Không nên ép tiếp lãi suất

Huệ Văn

(Tài chính) Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng cho rằng dư địa để giảm lãi suất trong thời gian tới gần như không có, bởi lãi suất đã giảm xuống mức hợp lý. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên điều hành lãi suất theo hướng ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá, thay vì ép lãi suất giảm tiếp. Để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, Chính phủ và NHNN nên tập trung vào các chính sách kích cầu.

Không nên ép tiếp lãi suất
Dư địa để giảm lãi suất trong thời gian tới gần như không có. Nguồn: internet

"Trong thời gian vừa qua, chúng tôi thấy rằng mức lãi suất huy động và cho vay đang ở mức hợp lý. Người gửi tiền thấy hài lòng với mức lãi suất huy động tiết kiệm. Còn phía doanh nghiệp (DN) không kêu ca phàn nàn về lãi suất cho vay. Thời gian tới, NHNN tiếp tục triển khai quyết liệt các mô hình tín dụng mới, chuỗi liên kết đảm bảo chu trình luân chuyển dòng vốn, bảo đảm an toàn tín dụng liên kết, đẩy mạnh kết nối ngân hàng - DN...", ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank, cho biết.

Tăng tín dụng, không hạ lãi suất

Cùng quan điểm trên, ông Nghiêm Xuân Thành, Tổng Giám đốc Vietcombank, cũng cho rằng dư địa để giảm lãi suất thời gian tới gần như không có. "Với tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay, theo tôi dư địa để giảm lãi suất thời gian tới gần như không có. Lạm phát đang kiểm soát tốt, trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm còn khá xa, nên đây là giai đoạn cần phát huy vai trò chính sách tài khóa trong việc kích thích tổng cầu, tạo đà thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", ông Thành phân tích.

Theo ông Thành, để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, Chính phủ cần có các giải pháp trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án sử dụng ngân sách nhà nước, tạo đà tăng trưởng tín dụng; Đẩy nhanh tái cơ cấu đầu tư công, nâng cao năng lực tài chính, cạnh tranh DN. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV) không có tài sản đảm bảo được tiếp cận vốn ngân hàng thông qua quỹ bảo lãnh.

"Chúng ta đã có Quyết định 03/2011/QĐ-TTg về ban hành quy chế bảo lãnh cho DNNVV vay vốn tại ngân hàng thương mại. Ngoài ra, các bộ, ngành liên quan cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn xử lý tài sản đảm bảo tiền vay; theo hướng đảm bảo các tổ chức tín dụng (TCTD) được toàn quyền chủ động trong việc xử lý tài sản theo hợp đồng đã ký kết khi bên vay vốn vi phạm nghĩa vụ trả nợ…", ông Thành kiến nghị.

Tuy nhiên, vấn đề nợ xấu hiện đang khiến các ngân hàng đau đầu. "Có thể nói, xử lý nợ xấu vẫn là vấn đề thời sự đối với tất cả các ngân hàng thương mại. Đặc biệt, việc xử lý tài sản để thu hồi nợ xấu của ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, NHNN tiếp tục phối hợp với các bộ, ban ngành liên quan nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho ngân hàng trong xử lý tài sản đảm bảo đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu", ông Thắng nêu ý kiến.

Cùng quan điểm trên, ông Phạm Hồng Hải, Phó Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, cho rằng nhìn vào thực tại của hệ thống ngân hàng vẫn còn một số khó khăn tồn tại như: nợ xấu có giảm nhưng vẫn ở mức cao; vẫn còn TCTD yếu kém cần tiếp tục tái cơ cấu; cầu tín dụng còn yếu. Vì vậy, cần phải cải cách nền kinh tế nói chung và tiếp tục cải cách hệ thống ngân hàng trong thời gian tới.

Ổn định tỷ giá

Về vấn đề này, ông Phan Huy Khang, Tổng Giám đốc Sacombank, cho rằng các chương trình tín dụng đối với lĩnh vực đặc thù, ưu tiên được NHNN chỉ đạo quyết liệt rõ ràng giúp ngân hàng thuận lợi, chủ động trong cho vay hỗ trợ khách hàng. "Ngoài ra, việc cho phép các TCTD cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi… theo Quyết định 780, Thông tư 09 đã tháo gỡ khó khăn cho DN, giảm bớt gánh nặng tài chính cho khách hàng. Đến nay, khá nhiều khách hàng sau khi cơ cấu lại đã phục hồi sức khỏe, nhờ vậy, ngân hàng giảm bớt nợ xấu", ông Khang bình luận.

Tuy nhiên, ông Khang cho rằng sau khi tái cơ cấu, chỉ cần 20 - 25 ngân hàng tại Việt Nam là hợp lý. Ông Khang cũng đánh giá hiệu quả của tái cơ cấu hoạt động TCTD đạt hiệu quả cao, giúp các TCTD cơ cấu lại hoạt động ổn định an toàn, cải thiện năng lực tài chính, quản trị điều hành.

Cùng với việc ổn định lãi suất, nhiều ngân hàng cũng cho rằng NHNN nên ổn định tỷ giá. Trong 3 năm trở lại đây, công tác điều hành của NHNN có sự thay đổi rất lớn chuyển từ thế bị động sang chủ động.

NHNN chủ động dẫn dắt, điều chỉnh thị trường, hoạt động tài chính tạo sân chơi bình đẳng đảm bảo quyền lợi của các thành viên tham gia thị trường. Có những chính sách mang tính định hướng của NHNN như thực hiện lộ trình chống đô la hóa, vàng hóa... thời gian đầu còn nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng đến nay, sau một thời gian thị trường ngấm chính sách thì niềm tin trong xã hội ngày càng gia tăng đối với các chính sách của NHNN.

Theo ông Hải, trong thời gian vừa qua, đặc biệt là 6 tháng đầu năm đã có những điểm sáng tích cực về tình hình kinh tế vĩ mô, trong đó có đóng góp từ điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. "Có thể dẫn chứng là gần đây nhất, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá thêm 1%. Và, chúng tôi thấy trong lịch sử ngành ngân hàng, lần đầu tiên khi tỷ giá điều chỉnh thì tỷ giá ngoài thị trường không chạy kịch trần và thực tế tỷ giá đang ở giữa biên độ trần và sàn. Đây là điểm sáng lớn, cho thấy niềm tin của thị trường và chính sách của NHNN", ông Hải bình luận.