Dòng tiền ngoại lớn sẵn sàng nhập cuộc

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Các tổ chức đầu tư nước ngoài khẳng định, họ sẵn sàng bơm vốn nếu doanh nghiệp được phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá.

Dòng tiền ngoại lớn sẵn sàng nhập cuộc
Khi được tiếp thêm vốn từ các cổ đông, nhiều DN có thị trường và công nghệ tốt sẽ có cơ hội khôi phục hoạt động. Nguồn: internet

Không phải “đặc sản” của Việt Nam

Các tổ chức đầu tư nước ngoài đang là cổ đông lớn của nhiều doanh nghiệp (DN) niêm yết đề nghị Việt Nam cần sớm cho phép DN được phát hành dưới mệnh giá.

Hiện là cổ đông lớn của nhiều DN niêm yết như Công ty cổ phần (CTCP) Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC), CTCP Chứng khoán Châu Á -Thái Bình Dương (APS)…, ông Harianto Solichin, Chủ tịch Nikko Securities Indonesia nhìn nhận, việc cho phép DN niêm yết được phát hành dưới mệnh giá không phải là “đặc sản” của Việt Nam, mà là cách làm được nhiều thị trường áp dụng thành công, trong đó có các thị trường lân cận Việt Nam như Indonesia, Thái Lan.

“Giai đoạn 1998 - 2000, hàng loạt chứng khoán ngân hàng tại Indonesia và Thái Lan nhờ được tái cấp vốn dưới mệnh giá nên đã hồi sinh, qua đó không chỉ bảo toàn mà còn gia tăng lợi ích cho cổ đông”, ông Harianto nói.

Các tổ chức đầu tư nước ngoài lấy làm tiếc khi tại Việt Nam, đề xuất của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) về cơ chế cho phép DN niêm yết được phép phát hành dưới mệnh giá sau gần một năm trì hoãn, đến nay vẫn chưa có tín hiệu sớm được cấp có thẩm quyền cho phép triển khai. 

“Cho phép phát hành dưới mệnh giá là để góp phần cải thiện tình hình mất cân đối tài chính của các DN niêm yết, nhất là trong bối cảnh họ vẫn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận nguồn vốn của hệ thống ngân hàng”, ông David O’Neil, Tổng giám đốc Asean Small Cap Fund (hiện là cổ đông lớn của nhiều DN đang niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội như CTCK Thương mại và công nghiệp Việt Nam, CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long, CTCP Đầu tư Châu Á-Thái Bình Dương) nói.

Ông O’Neil cho biết, từ kinh nghiệm áp dụng cơ chế này tại các thị trường chứng khoán (TTCK) trên thế giới, cũng như thực tiễn TTCK Việt Nam cho thấy, một khi cho phép DN được phát hành dưới mệnh giá sẽ mang lại nhiều lợi ích cho không chỉ DN, nền kinh tế, mà còn là minh chứng rõ nét cho thấy TTCK chính là kênh tài trợ vốn hiệu quả cho DN. Khi được tiếp thêm vốn từ các cổ đông, nhiều DN có thị trường và công nghệ tốt sẽ có cơ hội khôi phục hoạt động.

Dĩ nhiên, cơ chế cho phép DN phát hành dưới mệnh giá cần được thiết kế theo hướng hài hòa giữa bảo vệ quyền và lợi ích của cổ đông với đáp ứng nhu cầu vốn chính đáng của DN. Điều này đã được cụ thể hóa trong đề xuất của UBCKNN là muốn phát hành dưới mệnh giá, DN phải có thặng dư vốn cổ phần, hay lợi nhuận chưa phân phối đủ bù đắp số thiếu hụt ở vốn chủ sở hữu từ đợt chào bán cổ phần dưới mệnh giá; sau khi phát hành, vốn điều lệ phải nhỏ hơn hoặc bằng vốn chủ sở hữu...

Ở một khía cạnh nào đó, nhu cầu huy động vốn dưới mệnh giá của DN cũng chính là nhu cầu của cổ đông, bởi DN có vốn thì mới khôi phục hoạt động, qua đó mở ra cơ hội gia tăng lợi ích cho cổ đông.

Hơn nữa, phương án phát hành dưới mệnh giá cũng do chính cổ đông thông qua, có nghĩa là xuất phát từ nhu cầu huy động vốn của cổ đông và DN, nên các cấp quản lý cần sớm trao quyền chủ động huy động vốn nhiều hơn cho DN, tránh can thiệp quá sâu vào hoạt động của DN.

Cổ đông ngoại sẵn sàng bơm vốn

Khi được hỏi cổ đông ngoại có sẵn sàng tham gia các đợt DN phát hành dưới mệnh giá nếu pháp lý cho phép, các tổ chức đầu tư nước ngoài khẳng định, họ sẵn sàng bơm vốn để giúp DN lấy lại đà phát triển, qua đó gia tăng giá trị cho khoản đầu tư mà họ đã giải ngân vào DN.

“Chúng tôi đầu tư trung và dài hạn vào các cổ phiếu của DN tư nhân đang niêm yết. Trong đó, tập trung vào các cổ phiếu có thị giá bị chiết khấu lớn so với giá trị thực của DN. Bởi vậy, khi pháp lý cho phép, chúng tôi sẵn sàng tham gia các đợt phát hành dưới mệnh giá của DN, để họ có thêm vốn sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh rất nhiều DN không thể vay vốn từ ngân hàng”, ông David O’Neil chia sẻ và cho rằng, đây là giải pháp quan trọng giúp DN dần lấy lại đà phục hồi tăng trưởng. Qua đó, gia tăng giá trị cho các khoản mục đầu tư mà Asean Small Cap Fund đã giải ngân vào nhiều DN.

Được biết, một trong những trọng tâm chính sách được UBCKNN theo đuổi trong quý IV/2013 là tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép DN phát hành dưới mệnh giá nhằm tạo điều kiện cho DN huy động vốn. Với tín hiệu này, giới đầu tư kỳ vọng, cơ chế phát hành dưới mệnh giá sẽ sớm được thông qua, để tạo thêm động lực phát triển mới cho DN, cũng như TTCK.