Dự trữ ngoại hối Việt Nam lập kỷ lục mới

PV.

6 tháng đầu năm 2017, Ngân hàng Nhà nước đã mua thêm được 1 tỷ USD, giúp nâng dự trữ ngoại hối quốc gia lên hơn 42 tỷ USD.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thông tin trên được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết tại Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu và Quyết định của Thủ tướng phê duyệt đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020 do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng 21/7.

Theo đó, dự trữ ngoại hối quốc gia tiếp tục tăng trong 6 tháng đầu năm nay, đạt trên mức 42 tỷ USD. Đây được coi là mức cao nhất từ trước tới nay, sau khi quy mô dự trữ ngoại hối đã đạt được khoảng 41 tỷ USD vào cuối 2016.

Cụ thể, so với cuối năm 2016, dự trữ ngoại hối quốc gia tăng thêm khoảng 1 tỷ USD, mức tăng dù thấp nhưng là đáng khích lệ trong bối cảnh Việt Nam đang nhập siêu trở lại, khoảng 2,7 tỷ USD trong nửa đầu năm.

Thống đốc Lê Minh Hưng cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, thanh khoản ngoại tệ của thị trường tốt, đáp ứng các cung cầu ngoại tệ; tỷ giá USD/VND khá ổn định trong nửa đầu năm trước tác động từ các quyết định tăng lãi suất liên tiếp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED).

Đến cuối tháng 6, tổng phương tiện thanh toán tăng 6,82% so với cuối năm 2016, tăng trưởng tín dụng tăng 9,06% - mức cao so với cùng kỳ các năm gần đây. "Tín dụng tăng cao, nhưng đều qua các tháng nên đã không gây sức ép lên mặt bằng lãi suất, thậm chí lãi suất cho vay ngắn hạn với lĩnh vực ưu tiên đã giảm thêm 0,5%", Thống đốc nói.

Hiện mặt bằng lãi suất cho vay bình quân ở mức 6-6,5% một năm với kỳ hạn ngắn; 8-10% một năm ở kỳ hạn dài và khách hàng tốt 4-5% một năm.

Trong các tháng cuối năm 2017, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, chủ động các giải pháp, công vụ chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ ổn định tỷ giá, tránh đầu cơ ngoại tệ, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động theo dõi diễn biến để kịp thời có giải pháp điều hành linh hoạt, chủ động nhằm hỗ trợ ổn định tỷ giá, đảm bảo thanh khoản ngoại tệ của nền kinh tế.