Gần 40% công ty chứng khoán không tách bạch tài khoản tiền gửi khách hàng

Theo vneconomy.vn

(Tài chính) Ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) ngày 29/11 cho biết mới có trên 60% công ty chứng khoán thực hiện tách bạch tài khoản tiền gửi của khách hàng. Nếu đến thời hạn 15/1/2014 không hoàn thành việc tách bạch, các công ty vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.

Gần 40% công ty chứng khoán không tách bạch tài khoản tiền gửi khách hàng
Những thử thách của thị trường khiến các công ty chứng khoán tăng cường quản lý rủi ro, nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ phục vụ nhà đầu tư. Nguồn: internet
Tại hội nghị thành viên thị trường năm 2013 do Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) tổ chức, đại diện Vụ Quản lý kinh doanh khẳng định sẽ không có chuyện nhân nhượng. “Theo quy định ngày 15/1/2014 là hạn cuối cho các công ty chứng khoán thực hiện tách bạch tài khoản tiền gửi của khách hàng. Chúng tôi đang kiểm tra rất chặt tiến độ, hàng tháng các công ty phải báo cáo. Sau thời hạn trên, các công ty vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm và có thể xem xét đình chỉ hoạt động môi giới”.

Theo quy định tại Thông tư số 210/2012/TT-BTC hướng dẫn thành lập và hoạt động công ty chứng khoán, các công ty buộc phải thực hiện quản lý tách bạch tài khoản tiền gửi của khách hàng. Khách hàng sẽ mở tài khoản trực tiếp tại ngân hàng thương mại do công ty chứng khoán lựa chọn, để quản lý tiền giao dịch chứng khoán.

Ngoài ra, công ty chứng khoán có thể đưa ra lựa chọn thứ hai: công ty mở tài khoản chuyên dụng tại ngân hàng thương mại để quản lý tiền gửi giao dịch chứng khoán của khách hàng. Tài khoản chuyên dụng phải mở riêng biệt và tách bạch với các tài khoản khác của công ty chứng khoán.

Theo quy định tại Thông tư này, thời hạn để công ty chứng khoán hoàn thiện việc cung cấp hệ thống tách bạch tiền gửi của khách hàng là 15/1/2014.

Vấn đề tách bạch tài khoản tiền gửi của khách hàng trở nên cấp bách sau những vụ việc công ty chứng khoán lợi dụng tài khoản, thậm chí là chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng cho các mục đích khác sau đó mất khả năng thanh toán. Cơ quan quản lý nhà nước đã yêu cầu các công ty chứng khoán triển khai ngay việc tách bạch tài khoản, nhưng vẫn có nhiều ý kiến phản ánh yêu cầu như vậy có thể gây khó khăn cho cả khách hàng lẫn công ty chứng khoán, làm giảm tốc độ giao dịch.

Tuy nhiên việc tách bạch tài khoản được xem là biện pháp phòng ngừa rủi ro đạo đức tại các công ty chứng khoán. Ông Sơn cũng khẳng định cơ quan quản lý sẽ làm rất chặt để đảm bảo an toàn trong hoạt động thanh toán bù trừ: “Chúng tôi đã chỉ đạo Trung tâm Lưu ký, bất kỳ công ty chứng khoán nào dù chỉ một lần thiếu khả năng thanh toán là sẽ xem xét đình chỉ ngay. Mặc dù chỉ có một công ty thiếu khả năng thanh toán nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến các công ty khác. Thị trường chứng khoán là sân chơi chung, phải đảm bảo an toàn cao nhất”.

Tăng cường an toàn tài chính, quản trị nội bộ

Theo số liệu tổng hợp của HNX, 9 tháng đầu năm 2013 đã có 41/92 công ty chứng khoán thua lỗ; có 52/92 công ty có lợi nhuận chưa phân phối âm, trong đó 7 công ty có mức lỗ lũy kế trên 50% vốn điều lệ.

Những thử thách của thị trường khiến các công ty chứng khoán tăng cường quản lý rủi ro, nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ phục vụ nhà đầu tư. Doanh thu giảm nên các công ty cũng đã cắt giảm mạnh chi phí, do đó lợi nhuận sau thuế bình quân 9 tháng đầu năm 2013 đạt 1.489 tỷ đồng. ROE bình quân 9 tháng đạt 4,18%.

Các công ty chứng khoán lớn, hoạt động hiệu quả vẫn được khách hàng tin cậy và tập trung giao dịch. Điều này càng khiến cho mức độ cạnh tranh cũng như thị phần bị phân mảng khốc liệt. Tại HNX, 10 công ty có thị phần môi giới cổ phiếu niêm yết lớn nhất trong 10 tháng đầu năm 2013 đã chiếm tới 55,32% thị phần. Số liệu 9 tháng cũng cho thấy 10 công ty có doanh thu môi giới lớn nhất đã chiếm 60,66% tổng doanh thu môi giới, trong khi 52 công ty đứng cuối bảng chỉ có doanh thu môi giới chiếm 8,64%. Thậm chí con số doanh thu tuyệt đối của 52 công ty này chỉ ở mức 85,78 tỷ đồng.

Mức độ cạnh tranh ngày càng cao đã thúc đẩy quá trình tái cấu trúc diễn ra mạnh mẽ. Biểu hiện trước hết là việc cắt giảm nhân sự, đóng cửa chi nhánh, phòng giao dịch, rút bớt nghiệp vụ, kể cả nghiệp vụ môi giới. Một số công ty còn tự nguyện chấm dứt tư cách thành viên với sở giao dịch. Báo cáo của HNX cho thấy trong năm 2012 và 10 tháng đầu năm 2013, có 32 chi nhánh và 30 phòng giao dịch phải đóng cửa, trong khi chỉ có 7 chi nhánh và 5 phòng giao dịch mới được thành lập. Số nhân viên tại các công ty chứng khoán thành viên của HNX tính đến 31/10/2013 là 6.192 người, giảm 57 người so với thời điểm cuối năm 2012.

Theo ông Phạm Hồng Sơn, điểm nổi bật trong hoạt động tái cấu trúc năm 2013 là các công ty tự tái cấu trúc, chú trọng hơn việc quản trị rủi ro: “Đây là điều rất đáng mừng. Chúng tôi đã đi kiểm tra gần 20 công ty thì mức độ tuân thủ đã tốt hơn, công tác quản trị nội bộ khá hơn”.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng nhấn mạnh các công ty chứng khoán vẫn phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng quản trị cũng như đảm bảo các chi tiêu an toàn tài chính. “Bộ tiêu chí CAMEL đã ban hành. Áp vào số liệu soát xét 6 tháng 2013 thì đánh giá chung 20% số công ty đang tốt, còn lại chỉ ở mức khá và trung bình. Tuy nhiên số công ty có cải thiện chỉ khoảng 10%. Chúng tôi nhận thấy trong năm 2013 các công ty tốt thì ngày càng tốt lên, trong khi các công ty yếu kém vẫn rất khó khăn. Vì vậy vẫn cần nỗ lực nhiều hơn nữa, đặc biệt là các công ty chưa đủ an toàn tài chính”, ông Sơn nhận xét.