Giảm lãi suất: Thêm kỳ vọng...

Ngô Kiến

(Tài chính) “Vẫn còn dư địa để giảm thêm lãi suất, dự kiến từ nay đến cuối năm, lãi suất huy động có thể giảm thêm từ 0,5-1% và từ 0,8-1% đối với cho vay”, ông Barry Weisblatt, Giám đốc khối phân tích của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng nhận định.

Ảnh minh họa. Nguồn: finanplus.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: finanplus.vn

Lãi suất đã “lý tưởng”?

Bên cạnh lời hiệu triệu “các ngân hàng xem xét giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn xuống tối đa 10%/ năm”, cuối tháng 10/2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh, hướng lãi suất xuống một mặt bằng mới. Cụ thể, trần lãi suất huy động đã giảm xuống còn 5,5%/ năm; lãi suất tiền gửi USD của cá nhân tại các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm xuống còn 0,75%/ năm; lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế cũng đã giảm xuống còn 7%/năm. Với lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 1 năm, có nhiều ngân hàng còn áp dụng mức từ 4,5-5%/năm, mức lãi suất cao nhất đối với các kỳ hạn dài trên 1 năm cũng chưa tới 7%/ năm.

Như vậy, so với cuối năm 2013, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay hiện nay đã giảm 0,5 -1,5%/năm; so với cuối tháng 6, lãi suất huy động của tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng và kỳ hạn trên 12 tháng giảm lần lượt 0,3% và 0,5%/năm. Đặc biệt, một số ngân hàng thương mại đang tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, có phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả chỉ ở mức 6 - 7%/năm. Điều này chứng tỏ, hệ thống ngân hàng tiếp tục dồi dào về thanh khoản trong những tháng cuối năm.

Báo cáo kinh tế vĩ mô 9 tháng đầu năm 2014 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng ghi nhận: Lãi suất hiện nay có thể coi là mức “lý tưởng”, bởi đây là mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Trong báo cáo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD tại Việt Nam quý IV/2014 mà NHNN mới công bố lại ghi nhận, có đến 90% TCTD dự báo mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục giảm trong vài tháng tới. Đặc biệt, lãi suất cho vay được các TCTD kỳ vọng sẽ giảm nhanh và sâu hơn lãi suất huy động với mức giảm bình quân tương ứng là 0,93%/năm và 1,14%/năm, ít nhất là 1%, do áp lực đẩy vốn của các ngân hàng trong những tháng cuối năm. “NHNN hiện vẫn tiếp tục kêu gọi các ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng trong quý IV/2014. Bối cảnh đó, dự báo, lãi suất huy động và cho vay sẽ tiếp tục được điều chỉnh giảm trong những tháng cuối năm. Cụ thể là giảm thêm 0,5% đến 1% đối với lãi suất huy động và lãi suất cho vay trung bình giảm thêm 0,8 đến 1%”, ông Barry Weisblatt tin tưởng.

Động lực nào để giảm tiếp lãi suất?

“Một môi trường kinh doanh có lãi suất thấp mới có thể phát triển lành mạnh”, nhấn mạnh điều này giới chuyên gia cho rằng: Giảm lãi suất sẽ rất tốt cho nền kinh tế, tuy nhiên cần nhận diện rõ hơn những tác động tích cực, như vậy mới có thể đưa ra những quyết sách đúng đắn. “Xu hướng giảm lãi suất hiện đang có ảnh hưởng tích cực đến doanh nghiệp và thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, lãi suất cho vay hiện vẫn đang ở mức cao và giảm chưa tương xứng với lãi suất huy động, điều này cản trở quá trình phục hồi kinh tế. Do đó, cần tách bạch lãi suất huy động và lãi suất cho vay”, PGS., TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phân tích.

Chung quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh cho rằng, về nguyên tắc, lãi suất có thể điều chỉnh theo lạm phát. Lãi suất đang có xu hướng giảm, nhưng giảm tới mức nào thì cần tính toán kỹ lưỡng. Bởi, nếu lãi suất tiền gửi xuống quá thấp, hệ thống ngân hàng có thể rơi vào bẫy thanh khoản, lúc đó, người gửi tiền sẽ chuyển sang tích trữ tiền mặt hoặc đầu tư vào các lĩnh vực khác.

Động lực lớn nhất và cũng là dư địa lớn nhất khi 90% các TCTD đều lạc quan nhận định, trạng thái thanh khoản của họ sẽ tiếp tục duy trì ổn định trong quý IV/2014, đặc biệt đa số các TCTD thuộc nhóm ngân hàng thương mại nhà nước nhận định tình hình thanh khoản của họ đang được cải thiện mạnh mẽ. “Đây chính là một trong những căn cứ quan trọng để các ngân hàng thương mại tính toán, cân đối để giảm thêm lãi suất”, chuyên gia tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 11-2014