Giảm lãi suất: Cuộc đua mới

ThS. NGUYỄN THỊ HƯƠNG THỦY

(Tài chính) Sau “phát súng” tiên phong của Vietcombank mở màn cho đợt giảm lãi suất mới, hàng loạt ngân hàng đã bước vào “đường đua”. Động thái này cho thấy, các ngân hàng khá nhạy bén trước những tín hiệu tốt của nền kinh tế, thị trường tiền tệ cũng như “sức khỏe” của doanh nghiệp (DN)…

Giảm lãi suất: Cuộc đua mới
Không có DN nào hoạt động được trong điều kiện lãi suất cho vay cao ngất ngưởng thời gian qua. Nguồn: Internet
Cuộc đua mới

Ngày 6/5/2013, Vietcombank phát ra thông điệp “giảm lãi suất khủng” khi hạ lãi suất huy động VND kỳ hạn 1 tháng xuống 6%/ năm, 2 tháng là 6,5%/năm và 3 tháng là 6,8%/năm. Động thái này đã mở màn cho chuỗi giảm lãi suất mạnh mẽ tại hàng loạt ngân hàng. Sau Vietcombank, ngay lập tức 3 “ông lớn” khác là Vietinbank, BIDV và Agribank đã nhập cuộc hạ lãi suất huy động với mức giảm mạnh.

Cụ thể, từ ngày 7/5, biểu lãi suất tại BIDV đồng loạt điều chỉnh giảm ở tất cả các kỳ hạn. Theo đó, trần huy động cho kỳ hạn 1 tháng giảm còn 6%/năm, kỳ hạn 2 tháng là 6,5%; các kỳ hạn từ 3-11 tháng cũng giảm xuống 7% trong khi các khoản tiền gửi từ 12 tháng trở lên sẽ hưởng lãi suất 8%/năm. Tại Vietinbank, từ ngày 9/5 lãi suất huy động với trần cao nhất cho kỳ hạn dưới 12 tháng là 7% thay vì 7,5%. Thị trường lãi suất huy động thực sự “sốc” khi Agribank hạ lãi suất tiết kiệm khách hàng cá nhân kỳ hạn 1 tháng xuống 5%/năm, mức thấp nhất thị trường, kỳ hạn 2 tháng là 7%/năm, các kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng là 7,5%/năm, mức huy động cao nhất là 9%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng, 18 tháng và 24 tháng.

Cùng với quyết định cắt giảm lãi suất, các ngân hàng còn triển khai nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi như: Vietinbank với các gói tín dụng ngắn hạn ưu đãi lãi suất với hạn mức lên tới 80.000 tỷ đồng và mức lãi suất cho vay thấp nhất chỉ 7%/năm đối với các đối tượng khách hàng thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. BIDV giảm thêm 1% lãi suất cho vay đối với các đối tượng ưu tiên, giảm 0,5% - 1% cho các đối tượng vay ngắn hạn thông thường và dài hạn…

Sau động thái của 4 ngân hàng lớn, Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Quân Đội (MB) cũng đã vào cuộc giảm lãi suất huy động VND. Cụ thể, lãi suất huy động VND kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng giảm từ 7,5%/năm xuống 7%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn từ 3 tới 11 tháng giảm từ 7,5%/năm xuống 7,2%/ năm. Lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng trở lên hạ từ 9,5%/năm xuống 9%/năm.

Theo biểu lãi suất mới công bố của Ngân hàng TMCP Á châu (ACB), ngân hàng này đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn xuống còn 7,2 - 7,3%/ năm, thấp hơn mức trần huy động quy định của ngân hàng nhà nước. Lãi suất huy động 9-12 tháng cũng giảm nhẹ xuống 8,5-8,9%/năm. Trong khi đó, tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) và Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) hay Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) cũng được điều chỉnh giảm so với trước đó. Cụ thể, theo biểu lãi suất mới, Techcombank sẽ huy động kỳ hạn 1 tháng với lãi suất còn 6,85%/năm, kỳ hạn 6 tháng còn 7,05%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 8,85%/năm. Tại VIB, lãi suất kỳ hạn 1-11 tháng chỉ còn 7%/năm. Tại Sacombank, tuy các kỳ hạn 1-5 tháng, lãi suất huy động giữ nguyên nhưng kỳ hạn từ 6-11 tháng lại giảm xuống còn 7,3%/năm.

Lý giải về việc giảm lãi suất huy động, Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Phước Thanh cho rằng, đây động thái để kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ cho DN trong bối cảnh khó khăn. Đồng thuận với cách lý giải này, đại diện lãnh đạo một ngân hàng quốc doanh khác còn bổ sung lý do của việc giảm lãi suất là nguồn vốn tại các nhà băng đang dồi dào.

