Làm thế nào để công ty “lên sàn” chứng khoán

Công ty luật PLF

(Tài chính) Sở Giao dịch chứng khoán là nơi diễn ra hoạt động tập trung và sôi động nhất trên thị trường chứng khoán. Để được niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch chứng khoán, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện cơ bản.

Làm thế nào để công ty “lên sàn” chứng khoán
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sở giao dịch chứng khoán là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc sở hữu nhà nước. Hiện nay ở Việt Nam có hai sở giao dịch chứng khoán là Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Tại đây, tổ chức thị trường cho các công ty đủ điều kiện được niêm yết chứng khoán và các giao dịch chủ yếu theo phương thức khớp lệnh tập trung.

Để được niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau: Là công ty cổ phần có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 120 tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán; Có ít nhất 02 năm hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần tính đến thời điểm đăng ký niêm yết; tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm gần nhất tối thiểu là 5% và hoạt động kinh doanh của hai năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi; không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 01 năm; không có lỗ luỹ kế tính đến năm đăng ký niêm yết; tuân thủ các quy định của pháp luật về kế toán báo cáo tài chính.

Ngoài ra, thực hiện công khai mọi khoản nợ đối với công ty của thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc (Tổng Giám đốc), Phó Giám đốc (Phó Tổng Giám đốc), Kế toán trưởng, cổ đông lớn và những người có liên quan; Tối thiểu 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất ba trăm (300) cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ; Cổ đông là cá nhân, tổ chức có đại diện sở hữu là thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc (Tổng Giám đốc), Phó Giám đốc (Phó Tổng Giám đốc) và Kế toán trưởng của công ty; cổ đông lớn là người có liên quan với thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Giám đốc (Tổng Giám đốc), Phó Giám đốc (Phó Tổng Giám đốc) và Kế toán trưởng của công ty phải cam kết nắm giữ 100% số cổ phiếu do mình sở hữu trong thời gian 06 tháng kể từ ngày niêm yết và 50% số cổ phiếu này trong thời gian 06 tháng tiếp theo.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu hợp lệ, bao gồm: Quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua việc niêm yết cổ phiếu; Cam kết của cổ đông; Hợp đồng tư vấn niêm yết (nếu có); Giấy cam kết hạn chế tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài theo quy định của pháp luật đối với lĩnh vực kinh doanh đặc thù (nếu có); Danh sách những người có liên quan đến các thành viên Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, Ban Kiểm soát và Kế toán trưởng; Giấy chứng nhận của Trung tâm lưu ký chứng khoán về việc cổ phiếu của tổ chức đó đã đăng ký, lưu ký tập trung; Giấy đăng ký niêm yết theo mẫu; Bản cáo bạch theo mẫu; Sổ đăng ký cổ đông.

Doanh nghiệp muốn đăng ký niêm yết chứng khoán nộp hồ sơ tại Sở Giao dịch chứng khoán, trong thời hạn 30 ngày Sở Giao dịch chứng sẽ có văn bản từ chối hoặc chấp nhận việc đăng ký niêm yết.