Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi): Kỳ vọng nâng tầm thị trường chứng khoán Việt


Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) hiện đang được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Các chuyên gia, nhà quản lý, công ty chứng khoán, nhà đầu tư đều chung kỳ vọng Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ tạo tiền đề vững chắc để nâng tầm thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sau khi được thông qua và áp dụng vào thực tiễn.

Tiếp cận chuẩn mực quốc tế, phù hợp thị trường chứng khoán Việt

Thời gian qua, các bước triển khai soạn thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã được cơ quan soạn thảo thực hiện chủ động, kịp thời, bài bản, bảo đảm trình tự, thủ tục theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Sau khi tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV và ý kiến các Đoàn Đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện nhằm bảo đảm mục tiêu, yêu cầu quan trọng của xây dựng Luật là tạo môi trường pháp lý cho sự phát triển ổn định, bền vững của TTCK.

Trong đó, Dự thảo Luật đã nâng điều kiện về vốn điều lệ đối với chào bán chứng khoán ra công chúng từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng. Quy định này sẽ góp phần nâng cao chất lượng, sự ổn định của công ty đại chúng và phù hợp với thông lệ quốc tế, quy mô TTCK cũng như tương thích với điều kiện niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội hiện nay. 

Tại Dự thảo Luật, mô hình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được quy định trực thuộc Bộ Tài chính nhằm giữ ổn định về bộ máy, tổ chức, không tăng thêm đầu mối. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mô hình này hiện nay đã và đang phát huy tác dụng tốt, giúp Bộ Tài chính quản lý thống nhất các vấn đề liên quan đến tài chính của đất nước; các chính sách phụ trợ cho sự phát triển của TTCK được ban hành trong chỉnh thể đồng bộ, linh hoạt.

Đồng thời, Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã rà soát, bổ sung thêm một số quyền hạn, nhiệm vụ cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc thực thi nhiệm vụ, để có thể tiệm cận gần hơn với các nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán.

Trong đó, bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn để tăng cường vai trò cũng như trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong tổ chức, quản lý, giám sát hoạt động về chứng khoán và TTCK, bao gồm: tổ chức, phát triển TTCK; thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động nghiệp vụ chứng khoán, bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư…

Ông Nguyễn Đức Hoàn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam
Ông Nguyễn Đức Hoàn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam

Khi Luật Chứng khoán (sửa đổi) được thông qua và áp dụng vào thực tiễn sẽ giúp nâng tầm TTCK Việt Nam với các quy định, tiêu chuẩn tiệm cận các thị trường mới nổi trong khu vực. 

Để bảo đảm tính thống nhất, giảm bớt đầu mối quản trị, điều hành và minh bạch, rõ ràng trong áp dụng quy định của pháp luật, Dự thảo Luật quy định chỉ có 01 sở giao dịch chứng khoán duy nhất, là đầu mối quản trị điều hành, quản trị rủi ro và trực tiếp tổ chức giao dịch chứng khoán với tên gọi là Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp rất đặc thù nên cần được quy định cụ thể trong Luật về thẩm quyền thành lập, quyền hạn và nghĩa vụ cơ bản. Mặt khác, những biến động về thị trường tại Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn tiền tệ của quốc gia. Do vậy, để bảo đảm Nhà nước giữ vai trò chỉ đạo, chi phối, Dự thảo Luật đã quy định Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật này và Luật Doanh nghiệp, do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Dự thảo Luật cũng đã quy định cụ thể các đối tượng công bố thông tin và nội dung phải công bố thông tin của các đối tượng này. Đồng thời, bổ sung thêm nội dung công bố thông tin của người nội bộ và người có liên quan của người nội bộ. Ngoài ra, để bảo đảm thống nhất với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, Dự thảo Luật đã bổ sung thêm quy định: việc công bố thông tin của công ty đại chúng là tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt thực hiện theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phù hợp với mục tiêu bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng.

