Giảm lãi suất không tác động nhiều tới thị trường chứng khoán

Theo Đầu tư Chứng khoán

Lần giảm lãi suất huy động này đa số các nhà đầu tư (NĐT) đều có thể đoán trước khá sớm. Vì vậy, nó có tác động tích cực, nhưng không quá nhiều tới thị trường chứng khoán (TTCK).

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Tài, Giám đốc Quản lý danh mục đầu tư, Quỹ Asiavantage Global Ltd (Japanes Fund) cho rằng, việc hạ lãi suất lần này có tác động tích cực, nhưng không quá nhiều tới TTCK. Vấn đề mấu chốt cần giải quyết vẫn là cách thức xử lý nợ xấu ngành ngân hàng.

Mặc dù thông tin hạ lãi suất đã xuất hiện cách đây 1 tuần, nhưng trên TTCK, NĐT có vẻ không hào hứng trước thông tin này. Theo ông, nguyên nhân vì sao?

Giảm lãi suất không tác động nhiều tới thị trường chứng khoán - Ảnh 1
Ông Trần Tài, Giám đốc Quản lý danh mục đầu tư, Quỹ Asiavantage Global Ltd (Japanes Fund)
Lần giảm lãi suất huy động này đa số các NĐT đều có thể đoán trước khá sớm. Muộn nhất thì chỉ cần nhìn vào thông tin CPI một số thành phố “hạ nhiệt” và các ngân hàng lớn hạ lãi suất huy động là có thể biết xu thế sẽ cắt giảm lãi suất. Việc này gần như đã phản ánh vào giá cổ phiếu. Có thể một loạt lãi suất điều hành được hạ 1%/năm thì chưa phản ánh hết vào giá, nhưng thị trường sẽ không quá hào hứng với việc này.

Theo tôi, việc hạ lãi suất lần này có tác động tích cực, nhưng không quá nhiều tới TTCK. Sau một đợt tăng điểm khá mạnh, NĐT đang đòi hỏi nhiều hơn từ các doanh nghiệp (DN), đó là tăng trưởng. Chúng tôi chưa thấy nhiều DN niêm yết đáp ứng được yêu cầu này trong năm nay.

Mấu chốt lúc này vẫn là việc thành lập Công ty Quản lý nợ xấu (VAMC), nhất là cách thức triển khai và các chính sách ưu đãi tới VAMC (ví dụ thuế) sẽ tạo ra nhiều sản phẩm phong phú, qua đó có thể giải phóng tài sản xấu cho các ngân hàng, TTCK sẽ được hưởng lợi từ việc này. Hiện tại, thông tin về VAMC được NĐT quan tâm hơn nhiều so với lãi suất, vì vậy, phải chờ thông tin cụ thể về VAMC mới biết được hướng đi tiếp theo của thị trường.

Ông đánh giá thế nào về tác động của việc hạ lãi suất lần này tới các yếu tố vĩ mô?

Nhìn lại 6 lần cắt giảm lãi suất trong năm 2012 và kể cả lần này, chúng ta dễ nhận thấy cách điều hành lãi suất đang rất linh hoạt và sát với xu hướng lạm phát trong thời gian qua. Sau khi cắt giảm, lãi suất huy động về mức 7,5%/năm, lãi suất cho vay trung bình 11 - 12%/năm là hợp lý. Tác động vào nền kinh tế là tích cực, nhưng khó có thể trả lời chính xác việc này kích thích được bao nhiêu phần trăm cho nền kinh tế. Hãy chờ 6 tháng sau, lúc đó những tác động mới thực sự rõ ràng.

Tín dụng có lẽ sẽ tăng trưởng dương trở lại ngay trong quý II/2013. Việc duy trì lãi suất thấp rất có thể sẽ làm lạm phát cao quay trở lại. Tuy nhiên, năm nay, lạm phát sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến giá cả của các mặt hàng trên thế giới hơn so với các tác động trong nước. Hạ lãi suất có thể trở thành câu chuyện nóng cho lạm phát vào năm sau, chứ không phải năm nay.

Hiện tại, một số ngân hàng chủ động hạ lãi suất cho vay. Theo ông, điều này phản ánh xu hướng gì của nền kinh tế và khối ngân hàng trong thời gian tới?

Ngân hàng đang dư tiền. Có lẽ, những ngân hàng mua trái phiếu từ năm trước tới nay đều thấy vui vì lãi suất liên tục hạ (vì giá trái phiếu tăng lên), nhưng lãi từ hoạt động tín dụng thì rất khiêm tốn, nhất là các ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ. Việc cắt giảm lãi suất sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng hạ giá vốn, nên việc hạ lãi suất cho các khoản tín dụng là hoàn toàn hợp lý để cung cầu gặp nhau. Qua giai đoạn khó khăn, DN rất thận trọng với vay vốn, thực tế DN sản xuất không thể chịu được mức lãi suất cao trong giai đoạn 2008 - 2011. Tín hiệu tích cực sẽ tới, nhưng chậm, chúng ta buộc phải chờ đợi thêm để có thể thấy những thay đổi về mặt cơ bản của các DN.