ETF tác động không lớn

Theo Đầu tư Chứng khoán

Hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ ETF không mang tính chi phối và chỉ có ý nghĩa ngắn hạn. Đó là góc nhìn của ông Nguyễn Xuân Bình, Phó phòng Phân tích, Công ty chứng khoán (CTCK) Bảo Việt (BVSC).

Theo định kỳ, hai quỹ ETF đầu tư vào thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam là FTSE Vietnam ETF (FTSE) và Market Vector Vietnam ETF (VNM) sẽ lần lượt công bố danh mục đầu tư vào ngày 7/6 và 14/6. Điều này sẽ tác động đến TTCK như thế nào, theo ông?

 ETF tác động không lớn  - Ảnh 1
Ông Nguyễn Xuân Bình,
Phó phòng Phân tích,
CTCK Bảo Việt
Tương tự diễn biến trong những lần tái cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF trước đây, thông tin này thường có tác động mạnh đến diễn biến giá cổ phiếu, tạo ra sự phân hóa tùy vào mức độ điều chỉnh tỷ trọng, được thêm vào hay loại ra khỏi danh mục.

Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ tổng thể cả thị trường, về xu hướng chung thì những thông tin này không mang tính chi phối lớn và chỉ có ý nghĩa ngắn hạn.

Bởi lẽ, các hoạt động tái cơ cấu này thường không gây ra nhiều thay đổi về tổng quy mô đầu tư của các quỹ ETF vào TTCK Việt Nam. Khi một số mã bị giảm tỷ trọng hoặc loại khỏi danh mục thì sẽ có một số mã được tăng tỷ trọng hoặc thêm vào danh mục.

Tôi cho rằng, các hoạt động phát hành thêm hay mua lại chứng chỉ quỹ của các quỹ ETF mới có ý nghĩa quan trọng. Trong 2 tuần vừa qua, diễn biến đảo chiều lao dốc của TTCK thế giới đã làm xuất hiện nhu cầu bán chứng chỉ quỹ ETF của một bộ phận nhà đầu tư (NĐT) (ETF sẽ phải bán chứng khoán và mua lại chứng chỉ quỹ). Điều này có thể lý giải cho hoạt động bán ròng của khối ngoại trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, động thái bán chứng chỉ quỹ lần này của các NĐT chỉ mang tính chốt lời ngắn hạn, mức độ ảnh hưởng từ động thái bán ròng của các quỹ ETF nói riêng và khối ngoại nói chung đang giảm dần, dòng tiền đầu tư trong nước đang lấy lại vai trò chủ đạo.

Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, những cổ phiếu được thêm vào hay loại ra khỏi danh mục đầu tư của các quỹ ETF đang và sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý thị trường?

Dự báo, trong lần điều chỉnh này sẽ có khá nhiều thay đổi, ngoài việc thay đổi tỷ trọng của các mã sẵn có trong danh mục thì một số mã sẽ có nguy cơ bị loại khỏi danh mục như SJS, HAG, PVF và STB. Ngược lại, một số mã có khả năng sẽ được thêm vào danh mục của hai quỹ như CSM, DRC, PET...

Những thay đổi này tất nhiên sẽ có ảnh hưởng đến diễn biến của các cổ phiếu liên quan, có thể nhanh hoặc chậm tùy vào cung cầu trên thị trường và tính thanh khoản của từng mã. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, trong thời gian gần đây có một bộ phận NĐT, bao gồm cả trong nước và nước ngoài, chủ động dự đoán và mua bán đón đầu trước động thái tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF. Điều này hàm ý những thông tin tái cơ cấu này thực ra đã được phản ánh trước vào diễn biến giá cổ phiếu và những tác động còn lại từ thời điểm thông tin chính thức xuất hiện sẽ không còn quá lớn.

Ngoài ra, tùy thuộc vào xu hướng thị trường tại thời điểm các thông tin này xuất hiện cũng có thể định tính được phần nào mức độ tác động. Trong một xu hướng tăng điểm, thông tin về các mã được tăng tỷ trọng hoặc thêm vào danh mục sẽ được phản ánh tích cực và mạnh hơn (và ngược lại).

Diễn biến của thị trường trong những phiên gần đây cho thấy, áp lực bán ra tuy lớn nhưng lực đỡ của thị trường vẫn mạnh. Theo ông, dòng tiền nào đang đổ vào TTCK Việt Nam?

Áp lực chốt lời ngắn hạn sau một nhịp tăng nóng của một số mã cổ phiếu đang tạo ra lực cản đối với đà hồi phục của hai chỉ số. Tuy nhiên trên phương diện kỹ thuật, xu hướng tăng điểm ngắn hạn vẫn đang được bảo lưu và trong một xu hướng tăng thì sẽ có sự tham gia của các dòng tiền mới. Các dòng tiền cũ, mới sẽ luân phiên tham gia giữ nhịp thị trường.

Điểm đáng chú ý của nhịp tăng điểm hiện tại là dòng tiền đầu tư trong nước đang giữ vai trò chủ đạo, bất chấp áp lực bán ròng của khối ngoại. Thị trường vẫn đang phản ứng tích cực với các thông tin chính sách mang tính hỗ trợ gần đây như Quyết định thành lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC), gói cho vay hỗ trợ thị trường bất động sản 30.000 tỷ đồng và một số chuyển biến trên phương diện vĩ mô, đặc biệt là xu hướng điều chỉnh giảm của mặt bằng lãi suất. Kênh đầu tư chứng khoán vẫn đang có sức hấp dẫn tương đối cao so với các kênh đầu tư khác.

TTCK trong ngắn hạn sẽ theo xu hướng nào và nhóm cổ phiếu nào được đánh giá là tiềm năng, theo ông?

Xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn đang là tăng điểm. Có hai nhóm cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng đáng lưu ý. Một là các công ty có triển vọng kết quả kinh doanh ổn định, đa phần là các công ty thuộc các ngành sản xuất - kinh doanh thuần túy, có lợi thế về quy mô hoạt động và khả năng kiểm soát tốt đầu vào, đầu ra. Nhóm này phù hợp với dòng tiền đầu tư giá trị trung và dài hạn. Nhóm hai là các công ty thuộc những ngành kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như bất động sản, vật liệu xây dựng... Nhóm này thường được dòng tiền đầu cơ ngắn hạn ưa chuộng.