Hiệu ứng tích cực của trần lãi suất cho vay

Theo nhandan.org.vn

(Tài chính) Là công cụ điều tiết thị trường, phản ánh mục tiêu chính sách tiền tệ, lãi suất luôn có tác động hai mặt đối với đầu tư, tiết kiệm và tiêu dùng xã hội.

 Hiệu ứng tích cực của trần lãi suất cho vay
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Gần đây, hàng loạt động thái mới về trần lãi suất cho vay (TLSCV) trong tín dụng ngân hàng (TDNH) đã liên tiếp được ghi nhận, thể hiện những thay đổi phù hợp trong nhận thức và điều hành của ngành ngân hàng, góp phần gỡ nút thắt và tạo ra nhiều hiệu ứng tích cực cho các doanh nghiệp (DN)...

Bỏ trần lãi suất và những kỳ vọng

Kể từ ngày 14/4/2010, Thông tư số 12/2010/TT-NHNN chính thức cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng theo lãi suất thỏa thuận, đồng nghĩa với việc dỡ bỏ trần lãi suất cho vay 12%/năm trước đó.

Động thái điều hành này khi đó được đánh giá là phù hợp thực tế, với kỳ vọng tạo tính minh bạch, thông thoáng, cải thiện thanh khoản, tránh làm méo mó, không công bằng và tiêu cực. Nhất là nâng cao tính cạnh tranh trong hoạt động tín dụng ngân hàng theo đúng nguyên tắc thị trường, chống lạm phát cao quay trở lại, buộc người đi vay và người cho vay tính toán chặt chẽ, sử dụng đồng vốn vay một cách hiệu quả vào sản xuất kinh doanh.

Đồng thời các ngân hàng cũng sẽ chủ động thỏa thuận được lãi suất huy động (LSHĐ), bảo đảm khả năng kinh doanh và an toàn hệ thống của Ngân hàng, tăng vốn cho nhu cầu hợp lý của nền kinh tế, cũng như giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ DN...

Tuy nhiên, sau thời gian không lâu, mặt bằng lãi suất cho vay (LSCV) bị đẩy lên nhanh chóng, gấp nhiều lần mức trung bình của các nước khu vực và thế giới, vượt quá sức chịu đựng của DN. Những hệ lụy trái chiều ngày càng nặng nề như tín dụng bị méo mó cả về cơ cấu và lãi suất; dư nợ tín dụng bị tập trung vào số lĩnh vực đầu tư rủi ro cao, như bất động sản và chứng khoán; tình trạng khan hiếm hoặc khó tiếp cận tín dụng đậm hơn ở các lĩnh vực kinh doanh ít lãi, dù thuộc lĩnh vực ưu tiên.

Tình trạng DN thua lỗ, đóng cửa và giải thể hàng loạt; rủi ro tín dụng tăng cao tỷ lệ thuận với nợ xấu tăng vọt và sự phổ biến các vi phạm pháp luật và các rủi ro đạo đức trong hoạt động ngân hàng. Cuộc cạnh tranh thanh khoản và đua LSHĐ "nóng" bùng nổ giữa các ngân hàng khiến ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải ra lệnh áp trần LSHĐ một cách hình thức, vì luôn bị các ngân hàng tìm mọi cách để lách qua.

Sự đổ vỡ lòng tin giữa ngân hàng với DN và giữa các ngân hàng với nhau trở lên gay gắt. Các ngân hàng thậm chí phải vay nhau qua đêm với lãi suất tới hơn 30% và phải có thế chấp. Cùng với xu hướng "mặc cả lãi suất", các dịch vụ đáo hạn ngân hàng nở rộ càng góp phần đẩy nhanh sự đổ vỡ của nhiều hoạt động "tín dụng đen" và vỡ nợ ngân hàng...

Áp lại trần cho vay

Trước những hệ lụy trên, động thái kiểm soát có mức độ trở lại TLSCV được chính thức ghi nhận bởi Thông tư số 14/2012/TT-NHNN do NHNN ban hành ngày 4/5/2012. Theo đó, LSCV ngắn hạn bằng VND cho các DN thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, DN nhỏ và vừa, DN làm hàng xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ và DN ngành công nghệ cao) tối đa bằng 15%/năm. Sau nhiều lần điều chỉnh, từ ngày 13/5/2013, TLSCV này được giảm tiếp xuống 10%/ năm. Đặc biệt, mức trần chung cho tất cả các khoản vay cũ khác cũng phải kéo về mức tối đa 13%/ năm...

Những quyết sách áp trở lại TLSCV nêu trên đã phát huy tác dụng tích cực cả đối với DN, nền kinh tế, cũng như đối với hệ thống ngân hàng, nổi bật là giảm nợ xấu; tăng số DN đăng ký mới và quay trở lại hoạt động; cải thiện và lành mạnh hơn mặt bằng lãi suất chung và cơ cấu tín dụng theo mục tiêu của quản lý nhà nước, niềm tin về kiểm soát lạm phát được củng cố hơn. Vốn khả dụng bằng VNĐ của các TCTD khá ổn định, dư thừa so với yêu cầu dự trữ bắt buộc và nhu cầu thanh toán. Nhu cầu vay vốn qua nghiệp vụ thị trường mở giảm dần.

