Đột phá lợi nhuận từ dịch vụ

Theo Thanh Hoa/thoibaokinhdoanh.vn

Hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp hạn hẹp hơn mọi năm, song nhiều ngân hàng vẫn gia tăng lợi nhuận nhờ đóng góp lớn từ mảng dịch vụ phi truyền thống.

Nhìn vào bảng báo cáo tài chính quý III vừa được một số ngân hàng công bố có thể thấy ngay một số kết quả tích cực từ sự chuyển đổi doanh thu ở mảng dịch vụ. Nguồn: Internet
Nhìn vào bảng báo cáo tài chính quý III vừa được một số ngân hàng công bố có thể thấy ngay một số kết quả tích cực từ sự chuyển đổi doanh thu ở mảng dịch vụ. Nguồn: Internet

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo từ năm 2018-2020, tăng trưởng thu nhập dịch vụ chính bao gồm thu nhập từ thanh toán và liên kết bán bảo hiểm (bancassurance) ở các ngân hàng sẽ ở mức 20- 30%/năm, tỷ trọng của thu nhập phí trên tổng thu nhập hoạt động sẽ tăng từ 8% năm 2017 lên 13% vào năm 2022.

"Trái ngọt" từ chuyển đổi

Nhìn vào bảng báo cáo tài chính quý III vừa được một số ngân hàng công bố có thể thấy ngay một số kết quả tích cực từ sự chuyển đổi doanh thu ở mảng dịch vụ.

Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) ghi nhận tổng thu nhập hoạt đồng thuần không bao gồm lợi nhuận từ công ty con chuyển về đạt hơn 10.700 tỷ đồng, góp phần đạt lợi nhuận trước thuế ở mức hơn 3.800 tỷ đồng.

Trong đó, nguồn thu từ phí đã tăng 38% so với kết quả của quý II. Những nỗ lực và đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng số và tự động hóa hệ thống vận hành đã và đang giúp nhà băng này tối ưu hóa chi phí hoạt động và duy trì tỷ lệ CIR (chi phí trên thu nhập) ở mức hiệu quả (35%) và tỷ lệ ROE (lợi nhuận trên vốn) ở mức cao (21,2%).

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng đã công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2018. Theo đó, thu nhập từ lãi tăng 22% lên 2.070 tỷ đồng, lãi từ dịch vụ tăng 37% lên 626 tỷ đồng, lãi từ kinh doanh ngoại hối 66% lên 153 tỷ đồng, lãi từ hoạt động khác tăng 9% lên 91 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính quý III cũng cho thấy hướng đi của Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank) là hoàn toàn đúng khi mảng dịch vụ có sự tăng trưởng mạnh đóng góp tích cực vào lợi nhuận.

Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của LienVietPostBank đạt 167.328 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cuối năm 2017. Đặc biệt, trong quý này, LienVietPostbank đạt lãi thuần 1.266 tỷ đồng, giảm gần 7%, trong khi đó lãi từ dịch vụ đạt 41 tỷ đồng, tăng 78%, lãi từ chứng khoán đầu tư 86 tỷ đồng, tăng 7,6 lần so với cùng kỳ 2017.

Việc chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu sang mảng bán lẻ, thu dịch vụ cũng đã mang lại lợi nhuận tăng trưởng tốt cho Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank) trong quý III.

Trừ hoạt động kinh doanh chứng khoán, đầu tư và góp vốn dài hạn đang lỗ là 29 tỷ đồng, các mảng còn lại đều tăng trưởng tốt. Lãi thuần đem lại cho ngân hàng 3.632 tỷ đồng, tăng 28%, lãi từ dịch vụ 710 tỷ đồng, tăng 89%, lãi từ hoạt động khác 356 tỷ đồng, tăng 30% giúp tổng thu nhập tăng 32% so với cùng kỳ 2017.

Theo đánh giá của các chuyên gia ngành ngân hàng, tín dụng vẫn là hoạt động kinh doanh cốt lõi, đem về nguồn thu chủ yếu cho các nhà băng, nhưng cũng mang lại không ít rủi ro.

Vượt qua 3 thách thức

"Nếu như việc cho vay vốn còn phụ thuộc vào kết qua kinh doanh của doanh nghiệp, thì việc cho vay vốn, kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán và góp vốn, mua cổ phần dễ bị tác động bởi thị trường. Vì vậy, những rủi ro có thể đến bất cứ lúc nào. Trong khi đó, hoạt động dịch vụ lại có thu nhập bền vững và có tính an toàn cao bởi tiền trao cháo múc", một chuyên gia nói.

Từ thực tế mảng dịch vụ đang thay đổi cơ cấu nguồn thu, nhiều nhà băng đang từng bước chuyển dịch hoạt động sang lĩnh vực này.

Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá còn gặp nhiều cản trở. Trong đó, ba yếu tố gây nhiều khó khăn nhất hiện nay là chất lượng dịch vụ, chi phí ngân hàng và thói quen sử dụng của khách hàng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ, khách hàng ở Việt Nam được "nuông chiều" bằng các chương trình khuyến mãi đi nước ngoài hay các sản phẩm gia dụng…, nhưng ngược lại vẫn còn nhiều khách hàng phản ánh về thái độ thiếu sự thân thiện, nhiệt tình, chuyên nghiệp trong công việc của các nhân viên ngân hàng.

Ngoài ra, các loại phi phí dịch vụ ATM vẫn còn nhiều mập mờ, không có sự minh bạch, trong khi chất lượng chưa tương xứng khiến khách hàng chưa cảm thấy hài lòng, thỏa mãn nên nhiều người vẫn còn dè dặt khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng.

Bên cạnh đó, mức thu nhập bình quân hiện nay của người lao động Việt Nam còn thấp, đạt khoảng 5,5 triệu/tháng, nên nhiều người cho rằng mức phí dịch vụ ngân hàng còn cao, do đó vẫn duy trì thói quen thanh toán bằng tiền mặt.

"Những ngân hàng nào sớm cải thiện được những tồn tại trên sẽ có được nhiều lợi thế khi thu hút khách hàng, dần dần đem về nguồn thu lớn trong tương lai", ông Hiếu nói.

Giới chuyên gia đánh giá, mảng dịch vụ là "mảnh đất nhiều tiềm năng" và xu hướng này đã và đang thay đổi dần trước làn sóng số hóa ngân hàng.

Nhóm nghiên cứu đến từ CTCP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) đưa ra dự báo, lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2019 sẽ tăng trưởng 19,8%, nhờ lĩnh vực này vẫn đang trong xu hướng đi lên, dù điều kiện tín dụng có thể bị siết chặt hơn.

Có thể nói, việc nhiều ngân hàng có lãi từ dịch vụ tăng mạnh dù không phát sinh những khoản thu đột biến cho thấy lợi nhuận ngành ngân hàng đang có những tăng trưởng ấn tượng, không chỉ về lượng mà còn về chất.