Đồng bộ các quy định xử phạt vi phạm chứng khoán

PV.

(Tài chính) Trong 6 tháng đầu năm 2013, các vụ vi phạm trên thị trường chứng khoán (TTCK) đã giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Đây chính là kết quả tích cực sau nhiều giải pháp quản lý đồng bộ của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Đặc biệt, theo nhiều chuyên gia chứng khoán, với việc một số hướng dẫn áp dụng đối với các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính - kế toán và chứng khoán trong Bộ Luật Hình sự sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8 tới đây, chắc chắn sẽ làm “chùn tay” các tổ chức và cá nhân có ý định vi phạm.

Hàng loạt các quy định về xử phạt vi phạm trên TTCK của Bộ Tài chính kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo niềm tin cho các NĐT trong và ngoài nước, giúp thị trường phát triển ổn định và bền vững. Nguồn: Internet
Hàng loạt các quy định về xử phạt vi phạm trên TTCK của Bộ Tài chính kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo niềm tin cho các NĐT trong và ngoài nước, giúp thị trường phát triển ổn định và bền vững. Nguồn: Internet

Vi phạm có xu hướng giảm

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), trong 6 tháng đầu năm, UBCKNN đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 3 công ty chứng khoán (CTCK); xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật và hỗ trợ tích cực cho công tác tái cấu trúc các CTCK. UBCKNN cũng đã tiếp tục tăng cường giám sát, kiểm tra các CTCK về giao dịch ký quỹ, bán khống.

Về hoạt động thanh tra, giám sát thị trường, UBCKNN tiếp tục tăng cường giám sát thông qua tin đồn, báo cáo và kiểm tra trực tiếp, phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, đặc biệt là các trường hợp vi phạm chế độ các quy định về giao dịch của các CTCK và các tổ chức, cá nhân có hành vi làm giá, thao túng thị trường; thanh tra và xử lý dứt điểm các vụ thao túng, nội gián, giả mạo hồ sơ.

Theo báo cáo của UBCKNN, trong 6 tháng đầu năm 2013, số lượng các vụ vi phạm giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, cơ quan này đã tiến hành xử phạt 47 tổ chức và cá nhân, tổng số tiền phạt là 3,153 tỷ đồng trong khi đó, cùng kỳ năm trước có tới 74 tổ chức và cá nhân bị xử phạt với tổng số tiền lên tới 4,4 tỷ đồng. Như vậy, số vụ vi phạm 6 tháng đầu năm đã giảm 37%, số tiền xử phạt giảm 28%so với cùng kỳ năm 2012.

Thống kê cũng cho thấy, vi phạm của các tổ chức thường liên quan đến việc công bố thông tin với các lỗi như chậm nộp báo cáo tài chính, báo cáo thường niên, thay đổi tỷ lệ sở hữu…. Trong số các tổ chức vi phạm, có 5 CTCK đã bị UBCKNN xử phạt với mức xử phạt phổ biến nằm trong khoảng 50-80 triệu đồng. Đáng chú ý có trường hợp của CTCK Golden Bridge đã bị phạt tới 320 triệu đồng với vi phạm liên quan đến việc khách hàng mua cổ phiếu không có tiền trên tài khoản và thực hiện giao dịch bán khống. Trong khi đó, đối với các cá nhân, vi phạm chủ yếu liên quan đến công bố thông tin giao dịch với mức xử phạt phổ biến từ 40-50 triệu đồng. Cá biệt có trường hợp mức xử phạt cao của NĐT cá nhân Nguyễn Quang Hải do thao túng giá tạo cung cầu giả với CTCP Khai thác và Chế biến Khoáng sản Bắc Giang (BGM) đã bị phạt 331 triệu đồng.

UBCKNN cho biết, trong 6 tháng cuối năm, cơ quan này tiếp tục tăng cường công tác giám sát giao dịch, kịp thời phát hiện các dấu hiệu giao dịch bất thường, giao dịch nội bộ, thao túng giá chứng khoán; phối hợp với các đơn vị liên quan phân tích, nhận định dấu hiệu giao dịch bất thường; thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trên TTCK.

Hoàn thiện chế tài

Các vụ vi phạm có xu hướng giảm trên TTCK trong 6 tháng đầu năm 2013 cho thấy các biện pháp mạnh tay của Bộ Tài chính và UBCKNN đưa ra mới đây đã bắt đầu phát huy tác dụng. Đây chính là kết quả tích cực từ công tác hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển thị trường tiếp tục được chú trọng trong thời gian qua.

UBCKNN cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2013, cơ quan này soạn thảo các văn bản pháp quy trình Chính phủ và Bộ Tài chính ký ban hành 14 văn bản và đang tiếp tục soạn thảo Nghị định thay thế NĐ 85/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK.

Mới đây nhất, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư liên tịch số 10/2013/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 26/06/2013 hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ Luật Hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính - kế toán và chứng khoán. Theo đó, nhằm giúp xác định rõ các hành vi vi phạm trên TTCK để áp dụng đụng và thống nhất với các quy định của Bộ Luật Hình sự, Thông tư này đã quy định chi tiết một số vi phạm thường diễn ra trên thị trường.

Thông tư quy định rõ: Về tội thao túng giá chứng khoán, hành vi gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 1 Điều 181c của Bộ Luật Hình sự là trường hợp gây thiệt hại vật chất cho nhà đầu tư (NĐT) với số tiền từ 01 tỷ đồng đến dưới 03 tỷ đồng. Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng quy định tại điểm c khoản 2 Điều 181c của Bộ Luật Hình sự là trường hợp gây thiệt hại về vật chất cho NĐT với số tiền từ 03 tỷ đồng trở lên. Ngoài việc gây hậu quả là thiệt hại về vật chất, hành vi phạm tội còn có thể gây ra các hậu quả phi vật chất như: gây ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về TTCK; làm mất niềm tin của NĐT vào thị TTCK; làm ảnh hưởng đến sự công bằng, tính minh bạch, công khai và an toàn của TTCK. Trong các trường hợp này phải tùy vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ hậu quả do tội phạm gây ra thuộc loại nào: nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng.

Cũng theo Thông tư này, đối với tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán, thì hành vi gây hậu quả nghiêm trọng là trường hợp gây thiệt hại về vật chất cho NĐT với số tiền từ 01 tỷ đồng đến dưới 03 tỷ đồng. Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng là trường hợp gây thiệt hại về vật chất cho NĐT từ 03 tỷ đồng trở lên…

Đối với tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Điều 181b Bộ Luật Hình sự), thì thu lợi bất chính lớn là thu được một khoản lợi có trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng từ việc thực hiện hành vi phạm tội nêu trên. Thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn là thu được một khoản lợi có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên từ việc thực hiện hành vi phạm tội nêu trên. Trong khi đó, gây hậu quả nghiêm trọng là trường hợp gây thiệt hại về vật chất cho NĐT với số tiền từ 01 tỷ đồng trở lên…

Các chuyên gia chứng khoán nhận định, với việc đưa ra nhiều chính sách quản lý thị trường và các chế tài xử phạt nghiêm khắc, chắc chắn trong thời gian tới, những vi phạm trên TTCK sẽ giảm mạnh, qua đó tạo niềm tin cho NĐT, thúc đẩy thị trường phát triển ổn định và bền vững.