tiếp theo là bao nhiêu? Nguồn: Internet

Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/3, Vn-Index dừng chân tại mốc 1.172,36 điểm, chính thức vượt đỉnh lịch sử sau 11 năm chờ đợi và bước vào một xu hướng uptrend mới.

Năm 2017 đánh dấu những bước chuyển mình mạnh mẽ của ngành ngân hàng, với kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt , nhiều kỷ lục mới về lợi nhuận được thiết lập, nhiều ngân hàng có lợi nhuận vào “câu lạc bộ nghìn tỷ”….

“Cổ phiếu vua” vẫn…là vua

Vietcombank phá kỷ lục lãi dẫn đầu ngành ngân hàng với hơn 11.000 tỷ đồng, còn MB dẫn đầu khối cổ phần không có vốn nhà nước với lợi nhuận trước thuế năm 2017 đạt 5.355 tỷ đồng.

Trong năm 2018, ngành ngân hàng tiếp tục đặt kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận nghìn tỷ như Vietcombank dự kiến đạt 13.000 tỷ lợi nhuận, Techcombank dự kiến lợi nhuận trước thuế đạt 10.000 tỷ đồng.

Thời gian gần đây, dòng vốn ngoại đang ồ ạt chảy vào nhóm ngành ngân hàng. Điển hình như mới đây, Techcombank công bố khoản đầu tư hơn 370 triệu USD từ hai pháp nhân độc lập được quản lý bởi công ty Quản lý Quỹ Warburg Pincus LLC. 

Vietcombank đang có kế hoạch bán hơn 350 triệu cổ phiếu (tương ứng 10% cổ phần) cho nhà đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2018, thông qua hình thức phát hành riêng lẻ hoặc đấu giá công khai, sau khi được Chính phủ chấp thuận.

Hay TPBank và Quỹ Đầu tư PYN Fund Management ký hợp đồng mua bán cổ phần. Theo đó, PYN Elite Fund sẽ sở hữu 4,99% vốn sau phát hành của TPBank với giá trị gần 40 triệu USD.

Mặt khác, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang ấm dần lên, việc xử lý những khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo là bất động sản sẽ thuận lợi hơn, dự báo các ngân hàng sẽ có được một khoản thu tốt từ việc này.

Trên thị trường chứng khoán, kể từ đầu năm đến nay, thị giá các cổ phiếu ngân hàng đã tăng rất mạnh, thậm chí có cổ phiếu tăng gấp đôi, làm tốt vai trò trụ cột của thị trường chứng khoán.

Cổ phiếu BID của BIDV đã tăng 64% từ mốc giá 27.000 đồng/ cổ phiếu hồi đầu năm, hiện đang giao dịch tại mốc 44.300 đồng/ cổ phiếu (22/3); CTG tăng 43,5%, hiện đang giao dịch tại mốc giá 35.800 đồng/ cổ phiếu; VPB đã tăng 50,5% từ 43.300 đồng/ cổ phiếu (2/1) lên 65.200 đồng/ cổ phiếu (22/3)…

Do đó, theo nhận định của nhiều chuyên gia, tiềm năng tăng trưởng của ngành ngân hàng ngày càng hấp dẫn với chính sách tiền tệ nới lỏng, lãi suất ổn định…

Đỉnh tiếp theo là bao nhiêu?

Thời gian qua, dưới sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng và “cổ phiếu tỷ phú” (ROS, VJC, VIC, MSN…), thị trường đã nhanh chóng chinh phục mốc lịch sử và sẽ còn có thể tiếp tục tiến xa hơn nữa trong thời gian tới.

Động lực tăng điểm chủ yếu của thị trường chứng khoán hiện nay đến từ môi trường kinh tế, kinh doanh hấp dẫn, nền kinh tế đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới.

Từ mốc ban đầu chỉ có hai mã cổ phiếu là REE và SAM, với vốn hóa thị trường chỉ đạt 986 tỷ đồng, chiếm 0,28% GDP thời điểm đó, thị trường chứng khoán đã có mức tăng trưởng nhanh do nguồn cung hàng hóa khan hiếm, chỉ số Vn-Index liên tục tăng và đạt tới đỉnh 571,04 điểm (25/6/2001).

Năm 2007, Vn-Index đã nhanh chóng lập đỉnh kỷ lục mới vào ngày 12/3 đạt 1.170,67 điểm nhờ đón dòng vốn ngoại từ việc Việt Nam gia nhập WTO. So với đỉnh của năm 2001, đỉnh mới này của Vn-Index đã gấp hơn hai lần. Thời điểm này là “thời điểm vàng” khi mà người người, nhà nhà đều chơi cổ phiếu, “mua cổ phiếu nào ăn cổ phiếu đó”.

Đến nay, sau 11 năm, Vn-Index lại tiếp tục xác lập mức đỉnh mới vượt qua mốc năm 2007 sau khi hội nghị APEC thành công và hiệp định CPTPP được ký kết. Đây cũng là mức đóng cửa cao nhất trong 18 năm thành lập thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Thị trường chứng khoán Việt Nam sau 11 năm cũng đã có nhiều thay đổi, với quy mô, chất lượng ngày càng cải thiện, những cái tên dẫn dắt thị trường cũng dần dần được thay thế như dòng ngân hàng, ROS, SAB, PLX, VJX… bên cạnh VNM, FPT, GAS.

Chưa kể cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn chuẩn bị phát hành lần đầu ra công chúng (IPO), dự báo sẽ tiếp tục có các đợt tăng giá, thu hút sự quan tâm của dòng tiền.

Theo nhiều chuyên gia nhận định, mốc lịch sử mới được thiết lập này mới chỉ là bắt đầu một con sóng dài, dấu hiệu tăng trưởng vẫn chưa dừng lại.

Trong phiên vượt đỉnh lịch sử ngày 22/3, khối ngoại đã có phiên mua ròng thứ hai liên tiếp với 119,65 tỷ đồng. Trong đó, HPG là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất phiên với 92,17 tỷ đồng, đứng thứ 2 là VIC với 37,77 tỷ đồng.

Giả sử, lịch sử tiếp tục được lặp lại, đỉnh mới lên gấp đôi đỉnh cũ, thì đỉnh của giai đoạn tăng trưởng chứng khoán tới đây sẽ là 2.344,72 điểm (1.172,36x2).

Trong ngắn hạn, theo nhận định của CTCK Rồng Việt, thanh khoản của thị trường cho thấy chưa có sự bán tháo hoặc áp lực chốt lời lớn. Khả năng chỉ số có thể vượt đỉnh để đạt mục tiêu 1200 điểm là hoàn toàn khả thi.