Sự “kích hoạt” của chính sách

Hai mốt nhóm giải pháp tài chính hỗ trợ thị trường và nền kinh tế trong năm 2013 do ngành Tài chính đề xuất đã trở thành cơ sở để ngày 07/01/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ - CP, về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. TTCK đã phản ứng tích cực từ trước đó, khi dòng tiền liên tiếp đổ vào thị trường và niềm tin đã trở lại với cộng đồng NĐT. Một “sóng tăng” đã kéo dài từ trung tuần tháng 12/2012 đến giữa tháng 1/2013, đưa thị trường chinh phục lần lượt các “ngưỡng” kỹ thuật.

Nếu việc thị trường chinh phục thành công ngưỡng 400 điểm trước kỳ nghỉ Tết Dương lịch năm 2013 đã là một bất ngờ thì việc VN - Index dễ dàng phá vỡ được ngưỡng kháng cự 430 điểm rồi ngưỡng 460 điểm mà giới phân tích cho sẽ là các ngưỡng cản lớn của xu thế tăng giá là những “bứt phá” thực sự ấn tượng. Đã rất lâu rồi, niềm vui mới lại đến với các NĐT dài và hứng khởi đến vậy. Sau thời gian trầm lắng của năm 2011 và quá nhiều biến động trong năm 2012, dường như đây là lúc thị trường lấy lại những gì đã mất, không chỉ ở điểm số mà cả hình ảnh trong con mắt giới đầu tư trong và ngoài nước.

Tuần giao dịch đầu tiên năm 2013, TTCK việt nam chỉ giao dịch 3 phiên và VN-Index tăng trọn cả 3 phiên. Đặc biệt, nhà đầu tư nước ngoài đã đẩy mạnh giải ngân vào nhóm cổ phiếu“bluechips” với tổng giá trị mua ròng đạt 320 tỷ đồng.

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, hầu hết các NĐT tham gia thị trường từ tháng 12/2012 đến nay đều đã có lãi, thậm chí lãi khá. Tại sàn HoSE, các cổ phiếu tăng mạnh nhất trong vòng một tháng qua đều là “penny stock” có giá trên dưới 5.000 đồng/cổ phiếu. Tính từ trung tuần tháng 12/2012 đến giữa tháng 1/2013, đã có những cổ phiếu tăng giá gấp đôi như GTT. Nhóm cổ phiếu tăng 50 - 70% cũng không ít, điển hình là PTC tăng 77%, DLG, SHI tăng trên 60%, SHS tăng 55%. Các mã “blue - chips” có biến động giá chậm hơn, nhưng luôn tỏ rõ xu thế chắc chắn và trở thành trụ cột dẫn dắt với thị trường. Tăng giá ấn tượng nhất trong nhóm này thuộc về cổ phiếu BVH của Tập đoàn Bảo Việt có mức tăng 62%, từ 27.000 đồng/cổ phiếu lên 44.000 đồng/cổ phiếu. Tại sàn HNX, các cổ phiếu trị giá nhỏ đã có mức tăng khá “choáng”, điển hình như GGG tăng tới 40% chỉ sau 4 phiên giao dịch. Những mã “nóng” như GBS, VNN và PVV, S96, PVA đều có mức tăng cao.

Không chỉ tăng điểm mạnh mẽ trong những ngày đầu năm mà thanh khoản của thị trường cũng tạo ấn tượng rất mạnh. Tại phiên giao dịch ngày 7/1/2013, thị trường đã ghi nhận giá trị giao dịch tại sàn HoSE lên tới 2.700 tỷ đồng, sàn HNX cũng xấp xỉ 1.000 tỷ đồng… Ở rất nhiều mã cổ phiếu, lượng khớp lệnh lên tới cả chục triệu đơn vị mỗi phiên như PVX, EIB… Ngày 15/1/2013, ngày đầu tiên áp dụng trở lại biên độ mới 10% trên sàn HNX, dòng tiền đã làm “bùng nổ” phiên giao dịch này. Thanh khoản của thị trường đã tương đương với thời đỉnh cao gần 3.000 tỷ đồng/phiên, nửa đầu năm 2010.

Theo ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Môi giới Công ty Chứng khoán Rồng Việt, thị trường đang được nâng đỡ bởi “con sóng niềm tin” khi cùng lúc có khá nhiều thông tin hỗ trợ xuất hiện… Giới đầu tư đang kỳ vọng diễn biến của TTCK sẽ lạc quan hơn trong năm 2013, dù nhiều giải pháp cần một thời gian dài để DN và nền kinh tế “thẩm thấu”. Cùng quan điểm trên, ông Kim Thiên Quang, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng (MBKE) cũng bổ sung thêm sự phục hồi của thị trường vừa qua ban đầu được dẫn dắt bởi các NĐT nước ngoài. Dòng tiền mang tính chất đầu cơ của các tổ chức lớn đã tìm tới các mã cổ phiếu tốt khi giá chứng khoán rớt xuống một mặt bằng khá rẻ. Chính dòng tiền “mồi” này và sự “kích hoạt” của chính sách đã kéo dòng tiền nhàn rỗi của NĐT nội trở lại thị trường. “NĐT đã quay lại thị trường và khi vẫn còn cơ hội thì dòng tiền chưa rút đi. Tôi cho rằng, thanh khoản của TTCK Việt Nam vẫn ở mức tốt, chí ít hết quý I/2013. Thị trường sẽ phân hóa cổ phiếu, dựa trên kết quả kinh doanh và các thông tin hỗ trợ. NĐT nội địa vẫn ưa thích các cổ phiếu có hệ số bê- ta cao, hoặc các cổ phiếu có kết quả kinh doanh vượt trội nhưng chưa tăng giá”, ông Kim Thiên Quang nhận định.

