Doanh nghiệp lớn là trụ cột của thị trường

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Hiệu quả kinh doanh, chất lượng quản trị, thu hút đầu tư nước ngoài, minh bạch thông tin và thanh khoản của nhóm cổ phiếu blue-chip hầu hết đều vượt trội so với phần còn lại. Với những đặc điểm đó, nhóm các doanh nghiệp (DN) lớn xứng đáng được gọi là trụ cột của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Đó là nhận xét của ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) trong cuộc trao đổi với phóng viên.

Phóng viên: Nền kinh tế vĩ mô vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, nhưng trên TTCK, tính đến hết quý III, VN-Index đã tăng trên 18% so với đầu năm 2013. Bước sang quý IV năm nay, thị trường mong đợi sẽ được “tiếp sức” từ các chính sách mới để có thể duy trì sự tăng điểm. Những chính sách hỗ trợ cụ thể sẽ được ban hành là gì, thưa ông?

Doanh nghiệp lớn là trụ cột của thị trường - Ảnh 1
Ông Vũ Bằng,
Chủ tịch UBCKNN
Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng: Kể từ đầu năm đến nay, mặc dù hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ vào tình hình kinh tế vĩ mô đã từng bước ổn định với việc chỉ số CPI tăng thấp so với năm trước, thâm hụt cán cân thương mại ở mức thấp, mặt bằng lãi suất giảm, dự trữ ngoại tệ tăng…, các giải pháp trên TTCK như vấn đề thuế, phí, kéo dài thời gian giao dịch, nới biên độ dao động, giao dịch ký quỹ và công tác tái cấu trúc TTCK bước đầu có tác dụng tích cực, nên TTCK đã có những khởi sắc.

Cho đến cuối tháng 9, chỉ số VN-Index tăng trên 18% so với cuối năm 2012 và TTCK Việt Nam được đánh giá là có mức tăng cao so với các thị trường trên thế giới, mặc dù chúng ta không thực hiện các biện pháp nới lỏng tiền tệ như các nước. Chỉ số thị trường cũng ít biến động hơn và duy trì ở mặt bằng cao so với năm trước. Mức vốn hóa cũng tăng khoảng 134.000 tỷ đồng, tương đương 30% GDP; quy mô giao dịch bình quân mỗi phiên bao gồm cả trái phiếu đạt 2.664 tỷ đồng, tăng 25% so với bình quân năm 2012. Tổng giá trị huy động vốn cả cổ phiếu và trái phiếu ước đạt 165.000 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về mặt cơ chế chính sách hỗ trợ sự phát triển lành mạnh của TTCK, ngoài một số văn bản vừa được ban hành và có hiệu lực như Nghị định 108/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, thay thế cho Nghị định 85; Thông tư 73/2013/TT-BTC về hướng dẫn niêm yết…, trong quý IV này, một số trọng tâm chính sách sẽ được ưu tiên thực hiện.

Đó là: (i) hoàn thiện trình ban hành Quyết định thay thế Quyết định 55 về tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam; (ii) hoàn hiện hệ thống giao dịch các loại hình quỹ mới như quỹ mở, quỹ ETF; (iii) hoàn thiện cơ chế chính sách về thuế, chế độ kế toán đối với các loại hình quỹ; chế độ kế toán đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán và thị trường vốn; (iv) tiếp tục nghiên cứu và đề xuất về việc cho phép DN phát hành dưới mệnh giá nhằm tạo điều kiện cho DN trong việc huy động vốn; (v) xây dựng Đề án và Nghị định về TTCK phái sinh; đề án hợp nhất Sở Giao dịch Chứng khoán (GDCK); (vi) tiếp tục thúc đẩy công tác tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo hướng bền vững hơn.

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của các DN lớn trên TTCK. UBCKNN có chính sách gì để khích lệ các DN lớn niêm yết nhiều hơn trong thời gian tới, thưa ông?

Nhìn chung, các DN lớn niêm yết trên TTCK có vai trò quan trọng trên nhiều mặt.

Thứ nhất, về hoạt động sản xuất - kinh doanh, các DN lớn thường có kết quả hoạt động tốt hơn. Theo báo cáo kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2013, mặc dù doanh thu của các công ty lớn trong nhóm 30 DN lớn nhất trên sàn TP. HCM (VN30) giảm 3,7% theo đà giảm chung của các DN, nhưng tổng lợi nhuận của nhóm này tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm trước; trong khi đó, tổng lợi nhuận sau thuế của tất cả các công ty niêm yết giảm khoảng 6%.

Thứ hai, quản trị công ty (QTCT) được đánh giá cao hơn. Theo báo cáo khảo sát QTCT năm 2012 thì các công ty có vốn hóa lớn có điểm số QTCT trung bình là 46,5%, cao hơn mức trung bình 42,5% của toàn bộ mẫu khảo sát.

Thứ ba, cũng theo kết quả khảo sát năm 2012, tại các DN lớn với điểm số QTCT cao thì mức sở hữu bình quân của nước ngoài là 27,7%, cao hơn so với các DN quy mô nhỏ. Điều này phản ánh tác động của yếu tố sở hữu nước ngoài lên DN và nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài thường đòi hỏi các công ty họ đầu tư phải áp dụng những thông lệ QTCT tốt hơn, hoặc họ chỉ bỏ vốn đầu tư vào những công ty đã có chất lượng QTCT tốt.