Tuy nhiên, bên cạnh việc giảm lãi suất một cách mạnh mẽ trên cũng có không ít lo ngại trước dự báo lượng tiền huy động sẽ giảm. Khi cắt giảm lãi suất huy động, người dân sẽ cân nhắc hơn khi khoản tiền dành dụm, gửi tiết kiệm ngày một sinh lãi ít đi, lãi suất huy động quá thấp sẽ tạo ra tâm lý cho người gửi tiền khiến họ e ngại, có thể không đưa dòng vốn này vào ngân hàng mà vào các kênh khác như vàng, USD… Bên cạnh đó, điều này cũng có thể tác động không thuận lợi tới ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối vì giảm sự hấp dẫn của VNĐ.

Xu thế tất yếu

Lãi suất đầu vào giảm mạnh được xem là điều kiện cần để giảm lãi suất đầu ra, giúp DN tiếp cận được đồng vốn rẻ hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh thực tế nền kinh tế và diễn biến vốn huy động tại các ngân hàng hiện nay tăng nhanh còn cho vay khá chậm thì việc giảm lãi suất là tất yếu.

Nếu cứ thả lỏng lãi suất đầu ra, không bao giờ DN tiếp cận được vốn. Ngân hàng cũng chẳng sợ ứ đọng vốn vì họ có thể mang đầu tư trái phiếu, vàng, ngoại tệ, cho vay bù đắp lẫn nhau trong hệ thống để đảm bảo khả năng sinh lời nhiều hơn. cứ thế, dòng vốn không đi vào sản xuất.

TS. Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2013, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đạt 1,4% so với cuối năm 2012, trong khi huy động vốn tăng 5,34%. Thực trạng này buộc các ngân hàng phải giảm lãi suất huy động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm đẩy mạnh cho vay hơn. Hơn nữa, lạm phát 4 tháng đầu năm chỉ ở mức 2,41% so với cuối năm ngoái cũng là yếu tố quan trọng đảm bảo tính an toàn cho các ngân hàng giải ngân.

Có thế nói, với diễn biến của lạm phát 4 tháng đầu năm và căn cứ vào nhiều yếu tố khác thì việc hạ lãi suất huy động xuống dưới vùng 6% là hợp lý và là cơ sở quyết định để kéo lãi suất cho vay xuống thấp. Thực tế, lãi suất cho vay trong thời gian gần đây tuy đã giảm nhưng vẫn cao so với sức chịu đựng của DN.

Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến, đến nay vẫn còn tới khoảng 14% dư nợ có lãi suất trên 15%/năm. Mặc dù vậy, ngày 13/5, NHNN vẫn đề nghị các tổ chức tín dụng rút lãi suất các khoản vay cũ bằng VND về tối đa 13%/năm. Đặc biệt, lãi suất cho vay ngắn hạn VND sẽ giảm từ 11%/ năm xuống 10%/ năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; DN nhỏ và vừa; DN ứng dụng công nghệ cao.

Ngày 10/5, NHNN cũng ban hành Quyết định số 1073/QĐ-NHNN đồng loạt hạ lãi suất chủ chốt xuống 1% so với mức trước đây. Theo đó từ ngày 13/5/2013, lãi suất tái cấp vốn từ 8%/năm xuống 7%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 6%/năm xuống 5%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 9% xuống 8%/năm.

Việc điều chỉnh này đã nhận được sự đồng thuận của các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước. Tuy nhiên, hầu hết các NHTM cổ phần vẫn chưa có động thái hạ lãi suất huy động. Lãi suất huy động VND ở các kỳ hạn 12 - 13 tháng ở khối này hiện vẫn phổ biến các mức trên dưới 10%/năm, một số trường hợp vẫn áp dụng 11%/năm và lãi suất cho vẫn ngự ở mức cao.

Để giải bài toán cho việc hạ lãi suất một cách đồng bộ, theo các chuyên gia kinh tế, NHNN đóng vai trò là người cấp vốn trực tiếp cho các NHTM với lãi suất thấp mà không phải dựa vào nguồn vốn huy động trong dân thì khi đó NHTM mới có thể cho vay lãi suất thấp được. Không thể có DN nào hoạt động được trong điều kiện lãi suất cho vay cao ngất ngưởng như thời gian qua.

Một trong những nguyên nhân khiến nhiều DN đối mặt với phá sản, giải thể, ngừng hoạt động một phần là do chịu lãi suất cao. Lãi suất thấp hiện nay tập trung ưu đãi cho một số đối tượng ưu tiên kể trên, còn đa phần DN khác vẫn phải chấp nhận mức lãi suất cho vay khoảng 15%/ năm, như vậy làm ăn khó có lãi.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư s 5 - 2013