Dọn dẹp sở hữu chéo đón đối tác ngoại

Theo Hoàng Hà/thoibaokinhdoanh.vn

Các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước đang tận dụng cổ phiếu lên "ngôi vua" để thoái vốn nhằm làm sạch sở hữu chéo, cải thiện chỉ số tài chính, hệ số an toàn vốn (CAR) toan tính đón nhà đầu tư ngoại.

Việc dọn dẹp, làm sạch bảng cân đối tài sản được xem là một bước chuẩn bị sẵn sàng để khi room ngoại được mở rộng hơn, ngân hàng dễ gọi vốn thành công. Nguồn: Internet
Việc dọn dẹp, làm sạch bảng cân đối tài sản được xem là một bước chuẩn bị sẵn sàng để khi room ngoại được mở rộng hơn, ngân hàng dễ gọi vốn thành công. Nguồn: Internet

Thoái vốn khỏi tổ chức tín dụng (TCTD) khác không chỉ để thực hiện quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về giảm tỷ lệ sở hữu chéo, mà còn được xem là một mũi tên trúng nhiều đích.

Từ đầu tháng 10 đến nay, thông tin thoái vốn tại một số ngân hàng đang có tình trạng sở hữu chéo vượt quy định của NHNN liên tục được công bố.

Cuộc đua thoái vốn

Dự kiến ngày 12/10 tới, Vietcombank sẽ chào bán 53,4 triệu cổ phiếu đang sở hữu tại MB với giá khởi điểm 19.641 đồng/cp, giảm tỷ lệ sở hữu từ 6,97% vốn xuống còn 4,5%.

Tiếp đó, ngày 22/10, Vietcombank đấu giá công khai 45,6 triệu cổ phiếu của Eximbank với giá khởi điểm 14.497 đồng/cp, giảm tỷ lệ sở hữu từ 8,19% xuống dưới 5%.

Nếu thoái vốn thành công, Vietcombank chỉ còn nắm giữ cổ phần của MB và Eximbank theo đúng quy định của Thông tư 36.

Không chỉ các ngân hàng đang nắm cổ phần vượt giới hạn, mà ngay cả ngân hàng nằm trong ngưỡng cho phép cũng mong muốn được thoái vốn như trường hợp VietinBank – dù chỉ còn nắm dưới 5% cổ phần tại Saigonbank.

Mới đây, VietinBank công bố thông tin về việc sẽ thoái toàn bộ hơn 15 triệu cổ phần, tương đương 4,91% vốn sở hữu tại Saigonbank. Đáng chú ý, đây là lần thứ hai, VietinBank rao bán lượng cổ phần sở hữu tại Saigonbank.

Trước đó, năm 2016, VietinBank đã bán gần 17 triệu cổ phần tương đương 5,48% vốn cổ phần Saigonbank với mức giá khởi điểm 10.800 đồng/cp; giảm sở hữu tại Saigonbank xuống 4,91% như hiện nay.

Động thái của Vietcombank và VietinBank không chỉ nhằm đáp ứng quy định về sở hữu chéo của các TCTD theo yêu cầu của NHNN, mà còn là cách để các nhà băng này nâng vốn đáp ứng tiêu chuẩn quản trị rủi ro Basel II.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho biết: "Chưa bao giờ việc tăng vốn lại cấp bách như hiện nay. Với tỷ lệ hệ số an toàn vốn (CAR) đang có, nếu áp chuẩn Basel II thì các ngân hàng phải nâng vốn lên thậm chí gấp đôi mới đạt".

Hút nhà đầu tư nước ngoài

Trước những khó khăn về việc tăng vốn, mới đây, Chính phủ đã đồng ý cho các ngân hàng thương mại nhà nước được phép giữ lại lợi nhuận để tăng vốn.

Theo tính toán của các chuyên gia, nếu phương án thoái vốn của các ngân hàng trên hoàn thành có thể thu về hàng nghìn tỷ đồng.

Nhận định của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho thấy, các khoản thu từ thoái vốn khỏi OCB, Vietnam Airlines, Eximbank và MB sẽ đóng góp vào khoản lợi nhuận tổng cộng 1.600 tỷ đồng, chiếm 16% tăng trưởng của Vietcombank. Khoản này sẽ được ghi nhận vào thu nhập ngoài lãi trong năm 2018.

VCSC cũng dự báo mức lợi nhuận sau thuế của Vietcombank trong năm 2018 đạt 14.205 tỷ đồng, tăng gần 56%.

Còn với VietinBank, nếu chỉ tính riêng khoản đấu giá thành công 15.121.635 cổ phần của Saigonbank với mức giá ước khoảng 10.000 đồng/cp có thể thu về khoảng 150 tỷ đồng.

Theo nhận định của giới phân tích chứng khoán, thành công của các thương vụ này sẽ rất cao bởi giá cổ phiếu ngành ngân hàng thời điểm này đang ở "đỉnh cao", hấp dẫn nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, giúp các nhà băng dễ dàng thoái vốn.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng trong thời điểm cổ phiếu ngành ngân hàng đang đà "thăng hoa", việc làm sạch tỷ lệ sở hữu chéo sẽ giúp các nhà băng nâng cao được năng lực tài chính, tăng "sức khỏe", minh bạch hơn, tạo được sức hút với các nhà đầu tư chiến lược.

Có thể nói, sau một thời gian tái cơ cấu đầy khó khăn, từ cuối năm 2017 đến nay, các nhà đầu tư ngoại đã đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của ngành ngân hàng. Nhiều ngân hàng đã bán cổ phần thành công cho các nhà đầu tư ngoại như: TPBank, Techcombank, HDBank…

Tuy nhiên, hiện còn vướng mắc là quy định về tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tại một TCTD trong nước không được vượt quá 30%.

Theo lãnh đạo một số ngân hàng, tỷ lệ sở hữu như vậy quá thấp. Nhiều cổ đông chiến lược tiềm năng đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng nhưng lại muốn nới thêm room.

Một lãnh đạo NHNN cho biết Chính phủ hiện cũng đang chủ trương giảm sở hữu nhà nước, tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng quốc doanh lên mức trên 30%.

Vì vậy, việc dọn dẹp, làm sạch bảng cân đối tài sản được xem là một bước chuẩn bị sẵn sàng để khi room ngoại được mở rộng hơn, ngân hàng dễ gọi vốn thành công.