Thế nhưng, không ít trường hợp rơi vào cảnh “tự làm khó mình” khi trước đó hạn mức tín nhiệm cá nhân bị đánh rớt.

Với mức thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng, anh Thái (quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) dự kiến vay thêm ngân hàng để mua căn hộ chung cư trị giá 1,9 tỉ đồng. Sau khi đóng một phần số tiền mua căn hộ, anh Thái làm thủ tục vay ngân hàng 700 triệu đồng, thời hạn vay 10 - 15 năm, nhưng bị từ chối vì "lịch sử vay" ở ngân hàng khác trước đây không được tốt. Chuyện là anh Thái đã mở thẻ tín dụng ở một ngân hàng khác, nhưng chưa thực hiện đóng tiền đúng hẹn và đầy đủ, dù mức đóng chỉ 3 triệu đồng/tháng. Vậy nên, giám đốc chi nhánh ngân hàng mà anh Thái nộp hồ sơ vay mới cho rằng mức 3 triệu đồng anh còn không trả nổi thì khó có thể trả số lớn hơn cho khoản vay 700 triệu. Xét theo bảng điểm đánh giá trong hệ thống ngân hàng, khách hàng đương nhiên không được xét hạn mức cho vay.

Trường hợp của anh Thái không phải là hiếm, khá nhiều hồ sơ khách hàng vay cá nhân gần đây bị ngân hàng từ chối vì "lịch sử trả nợ" trước đó không được tốt. Chị Lam (quận 3, TP. Hồ Chí Minh) cho hay: “Có đợt tôi đi công tác khoảng 1 tháng, sau khi về tôi có đóng nhưng do bị trễ nên hệ thống ngân hàng vẫn ghi nhận. Lúc đó tôi cũng không biết vấn đề này sẽ ảnh hưởng tới những hợp đồng vay sau vì nghĩ các khoản vay đã đóng đầy đủ”.

Trường hợp nào không được vay?

Ông Huỳnh Song Hào, Phó giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, cho biết: “Trước đây, hệ thống ngân hàng chủ yếu đánh giá mức tín nhiệm của các doanh nghiệp khi xét hợp đồng cho vay. Thế nhưng sau này, nợ xấu gia tăng nên nhiều ngân hàng đã áp dụng xét mức tín nhiệm cả đối với các cá nhân”. Định mức tín nhiệm mà hệ thống ngân hàng xếp loại đối với khách hàng vay dựa trên các nhóm nợ trong hệ thống. Cụ thể gồm 5 nhóm: nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn) bao gồm các khoản nợ trong hạn và quá hạn dưới 10 ngày; nhóm 2 (nợ cần chú ý) các khoản nợ quá hạn từ 10 - 30 ngày; nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) quá hạn từ 30 đến dưới 90 ngày; nhóm 4 (nợ nghi ngờ mất vốn) quá hạn từ 90 - dưới 180 ngày và nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) quá hạn từ 180 ngày trở lên.

Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) thuộc ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ ghi nhận tất cả lịch sử khách hàng vay tại đây, kể cả vay có thế chấp, tín chấp hay sử dụng thẻ tín dụng. Các ngân hàng cho vay sẽ tìm hiểu khách hàng trên hệ thống CIC trước khi cho vay. Về nguyên tắc, những khách hàng đã rơi vào nợ nhóm 3 thì các ngân hàng không được phép cho vay. CIC sẽ ghi nhận lịch sử vay của khách hàng từ 3 - 5 năm.

Tuy nhiên, ông Hào cũng khẳng định, khi nhìn vào lịch sử trả nợ của khách hàng, các ngân hàng cũng không quá cứng nhắc. “Họ sẽ đánh giá những khoản nợ trước đây của khách hàng do nguyên nhân chủ quan hay khách quan. Từ đó linh hoạt giải quyết cho vay hay không. Mặc dù vậy, khách hàng vay cá nhân cần lưu ý vấn đề trả nợ đúng hạn vì nhiều ngân hàng đã thực hiện đánh giá hạn mức tín nhiệm trong quá trình vay. Những khách hàng có lịch sử trả nợ vay tốt, sau này sẽ dễ dàng vay, còn khách hàng không quan tâm đến thời hạn trả nợ, trễ hạn trả nợ thì sau này sẽ gặp khó khăn khi vay”, ông Hào tư vấn.

Giữ tín nhiệm trong khi vay

Theo Thanh niên

Cuối năm, nhiều người quyết định vay ngân hàng để tiêu dùng, thậm chí mua bất động sản khi giá nhà đất hiện đã giảm nhiều so với trước…

Xem thêm

Video nổi bật