Để thực hiện mục tiêu gắn chào bán chứng khoán ra công chúng với niêm yết, đăng ký giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, giảm thiểu thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian hoàn tất đợt chào bán để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức phát hành, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về điều kiện và nghĩa vụ của doanh nghiệp khi nộp hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thì đồng thời phải nộp hồ sơ đăng ký niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cho Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam...

Kỳ vọng nâng tầm thị trường chứng khoán Việt Nam

Đánh giá về Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đang được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, Dự thảo Luật đã tiếp thu, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu về thể chế, đường lối của Đảng về xây dựng nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, cải cách thể chế tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi và tương đối minh bạch.

Dự án Luật đã tiếp cận chuẩn mực thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện phát triển của chứng khoán và TTCK Việt Nam; đồng thời, khắc phục được những hạn chế bất cập của Luật Chứng khoán năm 2006 và sửa đổi năm 2010.

Theo ông Nguyễn Đức Hoàn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), các thay đổi đáng chú ý của Luật Chứng khoán (sửa đổi) có thể kể đến là các quy định chặt chẽ hơn về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Đồng thời, Luật mới cũng đã có các quy định thúc đẩy việc chào bán chứng khoán ra công chúng gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK, dự thảo Luật quy định rõ chứng khoán đã chào bán ra công chúng phải được niêm yết, đăng ký giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán. Đây là điều mà nhiều nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức mong đợi, giúp tăng tính hấp dẫn cũng như mức độ thành công của những đợt IPO của các doanh nghiệp nói chung và tiến trình thoái vốn doanh nghiệp nhà nước nói riêng.

Ông Dương Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín
Ông Dương Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín

Tôi kỳ vọng, khi Luật Chứng khoán (sửa đổi) đi vào thực tiễn với các nội dung sửa đổi có thể thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào TTCK Việt Nam, tối ưu hóa dòng vốn đầu tư.

Ông Hoàn cho rằng, Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã có nhiều tiến bộ và phù hợp với xu hướng phát triển của TTCK, cũng như quy mô kinh tế Việt Nam. Khi Luật được thông qua và áp dụng vào thực tiễn sẽ giúp nâng tầm TTCK Việt Nam với các quy định, tiêu chuẩn tiệm cận các thị trường mới nổi trong khu vực. 

Cùng chung quan điểm, ông Dương Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - SBS nhận định, Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét ban hành trong năm nay là một bước tiến đột phá, đã tiệm cận một cách tốt nhất thông lệ quốc tế và phù hợp với nền kinh tế Việt Nam.

"Tôi kỳ vọng, khi Luật Chứng khoán (sửa đổi) đi vào thực tiễn với các nội dung sửa đổi có thể thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào TTCK Việt Nam, tối ưu hóa dòng vốn đầu tư, tận dụng tốt nguồn vốn nhàn rỗi, thu hút các nguồn vốn đầu tư theo hướng bền vững…" - ông Hùng chia sẻ.

Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty Luật Inteco, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cũng kỳ vong, Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ tạo cơ chế an toàn, an tâm cho nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, giúp thu hút thêm những nguồn vốn mới, lượng vốn mới bơm vào thị trường, tạo động lực cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Đồng thời, thúc đẩy các doanh nghiệp thay đổi, điều chỉnh để đạt tới những chuẩn mực về quản trị và kinh doanh, giúp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng hiện đại và phát triển hơn.

Với nhiều nội dung được quy định chặt chẽ, nếu được Quốc hội thông qua, Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ tạo môi trường pháp lý cho sự phát triển ổn định, bền vững của TTCK, tạo điều kiện thuận lợi thu hút vốn đầu tư trung và dài hạn cho nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập, góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, sự an toàn của hệ thống tài chính, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và hoạt động trên TTCK.

Được biết, cùng với quá trình xây dựng và trình Dự thảo Luật, Bộ Tài chính - cơ quan soạn thảo sẽ chuẩn bị dự thảo văn bản quy định chi tiết (các Nghị định và Thông tư), bảo đảm các văn bản này có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật.