Dồn dập các gói lãi suất ưu đãi cuối năm

Thu Huyền

(Tài chính) Thời điểm cuối năm, các ngân hàng liên tục tung ra nhiều gói tín dụng mới với lãi suất “mềm”. Điều này vừa giúp các doanh nghiệp (DN) chạy nước rút hoàn thành kế hoạch cũng là cách các ngân hàng tự cứu mình.

Nhiều gói lãi suất ưu đãi được các ngân hàng tung ra dịp cuối năm. Nguồn: internet
Nhiều gói lãi suất ưu đãi được các ngân hàng tung ra dịp cuối năm. Nguồn: internet

Đua lãi suất huy động và cho vay

Càng gần cuối năm, các ngân hàng dồn dập tung ra các gói cho vay lãi suất rất thấp để thu hút khách hàng, chỉ từ 7-9%/năm. Chưa khi nào lãi suất huy động - cho vay lại ở mức thấp như vậy.

Cụ thể, ABBank dành gói tín dụng 1.500 tỷ đồng cho DN vay với lãi suất chỉ 7,9%/năm, gói 70 triệu USD cho vay lãi suất 3,2%/năm. Mức lãi vay 7,9%/năm này chỉ nhỉnh hơn lãi suất huy động của Oceanbank, Vietcombank, Techcombank… khoảng 0,4%.

Trong khi đó, HDBank hiện đang triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ từ 8 - 8,5%/năm, bổ sung vốn lưu động phục vụ các phương án, dự án sản xuất kinh doanh hàng xuất nhập khẩu và hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Trường hợp DN trả nợ trước hạn vào ngày điều chỉnh lãi suất, HDBank linh hoạt miễn phí trả trước hạn.

Đại diện HDBank cũng nhìn nhận, nếu trước đây thời điểm cuối năm nhiều ngân hàng thường gặp khó khăn thanh khoản và khó đẩy mạnh cho vay, thì hiện nay nguồn vốn khả dụng nhìn chung khá dồi dào, đặc biệt tỷ lệ cho vay so với huy động (LDR) đã giảm xuống mức thấp (riêng khối ngân hàng cổ phần chỉ ở khoảng 75%), tạo điều kiện để dòng vốn chảy mạnh hơn.

Không chỉ cạnh tranh cho vay, cuộc đua lãi suất huy động cũng hết sức căng thẳng, so kè từng kỳ hạn gửi tiền. Ngân hàng Techcombank tăng lãi suất kỳ hạn dưới 12 tháng lên mức 6,75 - 7,45%/năm, thì lập tức Oceanbank chào mời lãi suất 7 - 7,5%/năm. Còn lãi suất kỳ hạn trên 12 tháng dao động từ 8 - 8,5%/năm.

Ngân hàng Vietinbank đã tăng lãi suất huy động kỳ hạn 1 - 3 tháng lên mức 6,5%/năm, từ 3 - 12 tháng là 7%/năm. Với tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, ngân hàng áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận tùy theo từng chi nhánh, phòng giao dịch và lượng tiền khách hàng gửi.

Tại Vietcombank, lãi suất huy động cũng tăng lên 7 - 7,5%/năm (kỳ hạn 6 - 12 tháng), 6,5 - 6,8%/năm (kỳ hạn 3, 2 tháng), nhưng kỳ hạn 1 tháng, lãi suất giảm còn 5%/năm.

Chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra quá thấp đã khiến nhiều người lo ngại rằng các ngân hàng sẽ hết lãi. Tuy nhiên, một lãnh đạo của SHB cho hay, vốn huy động kỳ hạn ngắn của ngân hàng chỉ có lãi suất khoảng 7%/năm. Ngoài ra, ngân hàng có nhiều nguồn vốn chi phí thấp như tiền gửi thanh toán của DN, nguồn vốn vay liên ngân hàng, vốn ủy thác... Đó là lý do khiến ngân hàng có thể phân bổ lượng vốn rẻ cho sản xuất, kinh doanh dịp cuối năm.

Doanh nghiệp “nhẹ gánh”

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm, có 11.299 DN tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động. Các DN này chủ yếu tập trung ở các ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (4.060 DN); xây dựng (1.918 DN); công nghiệp chế biến, chế tạo (1.628 DN).

Để thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh, đặc biệt trong những tháng cuối năm, DN phải cần rất nhiều vốn để đầu tư sản xuất. Do vậy, việc các ngân hàng đưa ra nhiều gói ưu đãi hấp dẫn về vốn vay đã giúp DN có thêm động lực, cơ hội để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Dòng chảy tín dụng mạnh lên, lãi suất ổn định sẽ góp phần hỗ trợ DN nắm bắt cơ hội tiếp cận vốn để phục hồi, thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đây cũng là một động lực để kỳ vọng kinh tế vĩ mô sẽ có chuyển biến mới cuối năm 2013 đầu năm 2014.

Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, mức lãi suất cho vay đối với các DN hiện nay là khá hấp dẫn, có tính ổn định cao và tạo sự chủ động về chi phí cho DN, nhất là khi gói này tập trung cho vay ngắn hạn (tối đa 6 tháng). Mặt khác, với xu hướng ổn định của lạm phát và sự bám sát trong điều hành của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất từ nay đến cuối năm dự báo sẽ tiếp tục ổn định.

Bên cạnh đó, chính sách sử dụng trần lãi suất huy động đối với kỳ hạn ngắn (6 tháng trở xuống) và lãi suất kỳ hạn trên 6 tháng do ngân hàng thương mại tự quyết định, tiền gửi đã được dịch chuyển sang kỳ hạn dài hơn. Khi nguồn vốn huy động ổn định và dài hạn hơn sẽ giúp các ngân hàng có cơ sở để chủ động hơn trong sử dụng vốn.

Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng khuyến nghị rằng: Bên cạnh việc duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, để nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng tốt thì cần phải kích thích cầu của nền kinh tế, mà cụ thể là nhu cầu tiêu dùng của người dân. Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế thì thực chất cách làm này là khơi thông đầu ra cho khu vực sản xuất, giúp hoạt động sản xuất - kinh doanh phát triển.

Với nhiều giải pháp quản lý vĩ mô của Chính phủ, đến nay mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm dần và nguồn vốn từ ngân hàng đã "chảy" mạnh vào sản xuất. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đã có sự kết nối với DN nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay.