Lại bàn chuyện “room”

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Câu chuyện nới “room” – giới hạn tỉ lệ sở hữu cổ phần cho các nhà đầu tư ngoại, một lần nữa được đặt ra khi tiến trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đang đến hồi cao điểm.

Lại bàn chuyện “room”
Sở hữu của các ngân hàng nước ngoài tại ngân hàng VN

Theo dự thảo Nghị định về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của các tổ chức tín dụng, thì nhà đầu tư chiến lược nước ngoài được phép mua tối đa 20% cổ phần của tổ chức tín dụng trong nước, thay cho mức hiện nay là 15%.

Chuyện 20% và 30%

Nếu dự thảo có hiệu lực, “room” cổ phần của đối tác ngoại tại ngân hàng Việt sẽ là 20%. Còn gộp lại room của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài (bao gồm cá nhân, những người có liên quan tới nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức đầu tư nước ngoài, đối tác chiến lược nước ngoài) thì “room” đó sẽ khá rộng và vượt quá mức 30% mà Nghị định 69/2007/NĐ-CP do Chính phủ ban hành từ năm 2007 đã quy định.

Thực tế, 20% mức “room” dành cho đối tác ngoại trước nay vẫn được thực thi ở một số ngân hàng. Tokyo Mitsubishi UFJ (BTMU) mua lại 20% vốn của Vietinbank mới đây là một ví dụ. Trước đó, Vietcombank cũng đã được chấp thuận bán vốn 20% cho đối tác ngoại và ngân hàng này chỉ mới sử dụng hết 15% trong hạn mức được phép này dành cho Mizuho. Tại AnBinhbank, một cổ đông đến từ ngân hàng Maybank Malaysia - Malayan Banking Berhad – cũng đang nắm sở hữu 18,18%. Mekongbank cũng đã sử dụng 20% kịch trần để bán vốn cho một đối tác chiến lược nước ngoài trong hiện tại…

Nhiều hơn thế ?

Tuy vậy, dự thảo Nghị định này nếu được thông qua, sẽ cho phép các tổ chức tín dụng hút vốn đầu tư ngoại từ nhiều đối tượng khác nhau, với một room khá rộng, nếu cộng cả đối tác chiến lược, cá nhân đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài và những người có liên quan lẫn tổ chức đầu tư nước ngoài.

Nhiều hơn cho một room sở hữu mới của các nhà đầu tư ngoại nói chung tại các tổ chức tín dụng, luôn là điều được những người quan tâm đến thị trường tài chính nội địa, trăn trở. Ý kiến này nay được nhắc lại trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn, dòng vốn eo hẹp và đặc biệt thị trường tài chính đang được tái cấu trúc toàn phần, trở nên có ý nghĩa. Bởi tái cấu trúc bao giờ cũng được xem như một dịp để có thể thay đổi các tiền lệ, áp dụng cái mới nhằm tạo nên một cấu trúc mới. Room sở hữu nước ngoài tại ngân hàng theo đó, được nhiều người đặt kỳ vọng ở các ngưỡng khác nhau, kịch trần có ý kiến còn đề xuất nên nới room tới 49% theo quy định hiện nay như ở các DN bình thường khác.

Về phía các nhà đầu tư ngoại, 49% sở hữu ở một ngân hàng hẳn là tỉ lệ sở hữu mà họ mong ước. Đây mới thực sự là một tỉ lệ để họ có thể “rộng tay” can thiệp chiến lược kinh doanh, điều hành, quản trị ngân hàng. Ông Louis Nguyễn - Tổng giám đốc SAM Asset Management, lý giải: Tỉ lệ 49% sẽ có ý nghĩa quyết định rất lớn. “Vì rằng, ông Louis Nguyễn nói, trong cùng một tổ chức, nếu có một cổ đông nắm tỷ lệ lớn hơn, ví dụ như Nhà nước đang nắm sở hữu 60% tại VCB, thì tỉ lệ 30%, hoặc hơn 30% cũng chẳng… thấm tháp vào đâu. Anh (cổ đông lớn nước ngoài) chẳng thể có tiếng nói quyết định so với lá phiếu áp đảo đang đại diện tới 2/3 cổ phần”. Louis Nguyễn dẫn dụ thêm một số ví dụ trường hợp nơi ông đã từng ngồi ghế Hội đồng quản trị đại diện vốn góp. Tuy nhiên, lá phiếu của ông gần như chẳng có “trọng lượng” so với lá phiếu của các vị Chủ tịch Hội đồng quản trị, cộng thêm các thành viên Hội đồng quản trị có thể là người thân trong gia đình như vợ, con, cháu… “Do đó mà các nhà đầu tư ngoại khi tham gia Hội đồng quản trị ở DN Việt Nam, rất “oải” vì không giải quyết được những mong muốn thay đổi cung cách quản trị, chiến lược điều hành và cải thiện DN”.

Rất dễ hiểu là ngay cả ở tỉ lệ sở hữu 30% hoặc hơn 30%, (mà thường là miếng bánh này cũng chị chia đôi sẻ ba cho các đối tác khác nhau) cũng đã khó hấp dẫn nhà đầu tư ngoại đổ vốn vào ngân hàng. Đương nhiên, so với tỉ lệ sở hữu 49%. Càng dễ hiểu tại sao ngay cả ở các DN cổ phần khác không phải là ngân hàng, đôi khi, để nắm quyền quyết định mang ý nghĩa “thâu tóm” quyền lực điều hành, nhiều nhà đầu tư ngoại vẫn phải “cậy nhờ” ủy thác không chính thức cho những đối tác, người quen (không liên quan) đứng tên đại diện 2% tỉ lệ sở hữu ở cùng một DN, nhằm gộp thành lá phiếu áp đảo đại diện cho 51%. Và mặt khác, cũng không có gì là khó hiểu khi hàng loạt đại diện các quỹ đầu tư ngoại gần đây đã cử người tham gia Hội đồng quản trị ở các DN họ góp vốn. Rồi sau đó, lại rút lui khỏi các vị trí này một cách không kèn không trống.

Đó cũng là lý giải vì sao phần lớn DN Việt Nam chỉ hút được một khoản vốn ít ỏi từ các nhà đầu tư ngoại, nếu so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi, các giá trị kèm theo như cung cách, kĩ năng quản trị, chiến lược kinh doanh, thậm chí là công nghệ chuyển giao... điều mà chúng ta kỳ vọng nhất khi gia nhập WTO và mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, lại không đạt được như mong đợi.

“Kẻ thức thời là trang tuấn kiệt…”

Nhân nói về WTO, lật lại những trang cam kết về mở cửa thị trường thương mại dịch vụ theo Hiệp định WTO của Việt Nam, điều 7.3.6 - mở cửa dịch vụ ngân hàng - ghi rõ: Việt Nam vẫn được giữ hạn chế về mua cổ phần trong ngân hàng Việt Nam (không quá 30%). Ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, người đã có nhiều đóng góp trong tiến trình đàm phán WTO, cho biết để có được một vài dòng vỏn vẹn như kể trên, các đàm phán gia đã mất rất nhiều công sức. Công sức lớn nhất nhằm giành quyền điều đình về room sở hữu ngân hàng ngoại và mở cửa thị trường tài chính Việt Nam, cũng như ở khu vực viễn thông mà Nhà nước đặt mục tiêu vẫn nắm quyền kiểm soát, về cơ bản trong tiến trình đàm phán đã đạt như ý muốn.

“Bài học về viễn thông, đánh đổi rất nhiều điều kiện để kéo dài thời gian mở cửa, đến khi mở cửa lại không có… ai vào”, theo như ông Trương Đình Tuyển chia sẻ, cũng là một ví dụ cho thấy sự đánh đổi các điều kiện khi gia nhập WTO không phải lúc nào cũng “trúng”. Và chúng ta, các nhà hoạch định chính sách, sau 5 năm gia nhập WTO, đến nay hẳn vẫn đang còn phải phân vân giữa những e ngại tiếp tục nảy sinh về việc có thể bị lũng đoạn hệ thống tiền tệ, nguy cơ thâu tóm ngân hàng…, với kỳ vọng thu hút thêm luồng vốn và quản trị ngoại.

Tại thời điểm hiện nay, dòng chảy luân chuyển vốn đang cho thấy khu vực đầu tư tài chính ở Việt Nam vẫn vô cùng hấp dẫn. Đây chính là thời điểm mà các nhà hoạch định cần có quyết định rõ ràng, thay cho những e ngại ngổn ngang. 5 năm cho những suy tính có thể không dài, nhưng đã đủ để chúng ta có các bài học và rút ra cơ hội điều chỉnh tích cực trong tư duy của các người làm chính sách. Cơ hội sẽ không đến 2 lần với các ngân hàng yếu!

Theo nhiều chuyên gia, nhu cầu tìm kiếm đối tác ngoại của các ngân hàng Việt hiện nay rất lớn

Thứ nhất, SCB đang là ngân hàng hợp nhất đầu tiên tìm kiếm các nhà đầu tư nước ngoài và room vốn ngoại ở đây đang bằng 0. Ngoài ra, hạn mức bán vốn nước ngoài của Vietcombank, theo phê duyệt vẫn còn dư 5% và theo nhiều nguồn tin có khả năng Muziho tiếp tục sẽ gia tăng hết room sở hữu này. Sacombank cũng là đối tượng đang trong tầm ngắm của đối tác thuộc Eximbank, nếu đích thực 2 ngân hàng này có chiến lược về một nhà.

Thứ hai, nhìn trên toàn hệ thống, Việt Nam hiện tại đang có ít nhất 9 ngân hàng có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng, 8 ngân hàng có vốn điều lệ trên 3.000 tỉ đồng – xấp xỉ 4.000 tỉ đồng và 4 ngân hàng có vốn điều lệ từ 4.000-4.250 tỉ đồng. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, thì các ngân hàng này đều đã đạt mức vốn pháp định tối thiểu là 3.000 tỉ đồng. Tăng vốn sẽ là một giải pháp thích hợp để các ngân hàng có thể bù đắp cho tỷ lệ an toàn CAR trong tương lai.

Thứ ba, động lực tiếp theo khiến các ngân hàng Việt có thể sẽ phải tìm đến các đối tác ngoại nhiều hơn chính là sức ép của việc bắt buộc phải tiệm cận và dần đi theo hướng đáp ứng các tiêu chuẩn Basel II và III mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra. Theo đó, các ngân hàng sẽ phải cân nhắc, chọn lựa cổ đông chiến lược sao cho việc phát hành cổ phiếu cơ sở hợp tác đôi bên cùng có lợi. Điều kiện này sẽ tương thích đặc biệt chỉ khi các cổ đông chiến lược là các ngân hàng quốc tế.