Khối ngoại đang chuyển hướng dòng tiền?

Theo Linh Đan/thoibaongnganhang.vn

Trong thời gian gần đây, khối ngoại đang có xu hướng bán ròng trên các sàn giao dịch nhưng bên cạnh đó là liên tiếp những thương vụ "gom hàng" nhằm tăng tỷ lệ sở hữu tại các doanh nghiệp lớn. Phải chăng dòng vốn này đang thay đổi mục tiêu đầu tư?

Vốn ngoại vẫn đang tìm kiếm cơ hội trên thị trường chứng khoán Việt
Vốn ngoại vẫn đang tìm kiếm cơ hội trên thị trường chứng khoán Việt

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang thiếu lực mua lên với bối cảnh dòng tiền nội suy giảm, khối ngoại có xu hướng bán ròng trong tháng 3, 4, 5. Ngoài ra, những tin tức bất ổn đến từ biến động kinh tế trong và ngoài nước có thể khiến thị trường chứng khoán Việt khó tăng mạnh hay giảm sâu trong các tháng tới.

Vốn ngoại đang ở đâu?

Tập đoàn Vingroup (mã: VIC) và SK Group của Hàn Quốc vừa ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược, theo đó, SK sẽ đầu tư khoảng 23.300 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD) để mua cổ phiếu của Vingroup và trở thành đối tác chiến lược của tập đoàn.

Theo thỏa thuận hợp tác, SK Group đăng ký mua 154,3 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ từ Vingroup và mua lại 51,4 triệu cổ phiếu VIC thuộc sở hữu của VinCommerce. Tổng sở hữu của SK Group sau thương vụ này là 205,7 triệu cổ phiếu VIC, tương đương hơn 6% vốn điều lệ tập đoàn.

Mức giá trung bình 113.000 đồng/cp tương đương thị giá hiện tại của cổ phiếu VIC trên sàn chứng khoán.

VIC và các cổ phiếu "họ Vin" khác như VRE (Vincom Reatail), VHM (Vinhomes) được giới phân tích cho rằng đang giao dịch ở mức giá cao, tương đương hệ số P/E từ vài chục đến cả trăm lần.

Điều này chứng tỏ phương pháp định giá P/E không mấy ảnh hưởng tới quyết định đầu tư của nhà đầu tư ngoại này.

Trước thương vụ này, SK Group cũng bỏ ra 470 triệu USD để mua lại toàn bộ gần 110 triệu cổ phiếu quỹ của Masan với giá bán 100.000 đồng/cp, cao hơn thị giá tại thời điểm đó, tương ứng 9,5% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty.

Mới đây, Tập đoàn Mitsui (Nhật Bản) đã quyết định mua 30% cổ phần phát hành riêng lẻ của Thủy sản Minh Phú (Max: MPC) và 5,1% cổ phần của nhóm cổ đông liên quan đến gia đình ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT công ty.

Hồi cuối tháng 3/2019, hãng vận tải biển Wan Hai Lines (Đài Loan) vừa thông qua công ty con Wan Hai Lines (Singapore) Pte Ltd hoàn tất mua 19,83 triệu cổ phiếu CDN của CTCP cảng Đà Nẵng, nâng sở hữu từ 5.000 cổ phiếu lên 19,835 triệu cổ phiếu (20,4%). Tỷ lệ sở hữu này đưa hãng vận tải biển này trở thành cổ đông lớn thứ hai tại CTCP Cảng Đà Nẵng, sau Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (chiếm 75% cổ phần).

Tính đến hết tháng 3, các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ 11% cổ phiếu của CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa. Riêng 5 quỹ ETF lớn là V.N.M ETF, DB Xtracker FTSE VN Swap Ucits ETF, VFMVN30 ETF, iShare MSCI Frontier 100 ETF và SSIAM VNX50 ETF Fund chiếm hơn 21,1 triệu cổ phiếu, tăng 21% so với hồi đầu năm.

Thay đổi phương thức đầu tư

Trong những phiên giao dịch gần đây, chỉ số Vn-Index đã có những phiên hồi phục ấn tượng nhưng theo nhận định của các chuyên gia, thị trường chứng khoán sẽ ít cơ hội tăng mạnh giống giai đoạn cuối năm 2017 và đầu năm 2018.

Một trong những nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán không được đánh giá cao trong giai đoạn hiện nay là bởi nỗi lo sợ những tác động tiêu cực tới dòng tiền đầu tư cũng như mối lo về câu chuyện tỷ giá, lạm phát, lãi suất.

Ngoài ra, việc khối ngoại bán ròng mạnh trong tháng 3 và những phiên giao dịch tháng 5 cũng như giảm mạnh hoạt động mua trong tháng 4 khiến chỉ báo tâm lý nhà đầu tư xuống thấp; do đó thị trường chứng khoán Việt Nam có thể còn "lình xình" thêm ít nhất đến đầu quý III/2019.

Trước đó, khi kết thúc năm 2018, hầu hết các quỹ ngoại hàng đầu thị trường đều có mức tăng trưởng giá trị tài sản ròng/ ccq (NAV/share) âm, thậm chí còn giảm mạnh so với mức giảm của chỉ số Vn-Index.

Cụ thể, Pyn Elite Fund có mức tăng trưởng NAV/share âm 10,15%, VEIL Dragon Capital âm 11,3%, JPMorgan VOF âm 12%, các quỹ ETFs như FTSE Vietnam ETF âm 11%, VFMVN30 ETF âm 11,4%, VNM ETF âm gần 13%…

Bộ đôi "đình đám" trong giai đoạn 2016 đến đầu 2018 Passion Investment (PIF) và Hestia cũng có một năm gây thất vọng khi NAV/ share lần lượt âm 16% và âm 24%.

Tuy nhiên, so với các thị trường lân cận, thị trường Việt Nam vẫn được đánh giá có sức hấp dẫn, khối ngoại vẫn đang tích cực mở rộng tìm kiếm cơ hội đầu tư chỉ thay đổi phương thức đầu tư.

Thay vì trực tiếp mở tài khoản, trực tiếp mua cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường, dòng vốn này chuyển sang mua theo hình thức gián tiếp thông qua các quỹ đầu tư trung gian, hoặc đầu tư dài hạn trực tiếp vào doanh nghiệp.

Hiện, hầu hết các doanh nghiệp lớn ngành dược phẩm đều có sự tham gia hoặc đang đàm phán với các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, trong đó, một số doanh nghiệp hiện đã cơ bản hoàn tất đàm phán với đối tác ngoại.

Đặc biệt, thời gian qua, không ít ngân hàng liên tiếp đưa thông tin tìm đối tác ngoại để bán vốn nâng cao khả năng cạnh tranh khi bài toán tăng trưởng và phát triển đang "nóng" dần.

Nhìn chung, thị trường chứng khoán Việt đang rơi vào áp lực bán ròng của khối ngoại nhưng dòng vốn này không hề mất đi mà chỉ chuyển từ hình thức này sang hình thức khác.

Xu hướng chung của thị trường sẽ là đợi chờ nghe ngóng các thông tin hỗ trợ nhưng dòng tiền vẫn đang phân hóa vào một số nhóm ngành. Cơ hội đầu tư đã và đang xuất hiện ở một số các cổ phiếu đặc biệt hay câu chuyện ở những cổ phiếu riêng, các sản phẩm mới sắp được ra mắt.