Nhờ đó, mặt bằng lãi suất có sự cải thiện đáng kể. Hiện LSHĐ của TCTD phổ biến ở mức 1-2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng khoảng 6-7,5%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên khoảng 9-10,5%/năm. LSCV phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-11%/năm, cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 11-13%/năm ở khối ngân hàng thương mại Nhà nước, 12-15%/năm ở khối ngân hàng cổ phần...

Theo thống kê của VCCI, chi phí lãi vay chiếm 24% giá vốn hàng bán của DN; nhờ giảm LSCV tới nay được khoảng 40% kể từ thời điểm áp trở lại TLSCV năm 2012, nên giá vốn hàng bán của DN cũng giảm được tương ứng 10%. Điều này trực tiếp tạo động lực cho DN giảm giá hàng, giảm tồn kho, cắt lỗ, kích thích cầu thị trường và vay vốn để bước vào chu kỳ kinh doanh mới, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, tăng việc làm và an sinh xã hội với các hệ lụy tích cực khác. Số DN đăng ký mới gia tăng và số quay lại hoạt động cũng được cải thiện đáng kể. Theo NHNN, nợ xấu cũng đã có sự cải thiện, về tỷ lệ giảm từ 8% tổng dư nợ tín dụng ngân hàng cuối năm 2012, xuống còn 6% vào quý I/2013 và chỉ còn khoảng 4,65% vào 20/6/2013.

Triển vọng nào cho trần lãi suất tín dụng?

Thực tế thời gian qua cho thấy, ngộ nhận lớn nhất là tự do hóa LSCV quá nhanh và sớm hơn tự do hóa LSHĐ. Tín dụng cho vay theo lãi suất thỏa thuận là bước đi tất yếu trong lộ trình thị trường hóa đầy đủ hoạt động ngân hàng và luôn có tác động hai mặt: Một mặt, giúp cân bằng cungcầu vốn ở một mức lãi suất hợp lý và phản ánh sát diễn biến của thị trường tiền tệ. Mặt khác, có thể làm tăng gánh nặng chi phí vốn và các rủi ro tín dụng, giảm sức cạnh tranh, động lực vay vốn của DN; làm gia tăng tình trạng cho vay "nặng lãi" và làm tổn hại đến chính triển vọng ổn định và phát triển ngay trong hệ thống ngân hàng. Vì vậy, tự do hóa lãi suất tín dụng chỉ nên áp dụng khi có sự chín muồi các điều kiện, nhất là kinh tế vĩ mô ổn định và cơ chế quản lý -giám sát thị trường đồng bộ và hiệu quả, nhằm phát huy tạo hiệu ứng tích cực và giảm thiểu tác động mặt trái của cơ chế này.

Thực tế cho thấy, không nên ngộ nhận việc hạ trần LSHĐ là tự động sẽ dẫn tới ngay việc hạ trần LSCV nếu thiếu các quy định đi kèm "neo" mức chênh lệch LSCV với LSHĐ. Lợi ích kinh doanh không dễ để các ngân hàng tự nguyện hạ LSCV nếu họ không chịu sức ép cả hành chính và tài chính đủ lớn từ trên xuống và từ cạnh tranh thị trường. Vì vậy, cần tăng cường các khuyến khích và kiểm soát từ NHNN để bảo đảm gắn kết trực tiếp giữa giảm LSHĐ với kiểm soát TLSCV, hài hòa lợi ích ngân hàng, người gửi tiền và DN, tăng đồng thuận xã hội và sự ổn định chung của hệ thống ngân hàng.

Trong thời gian tới, cần chú ý kiểm soát TLSCV thay vì kiểm soát trần LSHĐ. Về lý thuyết, không nên tiếp tục giảm nhanh LSHĐ xuống dưới mức lạm phát năm, vì có thể làm giảm huy động vốn thực tế và làm tăng áp lực thanh khoản của mỗi ngân hàng và toàn hệ thống. Tuy nhiên, TLSCV có thể hạ thêm do lãi suất và điều kiện cho vay hiện vẫn là áp lực lớn đối với việc tái đầu tư của DN và do vẫn còn khả năng thu hẹp chênh lệch LSHĐ và cho vay nhờ cải thiện quản trị ngân hàng và đề cao trách nhiệm xã hội của toàn ngành. Việc tiếp tục áp và hạ TLSCV trực tiếp góp phần cải thiện chi phí vốn cho DN, kích thích tiêu dùng, đầu tư xã hội với những hệ lụy tích cực lan tỏa của chúng; đồng thời, mở rộng dư nợ tín dụng, cân đối hơn cơ cấu dư nợ giữa các ngành và định hướng tốt hơn các luồng vốn cho sản xuất, giảm áp lực nợ xấu của cả DN và ngân hàng, tăng sự ổn định hệ thống và kinh tế vĩ mô.