Sản phẩm cần thiết

Tháng 7/2013, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam kỷ niệm tròn 13 năm thành lập. Tuy nhiên, đến nay TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá là một thị trường non trẻ, chưa có các công cụ đầu tư đa dạng và còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác.

Dù chưa xuất hiện chính thức nhưng trên thực tế, TTCK phái sinh (CKPS) đã manh nha hình thành ở các cấp độ khác nhau. Dăm năm trước đây, khi thị trường tăng trưởng nóng, một số sản phẩm phái sinh dạng hợp đồng quyền chọn đã được các nhà đầu tư (NĐT) giao dịch trên thị trường OTC, đặc biệt là với cổ phiếu MB (lúc đó là hàng “hot” trên OTC). Dù không có số liệu thống kê cụ thể, nhưng có những ngày, lượng luân chuyển hợp đồng dạng quyền chọn với cổ phiếu MB lên tới cả chục tỷ đồng.

Trên sàn niêm yết, một số tổ chức trung gian tài chính cũng cho ra đời các hình thức giao dịch dạng sản phẩm phái sinh khác nhau nhằm “lách luật”, đa dạng hóa sản phẩm. Điển hình là “hợp đồng hợp tác đầu tư” với những đặc điểm cơ bản của một hợp đồng quyền chọn. Một thời gian sau, Công ty Chứng khoán VNDirect lại manh nha cung cấp một sản phẩm phái sinh đó là việc “bật đèn xanh” cho các giao dịch “vay”, bán cổ phiếu của NĐT khi cổ phiếu chưa về tài khoản - một dạng bán khống để tối ưu hóa lợi nhuận hoặc hạn chế rủi ro trong đầu tư. Tương tự vậy, Công ty Vàng Thế giới cũng đưa ra một sản phẩm mới gần giống với hợp đồng tương lai đầu tư vào một số cổ phiếu hoặc chỉ số chứng khoán...

Những hình thức và sản phẩm trên còn rất manh nha, chưa đồng bộ nên đã có những tác động tiêu cực tới thị trường chung và đã kịp thời bị cơ quan quản lý xử phạt, cấm sử dụng nhưng giới đầu tư chuyên nghiệp vẫn ít nhiều nuối tiếc. Nhiều chuyên gia tài chính trong và ngoài nước đồng nhất quan điểm đã đến lúc TTCK Việt Nam nên xem xét đưa vào vận hành các sản phẩm mới có hiệu ứng đòn bẩy cao và áp dụng một số sản phẩm CKPS. Đây là một nhu cầu cấp thiết giúp các NĐT thêm công cụ phòng vệ rủi trong bối cảnh TTCK còn nhiều biến động.

Theo các chuyên gia, chứng khoán không phải là lĩnh vực đầu tiên xây dựng sản phẩm phái sinh ở Việt Nam. Minh chứng là từ cuối năm 2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 158/2006/NĐ- CP thiết lập thị trường phái sinh hàng hóa tập trung. Để hiện thực hóa đề án này, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên đến nay, mọi việc vẫn chưa tiến triển.

Triển khai thận trọng

Dù đã có 13 năm phát triển nhưng để sản phẩm CKPS phù hợp với TTCK Việt Nam là không hề đơn giản. Đây là lĩnh vực động đến các vấn đề nhạy cảm, phức tạp, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía cơ quan quản lý nhà nước cũng như các thành viên thị trường và phải được xem xét từ nhiều phía. Nhận thức rõ điều này nên Bộ Tài chính và UBCKNN đã đưa ra lộ trình xây dựng Nghị định về CKPS trình Chính phủ vào cuối năm 2013. Quá trình chuẩn bị và các văn bản thông tư hướng dẫn chi tiết để vận hành sẽ đưa ra vào đầu năm 2014. Dự kiến, năm 2015-2016 các sản phẩm có thể đưa vào triển khai thực hiện.

Sau 13 năm vận hành, đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam đưa vào tổ chức vận hành TTCK phái sinh. Song, điều cần thiết là phải xây dựng một cơ chế vận hành và khung pháp lý thật tốt để phát huy ưu điểm và hạn chế mặt trái của sản phẩm mới này.

Cụ thể, TTCK phái sinh sẽ được phát triển trên nền tảng tài sản cơ sở là các chứng khoán được niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán. CKPS chuẩn hóa sẽ là các hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai được giao dịch trên sàn CKPS tập trung. Các tài sản cơ sở có thể là cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư hoặc chỉ số chứng khoán. Tài sản cơ sở phải có mức độ biến động giá nhất định và cần phải có một trung tâm thanh toán bù trừ đóng vai trò là một đối tác trung tâm bên cạnh hệ thống đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán như hiện nay. Cơ quan này sẽ đóng vai trò trung gian trong mua bán và là người chịu rủi ro cuối cùng và dự kiến trực thuộc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD).

Theo TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (UBCKNN), nghị định về sản phẩm phái sinh trên TTCK Việt Nam phải đảm bảo giải quyết được các vấn đề chính yếu bởi vậy mà không thể nôn nóng, hấp tấp. Thứ nhất, là mô hình tổ chức thị trường phải đáp ứng những tiêu chí nhất định. Thứ hai, chúng ta phải xác định được các hàng hóa giao dịch trên thị trường tham gia phái sinh; Thứ ba là cơ chế giao dịch gồm các vị thế mở, vị thế đóng, biên độ, cơ chế ký quỹ, các quỹ phòng vệ rủi ro, cơ chế thanh toán… tiêu chuẩn thành viên tham gia thị trường và vấn đề cuối cùng là quản trị giám sát cũng như công nghệ cho thị trường cũng như cách thức vận hành…

Bởi vậy, ngoài các đề xuất của Bộ Tài chính và UBCKNN, các vấn đề liên quan rất cần sự tham gia ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản trị, các chuyên gia tài chính và thành viên thị trường để đề án sớm hoàn thiện, đạt hiệu quả cao nhất. Dù thời gian khá gấp nhưng các cấp quản lý vẫn không vì thế mà đưa ra các quyết sách nếu chưa được xem xét đầy đủ, rõ ràng…

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 7 - 2013

Hoàn thiện chứng khoán phái sinh

Minh Hương

(Tài chính) Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) gấp rút hoàn tất trong những tháng cuối năm 2013 là hoàn thiện đề án chứng khoán phái sinh trình Chính phủ.

Xem thêm

Video nổi bật