Nếu các chính sách hỗ trợ nền kinh tế được triển khai mạnh mẽ, “sóng tăng” của thị trường sẽ còn bền bỉ và lan tỏa ra các nhóm ngành để “bứt phá” rộng hơn.

Thêm những “cú hích” …

Tờ Wall Street Journal vừa đăng tải bài viết “For Vietnam Stocks, a Happy New Year” (tạm dịch: Một năm mới hạnh phúc cho chứng khoán Việt Nam) với những nhận định tích cực về TTCK Việt Nam. Theo đó, TTCK Việt Nam đã trở thành ngôi sao ít ngờ tới trên thị trường châu Á sau khi tăng 11% kể từ đầu năm đến nay. Cũng theo tờ báo trên, các NĐT nước ngoài đang dồn dập rót vốn trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang thực hiện nhiều biện pháp giải quyết các vấn đề của nền kinh tế đồng thời nới lỏng các qui định đối với thị trường…

TTCK Việt Nam đã trở thành ngôi sao sáng bất ngờ trên thị trường châu Á sau khi tăng 11% kể từ đầu năm 2013 đến nay. Các nhà đầu tư nước ngoài đã dồn dập đổ vốn vào đây, trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang thực hiện nhiều biện pháp cải cách nền kinh tế .

Theo Wall Street Journal

Ngày 9/1/2012, hãng tin tài chính nổi tiếng thế giới Bloombeg cũng đưa ra nhận định, TTCK Việt Nam sẽ là thị trường tốt nhất thế giới năm 2013…Kỳ vọng một “cú hích” tâm lý từ sự nhìn nhận, đánh giá của cộng đồng NĐT thế giới sẽ kéo thêm dòng vốn ngoại tham gia thị trường, đồng thời chu kỳ tăng điểm sẽ lan tỏa rộng hơn ra các nhóm cổ phiếu.

Trước đó, thêm một tin vui đến với các NĐT khi ngày 8/1/2013, Bộ Tài chính đã đồng ý với đề xuất của UBCKNN về việc nâng tỷ lệ margin lên 50-50. Cùng với đó, kể từ ngày 15/1/2013, biên độ giao dịch tại sàn HoSE cũng được tăng lên 7% và sàn Hà Nội lên 10%. Bộ Tài chính cũng đã đồng ý chính thức việc giảm phí lưu ký (khoảng 20%) trong năm 2013 nhằm hỗ trợ thị trường...

Như vậy, sau rất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho TTCK trong năm 2012 như nỗ lực lành mạnh hóa các công ty chứng khoán, ban hành hệ thống văn bản thực hiện tái cơ cấu thị trường, những ngày đầu năm 2013, TTCK Việt Nam lại đón nhận thêm những thông tin chính sách tích cực.

Theo Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng, bên cạnh các giải pháp về tăng “room” cho khối ngoại, về đưa chứng khoán ra ngoài danh mục phi sản xuất, UBCKNN đã tiếp tục đề xuất 5 nhóm giải pháp khác để phát triển và tái cấu trúc TTCK trong năm 2013, bao gồm: 1) các giải pháp về cơ chế, chính sách, đề án; 2) hoàn thiện khung pháp lý; 3) phát triển các sản phẩm mới và tăng cường tính đa dạng, chất lượng hàng hóa trên TTCK; 4) tăng cường giám sát, tái cấu trúc TTCK; 5) đầu tư hệ thống công nghệ.

Như vậy, cùng với kỳ vọng kinh tế vĩ mô sẽ khởi sắc hơn, các giải pháp kỹ thuật để phát triển và tái cấu trúc TTCK cũng đã và đang được Bộ Tài chính và UBCKNN triển khai mạnh mẽ. Kỳ vọng một chu kỳ tăng điểm dài hạn đối với thị trường bởi vậy đang mở ra hiện hữu hơn, là món quà xuân ý nghĩa dành cho cộng đồng NĐT trong những ngày đầu năm mới.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 1+2-2013

"Lộc xuân" năm mới

Hải Vân

(Tài chính) Hai tuần cuối cùng của năm 2012 và nửa đầu tháng 1 năm 2013, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã đi từ “đáy” 380 điểm lên phá “đỉnh” 462 điểm. Chuỗi tăng điểm ấn tượng vừa qua được ví như “lộc xuân” với các nhà đầu tư (NĐT), đem lại kỳ vọng tươi sáng về một năm mới.

Xem thêm

Video nổi bật