Ngoài ra, do tỷ trọng vốn hóa thị trường của các công ty lớn và tính thanh khoản của các công ty lớn do tính đại chúng, QTCT, công bố thông tin được đánh giá hiệu quả hơn nên sự ảnh hưởng tới diễn biến thị trường, tính thanh khoản cũng mạnh hơn và phản ánh xác thực mối quan hệ cung - cầu trên thị trường, góp phần hạn chế khả năng thao túng có thể có ở các cổ phiếu của các công ty thanh khoản thấp, mức vốn hóa nhỏ.

Với những vai trò quan trọng như nói ở trên, chúng tôi luôn ủng hộ mạnh mẽ việc các DN lớn niêm yết trên TTCK, nhưng trước hết phải tùy thuộc vào phía nhu cầu và động lực của DN. Nếu DN muốn nâng cao QTCT, tăng tính công khai, minh bạch, huy động vốn và thu hút sự quan tâm của NĐT, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài và nâng cao hình ảnh thì việc tham gia niêm yết trên TTCK sẽ là một phương thức hiệu quả nhất.

Về phía cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các DN lớn niêm yết, hiện nay, tiêu chuẩn niêm yết đã được nâng cao theo Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012. Theo đó, vốn tối thiểu tại Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh tăng từ 80 tỷ đồng lên 120 tỷ đồng; tại Sở GDCK Hà Nội tăng từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng; tiêu chuẩn về lãi có bổ sung yêu cầu không có lỗ lũy kế và chỉ tiêu lãi trên vốn chủ sở hữu (ROE) phải tối thiểu 5%... Điều này giúp nâng cao chất lượng của các chứng khoán niêm yết, qua đó thúc đẩy sự quan tâm của các NĐT đối với các công ty niêm yết, đặc biệt là các công ty lớn, làm ăn hiệu quả.

NĐT nước ngoài, nhất là NĐT tổ chức, thường có mối quan tâm đặc biệt đến các DN lớn, hoạt động bài bản và hiệu quả. Ở vai trò quản lý, điều hành TTCK, UBCKNN đã và đang có những hành động gì để kết nối nhu cầu tìm hiểu/đầu tư của các NĐT chuyên nghiệp, với các DN tầm cỡ trên TTCK Việt Nam, thưa ông?

Với vai trò của cơ quan quản lý đối với TTCK, ngoài việc tích cực xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho TTCK theo các thông lệ, chuẩn mực quốc tế, UBCKNN cũng chú trọng tranh thủ các kênh để tìm hiểu, quảng bá và thu hút sự quan tâm của NĐT nước ngoài đối với TTCK Việt Nam. Tại các Diễn đàn DN Việt Nam, trong đó có Nhóm công tác thị trường vốn, được tổ chức hàng năm, UBCKNN thường xuyên tham gia, trao đổi, cập nhật, phản hồi và có những điều chỉnh về cơ chế, chính sách kịp thời, phù hợp theo những kiến nghị của Nhóm công tác, từ đó thúc đẩy sự quan tâm của các NĐT nước ngoài.

UBCKNN cũng tích cực tham gia các diễn đàn hợp tác song phương và đa phương như diễn đàn các thị trường vốn ASEAN (ACMF), đặc biệt là việc tham gia Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO). Thông qua các diễn đàn và cơ chế hợp tác đó, UBCKNN đã nỗ lực để nâng cao vị thế và hình ảnh của TTCK Việt Nam đối với các NĐT nước ngoài. Trong các hợp tác song phương, UBCKNN thường xuyên tranh thủ để giới thiệu và quảng bá TTCK Việt Nam với các định chế đầu tư nước ngoài tại các nước sở tại. Ngoài ra, UBCKNN cũng ủng hộ và khuyến khích các hiệp hội, các trung gian tài chính tổ chức các buổi giới thiệu thị trường và công ty niêm yết với các tổ chức tài chính và NĐT nước ngoài.

Tuy nhiên, nhân đây, về phía các tổ chức trung gian trong nước cũng như các DN niêm yết, tôi đề nghị cũng cần chủ động, tích cực hơn trong việc xây dựng và áp dụng các phương thức tiếp cận, quảng bá bài bản, chuyên nghiệp hơn đối với các NĐT nước ngoài; đồng thời cần chú trọng tạo dựng thực lực và áp dụng các nguyên tắc quản trị hiện đại để nâng cao uy tín, hình ảnh của bản thân tổ chức trung gian, công ty cũng như thị trường.

Dự báo của ông về triển vọng TTCK quý IV/2013 và năm 2014?

Diễn biến TTCK đang tiếp tục phản ánh trung thực về điều kiện kinh tế vĩ mô cũng như hoạt động của DN. Do vậy, như chúng ta thấy trong thời gian qua, với điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định hơn, TTCK cũng đã có chiều hướng đi lên và ít biến động mạnh. Tuy nhiên, để thị trường sắp tới tiếp tục phát triển ổn định thì phụ thuộc rất lớn vào kết quả hoạt động của DN, vấn đề xử lý nợ xấu, tái cấu trúc nền kinh tế và đặc biệt là việc khơi thông dòng vốn cho đầu tư phát triển.

Để giải quyết bài toán về vốn, bên cạnh nỗ lực của ngân hàng, việc thúc đẩy TTCK thông qua các giải pháp thiết thực, mang tính chất đột phá và đổi mới có vai trò rất quan trọng. Chúng tôi vẫn luôn tin tưởng vào việc triển khai các giải pháp chung của Chính phủ. Chúng ta đang đi đúng định hướng, vấn đề là sự phối hợp và cần có thời gian để các giải pháp đi vào cuộc sống.